Nông sản được giá nhờ xây dựng thương hiệu

Nông nghiệp là một trong những “trụ đỡ” vững chắc cho nền kinh tế. Tuy nhiên, có thực tế là những sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông sản thường mang lại những giá trị không tương xứng, thậm chí luôn tái diễn cảnh “được mùa, mất giá”. Để khắc phục, việc nâng giá trị sản phẩm nông sản nhờ xây dựng thương hiệu là hết sức cần thiết, giúp cho sản phẩm có thể đến được thị trường một cách thông suốt, đem lại lợi ích kinh tế cao cho nông dân.

Xây dựng thương hiệu riêng

Hiện trên địa bàn thị xã Sơn Tây có hàng ngàn cây mít cổ thụ, có cây lên đến trên 100 năm tuổi. Điều đặc biệt là cây mít ở đây càng to, càng lâu năm thì càng sai quả. Nhờ đó, chủ cây mít có thể thu về từ 3 – 5 triệu đồng/cây mỗi năm, cá biệt có những cây cho thu hoạnh lên tới hàng chục triệu đồng mỗi năm. Vì lí do đó, việc trồng mít đang trở thành hướng đi mới trong phát triển kinh tế dành cho nhiều hộ nông dân tại thị xã Sơn Tây. Năm 2022, đặc sản mít Sơn Tây đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp.

Nông sản được giá nhờ xây dựng thương hiệu
Bằng việc xây dựng thương hiệu và quảng bá mạnh mẽ đặc sản mít Sơn Tây, chính quyền địa phương đã và đang góp phần giúp giá trị của nông sản được nâng tầm. Ảnh: Đinh Luyện

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây Nguyễn Viết Đạt, diện tích trồng mít bản địa trên địa bàn khoảng 100ha, tập trung ở một số xã có nhiều đồi gò như: Sơn Đông, Cổ Đông, Kim Sơn, Xuân Sơn, Thanh Mỹ… Để quảng bá cho sản phẩm nông sản này, năm 2022, Sơn Tây đã tổ chức thành công Hội thi Mít Sơn Tây. Từ đó, mít Sơn Tây đã được nhiều người biết đến và đặt mua từ sớm, số lượng nhiều. Tại các xã, phường có những cây mít ngon, thậm chí nhiều khách đã đặt mua cả cây để hái dần. Mít Sơn Tây đã trở thành thương hiệu, góp phần giúp giá trị của nông sản được được nâng tầm.

Được biết, không chỉ riêng thương hiệu mít, để các mô hình sản xuất nông sản đạt được hiệu quả cao, thời gian qua thị xã Sơn Tây cũng đã thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho lực lượng lao động đang sản xuất, nâng cao tính chuyên nghiệp của nghề nông trong sản xuất nông sản hàng hóa. Nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ khó khăn tại cơ sở về con giống, cây giống, vật tư. Hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu thương hiệu tập thể cho các sản phẩm; phát triển, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, bao bì, tem nhãn hàng hóa.

Cùng đó, Sơn Tây đã lựa chọn 3 điểm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn tại các điểm: Khu vực đền Và – phường Trung Hưng; khu vực chùa Khai Nguyên – xã Sơn Đông và khu vực cổng làng Mông Phụ – xã Đường Lâm. Nhờ sự chủ động này, các sản phẩm nông sản chủ lực như: Mật ong Kim Sơn (chủ thể sản xuất là Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Kim Sơn, xã Kim Sơn); kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng trắng, kẹo vừng đen, kẹo gạo lứt (Cơ sở bánh kẹo truyền thống Hiền Bao, xã Đường Lâm); bánh tẻ Phú Nhi (phường Phú Thịnh)… đã được đông đảo người tiêu dùng biết đến.

