Nữ cựu thanh niên xung phong giữ gìn nghề làm quạt truyền thống

Với sự nhanh nhẹn, năng động, thời gian qua, cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Tuấn, xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) đã tích cực tham gia phát triển kinh tế, lưu giữ nghề làm quạt truyền thống. Bà trở thành tấm gương sáng trong các phong trào thi đua, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ ở địa phương.

Trọn tâm nâng tầm sức sống làng nghề

Trò chuyện với bà Nguyễn Thị Tuấn, có thể cảm nhận rõ tinh thần, nghị lực, sự chân thành, hồn hậu của người lính vẫn vẹn nguyên trong bà. Dù ở hoàn cảnh nào, bà Tuấn vẫn luôn phát huy tinh thần “xung phong” của thanh niên Thủ đô, sống trách nhiệm với cộng đồng.

Nữ cựu thanh niên xung phong giữ gìn nghề làm quạt truyền thống
Bà Tuấn giới thiệu quạt Chàng Sơn tới du khách (Ảnh:N.Tuấn)

Năm 1977, khi mới 17 tuổi, với tinh thần sôi sục muốn góp một phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh bà Tuấn đã tình nguyện lên đường đi thanh niên xung phong. Mảnh đất Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng là nơi bà có nhiều kỷ niệm đẹp tuổi thanh xuân của mình. “Thời điểm đó, đời sống của người dân đều rất khó khăn, vất vả. Khắp mọi nơi đều là “rừng thiêng nước độc. Tôi tham gia thanh niên xung phong khi vừa tròn 17 tuổi, lúc đấy cùng với đồng chí, đồng đội tham gia đào kênh, đắp đất, mở đường cho vùng kinh tế mới”, bà Tuấn nhớ lại.

Năm 1978, sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao, bà Tuấn về quê hương và trở thành cô nuôi dạy trẻ. Bà Tuấn xin gia nhập Hội Cựu thanh niên xung phong xã từ năm 2010. Năm 2017, bà được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Chàng Sơn.

Mong muốn giữ nghề, tạo công ăn việc làm cho đồng đội ở địa phương, bà Nguyễn Thị Tuấn đã khởi nghiệp với nghề làm quạt khi bước sang tuổi 50. “Từ lâu Chàng Sơn đã có nghề làm quạt giấy truyền thống nhưng sản phẩm không đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng du nhập từ nước ngoài vào. Nhìn nghề của địa phương gắn bó với mình từ bé đang dần mai một, tôi luôn đau đáu làm sao để sáng tạo, làm nhiều mẫu mã quạt đa dạng hơn vừa giữ được nét truyền thống vừa hiện đại để vươn tầm thế giới”, bà Tuấn chia sẻ.

Nữ cựu thanh niên xung phong giữ gìn nghề làm quạt truyền thống
Quạt Chàng Sơn với mẫu mã đa dạng phù hợp với nhu cầu thị trường ngày nay (Ảnh: N.Tuấn)

Từ sản phẩm quạt giấy truyền thống, với công dụng chính là làm mát, bà Tuấn đã mày mò, nghiên cứu và đầu tư cải tiến sản phẩm. Bà dành thời gian tìm hiểu và thử nghiệm từng công đoạn từ chặt, chẻ nan tre, đến nghiên cứu cách xử lý mùi, mốc và màu sắc cho nan tre, đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất mới, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại. Qua bàn tay chăm chút và ý tưởng sáng tạo của nữ cựu thanh niên xung phong, những chiếc quạt đơn sơ đã được nâng tầm lên trở thành sản phẩm trang trí, hay thiệp cưới, quà lưu niệm tại các sự kiện, tờ rơi giới thiệu sản phẩm, phụ kiện thời trang…

Với số vốn khởi nghiệp chỉ vỏn vẹn vài triệu đồng cùng một trang website do con trai lập cho, bà Nguyễn Thị Tuấn đã phát triển thương thiệu quạt Chàng Sơn, được tham gia trưng bày giới thiệu ở những sự kiện văn hóa, lịch sử quan trọng của Hà Nội và đất nước. Những chiếc quạt nhỏ cũng theo chân du khách đến với nhiều quốc gia trên thế giới.

Năm 2010, người phụ nữ Chàng Sơn quyết định mang những chiếc quạt do chính tay mình sản xuất đến gần hơn với nhiều người, bằng cách trưng bày tại phố đi bộ nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nhờ hình thức đa dạng, chất lượng đảm bảo, quạt do cơ sở bà Tuấn được nhiều khách trong và ngoài nước yêu thích. Họ trả giá cao và sẵn sàng chờ cả tuần để đặt hàng mua về làm quà tặng.

