OCOP – Hướng đi bền vững cho nông sản Thủ đô

Được triển khai từ năm 2019, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố Hà Nội ngày càng phát huy hiệu quả với nhiều cách làm sáng tạo. Tham gia vào chương trình, nhiều địa phương đã giải quyết được bài toán được mùa – mất mùa, mất giá – được giá, từ đó đánh thức tiềm năng và mở ra hướng đi mới cho các sản vật của địa phương.

Thúc đẩy, hỗ trợ đầu ra cho xã viên

Có thể nói, câu chuyện tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp luôn là bài toán khó với nhiều địa phương cũng như những người làm nông nghiệp. Điển hình như tại xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội). Trước đây, khi chưa có chương trình OCOP, người dân xã Tráng Việt luôn trong tình trạng thấp thỏm, lo lắng mỗi khi bước vào vụ mùa mới vì đầu ra không ổn định, chất lượng sản phẩm còn bị nghi ngờ. Tuy nhiên, từ khi các nông sản của địa phương tham gia chương trình OCOP và đạt chứng nhận từ 3 – 4 sao, người dân nơi đây đã yên tâm sản xuất và không còn phải lo lắng nhiều về đầu ra cho sản phẩm.

OCOP - Hướng đi bền vững cho nông sản Thủ đô
Sản phẩm bưởi đỏ của HTX Bưởi đỏ Đông Caođược nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Lương Hằng

Ông Lương Văn Tiến, một người dân thôn Đông Cao, xã Tráng Việt cho biết, gia đình ông trồng khoảng 1 mẫu củ cải. Vào dịp Tết Nguyên đán 2023, củ cải rất “được giá”, tuy nhiên gia đình ông đã bán hết cho thương lái từ trước đó. “Những năm gần đây, củ cải Đông Cao được kiểm định chất lượng, có thương hiệu, được đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao nên thương lái về tận nơi thu mua, giá thành cũng tăng lên, nhờ đó mà đời sống của người dân ở Đông Cao ngày càng được nâng lên”, ông Tiến phấn khởi cho biết.

Theo Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao Đàm Văn Đua, HTX có tổng diện tích canh tác rau 200ha, trong đó có 124ha sản xuất rau an toàn và 10ha theo tiêu chuẩn VietGAP, tổng sản lượng khoảng 35.000 tấn/năm; riêng vùng trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất 600 tấn/năm.

Từ lúc tham gia chương trình OCOP tới nay, HTX đã có 18 sản phẩm được phân hạng, đánh giá sản phẩm OCOP. Trong đó, 17 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và 1 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (sản phẩm củ cải). Từ khi sản phẩm củ cải được công nhận sản phẩm OCOP, đầu ra của sản phẩm ngày càng ổn định, giá trị của củ cải cũng được tăng lên trông thấy.

Xây dựng thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm

Cũng giống như nhiều HTX trên địa bàn huyện Mê Linh, việc tìm đầu ra cho sản phẩm bưởi đỏ của HTX Bưởi đỏ Đông Cao ở xã Tráng Việt cũng dễ dàng hơn sau khi tham gia chương trình OCOP. Giám đốc HTX Bưởi đỏ Đông Cao Lương Văn Phương chia sẻ, sản phẩm bưởi đỏ của HTX đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận 4 sao trong chương trình OCOP.

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ước tính xã Tráng Việt có 8.000 quả bưởi được đưa ra thị trường với giá 90-100 nghìn đồng/quả. “Bưởi đỏ được ưa chuộng bởi màu sắc độc lạ, hương vị thơm ngon. Sản phẩm được lựa chọn tham gia trưng bày tại các hội chợ xúc tiến thương mại, lượng tiêu thụ không những ổn định mà còn có xu hướng ngày càng tăng”, ông Phương cho hay.

Nhằm hỗ trợ các chủ thể trong phát triển các sản phẩm OCOP trong năm 2023, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch về phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023. Việc ra đời trung tâm trên nhằm kiến tạo môi trường triển khai hoạt động hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ thể sản xuất – kinh doanh làng nghề hình thành và phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm, góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố.

Được thành lập từ năm 2016, HTX Ba Chữ (xã Vân Nội, huyện Đông Anh) chuyên cung cấp rau sạch tới các bếp ăn trường học, chung cư, siêu thị trên địa bàn Thành phố. Để khẳng định chất lượng rau với người tiêu dùng và tìm đầu ra cho sản phẩm, Giám đốc HTX Ba Chữ Nguyễn Thị Huyền đã đưa các sản phẩm rau sạch tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Theo đó, nhiều sản phẩm rau sạch của HTX đã đạt chứng nhận 3 sao.

Theo bà Huyền, chương trình OCOP của thành phố Hà Nội chính là nơi kiểm định chất lượng cho các sản phẩm đặc sản Thủ đô. Việc các sản phẩm rau của HTX đạt chất lượng 3 sao của Thành phố cũng đã giúp HTX nâng cao uy tín, từ đó tạo động lực cho các thành viên của HTX có thêm động lực sản xuất rau an toàn và nâng cao thu nhập cho các xã viên.

Bà Huyền cũng cho biết, chương trình OCOP tại các địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực; gia tăng giá trị; phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp theo chuỗi giá trị và là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Vì vậy, thời gian tới, HTX sẽ nỗ lực tiếp tục đưa các sản phẩm tham gia chương trình OCOP, tiếp tục khẳng định thương hiệu rau Ba Chữ trên thị trường.

Thực hiện vượt chỉ tiêu đề ra

Theo đại diện Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, kết thúc năm 2022, Hà Nội đã thực hiện vượt chỉ tiêu OCOP đã đề ra. Cụ thể, theo kế hoạch, năm 2022 Hà Nội phấn đấu có 400 sản phẩm đạt OCOP. Tuy nhiên, qua ghi nhận của Hội đồng OCOP Thành phố, đến hết năm 2022, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng lần 1 được 518 sản phẩm thuộc 26 quận, huyện, thị xã. Trong đó có 491 sản phẩm mới, 27 sản phẩm đánh giá lại do chuẩn bị hết thời hạn 36 tháng theo quy định.

Trong số 491 sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng lần 1, ngành thực phẩm tươi sống có 76 sản phẩm, chiếm 14,7%; thực phẩm chế biến có 225 sản phẩm, chiếm 43,4%; ngành đồ uống có 12 sản phẩm, chiếm 2,3%; ngành thảo dược có 22 sản phẩm, chiếm 4,2%; ngành thủ công mỹ nghệ có 168 sản phẩm, chiếm 32,4%; ngành vải may mặc có 13 sản phẩm, chiếm 2,5%; dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch có 2 sản phẩm, chiếm 0,4%.

Để hỗ trợ các chủ thể OCOP trong tiêu thụ sản phẩm, Thành phố đã quan tâm tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại… Theo đó, Hà Nội đã tổ chức được 5 tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của thành phố; tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với quảng bá văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, các tỉnh Nam Bộ…

Hà Nội cũng lựa chọn các sản phẩm OCOP tham gia chương trình Hội chợ “Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022”; Chương trình Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La… Thành phố đã tăng cường liên kết “5 nhà”: Nhà nước – nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà truyền thông trong phát triển sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững đặc sản, sản phẩm truyền thống của Thủ đô, đặc biệt là sản phẩm làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn…

Lương Hằng