Ngoài Sơn Tây, hiệu quả từ việc xây dựng thương hiệu riêng để quảng bá, nâng tầm giá trị nông sản còn thấy được ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội như: Nhãn chín muộn Đại Thành (huyện Quốc Oai), Gạo thơm Bối Khê (huyện Thanh Oai), Chuối Vân Nam (huyện Phúc Thọ), Vịt Vân Đình (huyện Ứng Hòa)…

Phần lớn các sản phẩm đăng ký nhãn hiệu tập thể, được bảo hộ đã có mặt tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài Thành phố. Hơn hết, với việc có thương hiệu, thị trường của những nông sản này được mở rộng, giá bán tăng. Đáng chú ý, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể còn giúp các hợp tác xã, nông dân thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang theo chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Mang lại nhiều lợi ích

Thời gian qua, Hà Nội đã xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho hàng chục sản phẩm nông sản chủ lực. Thành phố cũng đẩy mạnh phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đưa OCOP đi vào chiều sâu. Trong đó, ưu tiên lựa chọn và phát triển những sản phẩm có lợi thế, nhằm phát huy bản sắc, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của người dân, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nông sản được giá nhờ xây dựng thương hiệu

Nhờ hướng đi bài bản, nhiều sản phẩm nông sản của thành phố Hà Nội có chất lượng cao đã được kết nối tiêu thụ, không chỉ bó hẹp ở thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu đi sang thị trường các nước. Chẳng hạn như, sản phẩm nhãn chín muộn Đại Thành (Quốc Oai) được xuất khẩu đi các nước Mỹ, Australia, Malaysia; gạo hữu cơ Đồng Phú xuất khẩu đi Đức; rau Văn Đức xuất khẩu sang Hàn Quốc; chuối tiêu hồng xuất khẩu sang Trung Quốc…

Ngoài việc xây dựng thương hiệu, Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm đến công tác quảng bá, kết nối người tiêu dùng với đơn vị sản xuất. Dễ thấy nhất, mới đây Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã tổ chức khai mạc phiên giao dịch giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp an toàn năm 2023 lần thứ nhất tại quận Ba Đình. Phiên giao dịch giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp an toàn năm 2023 này diễn ra từ ngày 24 đến ngày 30/6/2023 với 10 nhóm hàng trên 100 sản phẩm.

Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội cho biết, phiên quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn do Hội Nông dân Thành phố tổ chức là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và các hộ sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng, mở rộng hệ thống phân phối, tham gia chuỗi cung ứng và tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô.

Những lợi ích từ việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, có thực tế là trong quá trình phát huy hiệu quả các loại nông sản, một số ít các địa phương vẫn còn gặp khó khăn. Nhiều sản phẩm nông sản chủ lực sản xuất ở quy mô nhỏ, manh mún, thiếu tính liên kết. Một số hộ dân chưa chú trọng vào khâu sản xuất, ghi chép sổ sách, nhật ký để truy xuất nguồn gốc, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thu mua sản phẩm… Đây là những hạn chế cần phải sớm khắc phục. Nói cách khác, để các sản phẩm nông sản ngày càng được nâng tầm và vươn xa hơn nữa, đòi hỏi người nông dân phải khắc phục những nhược điểm và chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, ứng dụng khoa học, công nghệ.

Rõ ràng, việc phát triển thương hiệu riêng cho các sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội có vai trò hết sức quan trọng. Đây không chỉ là cơ sở, tiền đề để gìn giữ, bảo tồn sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao mà còn tạo nhiều việc làm cho nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Hơn hết, đây cũng là cơ sở để các doanh nghiệp, hợp tác xã bảo vệ, nâng cao thương hiệu nông sản trên thị trường. Khi có thương hiệu, kết hợp cùng với công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, các sản phẩm sẽ có đầu ra ổn định, khắc phục được tình trạng “được mùa, mất giá” vốn là nỗi lo cố hữu bấy lâu nay của ngành nông nghiệp.

Đinh Luyện
https://laodongthudo.vn/nong-san-duoc-gia-nho-xay-dung-thuong-hieu-157613.html