Nữ cựu thanh niên xung phong giữ gìn nghề làm quạt truyền thống
Bà Tuấn hướng dẫn cách làm quạt tới học sinh, sinh viên (Ảnh: N.Tuấn)

Trong hành trình gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của quê hương, bà Tuấn trải qua không ít khó khăn nhưng với bà những khó khăn đó là động lực, thôi thúc bà cần phải đổi mới, thích nghi để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

“Khó khăn lớn nhất trên hành trình khởi nghiệp của tôi chính là mình đã lớn tuổi, nên cập nhật thông tin công nghệ không nhanh nhạy, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh không thành thạo, cần phải nhờ các con, cháu hỗ trợ. Nhưng với tinh thần không ngại khó, ngại khổ, tôi được hun đúc từ thời thanh niên xung phong, tôi đều cố gắng vượt qua”, bà Tuấn bộc bạch.

Giúp đỡ, tạo việc làm cho phụ nữ địa phương

Với mục tiêu giữ nghề, tạo công ăn việc làm cho những đồng đội và phụ nữ ở địa phương, từ mô hình khởi nghiệp quạt giấy của mình, đến nay bà Tuấn đã dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho nhiều con em cựu thanh niên xung phong và phụ nữ trong xã.

Không chỉ sáng tạo, thay đổi sản phẩm phù hợp với thị trường, nhanh nhạy bắt kịp xu hướng phát triển du lịch làng nghề, bà Tuấn cùng người dân nơi đây phát triển hoạt động du lịch trải nghiệm. Những sản phẩm quạt Chàng Sơn khi thì được bà đưa ra trung tâm Thủ đô tham gia các hội chợ, trưng bày, triển lãm, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước, khi thì đón những đoàn khách là học sinh, sinh viên, đoàn khách quốc tế về Chàng Sơn trực tiếp trải nghiệm các công đoạn làm quạt…

Điều thú vị nhất khi về với làng nghề là du khách được cùng nghệ nhân tự tay làm ra những chiếc quạt xinh xắn. Hoạt động này không chỉ giúp hình ảnh làng nghề truyền thống thêm lan tỏa trong nước mà còn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Nữ cựu thanh niên xung phong giữ gìn nghề làm quạt truyền thống
Các em học sinh trải nghiệm làm quạt giấy (Ảnh: N.Tuấn)

Không chỉ tích cực phát triển kinh tế, bà Tuấn còn là người truyền lửa cho nhiều hoạt động thiện nguyện tại địa phương, từ năm 2017, bà tích cực tham gia công tác xã hội. Mỗi năm, bà ủng hộ hàng chục triệu đồng cho các hoạt động của Hội cựu thanh niên xung phong địa phương cũng như Hội cựu thanh niên xung phong của thành phố Hà Nội để giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, Khi có bất kỳ chương trình nào được triển khai, bà luôn tiên phong đóng góp; đồng thời, tuyên truyền, vận động, khuyến khích các chị em hội viên cùng tham gia; kết nối các hội viên, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Hiện với cương vị là Phó Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong xã Chàng Sơn và Phó trưởng ban công tác nữ xã Chàng Sơn, bà Tuấn càng thêm quan tâm tới đồng đội, nhất là những cựu thanh niên xung phong khó khăn. Bà luôn vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ đồng đội thiếu thốn, động viên tinh thần để họ vơi đi những nỗi buồn về bệnh tật, hoàn cảnh.

Với những đồng đội khó khăn, bà hỗ trợ cho họ vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Với những đồng đội sức khỏe yếu, ngoài sự ủng hộ giúp đỡ của riêng cá nhân mình, bà Tuấn kêu gọi quyên góp trên mạng xã hội để cộng đồng chung tay ủng hộ, giúp họ vượt qua khó khăn. Dịp 27/7 hàng năm cũng là thời điểm bà Tuấn cùng những người đồng đội của mình tri ân người đã khuất và tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho đồng đội.

Từ năm 2019 đến 2022, gia đình bà Tuấn đã ủng hộ 120 triệu đồng xây dựng trụ sở UBND xã, ủng hộ 20 triệu đồng cho Quỹ phòng chống dịch; ủng hộ Quỹ vì người nghèo, vì biển đảo 15 triệu đồng. Ngoài ra bà còn vận động các mạnh thường quân ủng hộ hơn 60 triệu đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và nhiều khoản khác…

Với tình yêu dành cho nghề truyền thống cùng hoạt động thiện nguyện, bà Nguyễn Thị Tuấn đã vinh dự nhận Bằng khen của Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam năm 2020, 2021 vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động và xây dựng Hội; Hội Cựu thanh niên xung phong Thành phố tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng cụm gia đình cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi, giai đoạn 2016 – 2020.

N.Hoa
https://laodongthudo.vn/nu-cuu-thanh-nien-xung-phong-giu-gin-nghe-lam-quat-truyen-thong-158300.html