Phát biểu khai mạc tại Lễ kỷ niệm, NSND Trần Quốc Chiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội đã cùng các văn nghệ sĩ Thủ đô ôn lại dấu mốc lịch sử trọng đại của đất nước cách đây tròn 78 năm. Đó là ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) mở ra trang sử mới trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Theo NSND Trần Quốc Chiêm, 78 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã vượt qua biết bao gian khổ, hi sinh, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; giành chiến thắng vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ suốt 30 năm đấu tranh chống lại các thế lực ngoại xâm, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, non sông đất nước đã thu về một mối.
Cách mạng Tháng Tám còn đánh dấu mốc quan trọng cho sự hình thành của nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam. Không khí của cuộc cách mạng như một luồng gió mới tác động trực tiếp đến nhân dân, trong đó có văn nghệ sĩ bằng các sáng tác nghệ thuật, tạo nên một diện mạo mới cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà.
Bước ngoặt của văn học nghệ thuật Việt Nam từ Cách mạng Tháng Tám không chỉ được tạo nên bởi các thế hệ văn nghệ sĩ, mà trước hết và sâu xa hơn, là vai trò của lý tưởng cách mạng, là sự quan tâm, chăm lo phát triển văn học nghệ thuật của Nhà nước. Trước khi tổ chức và lãnh đạo toàn dân làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Ðảng ta đã xây dựng một cương lĩnh văn hóa qua Ðề cương văn hóa (1943) với các nguyên tắc “dân tộc – khoa học – đại chúng”. Sau ngày cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định có tính nguyên lý là “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”… Nhận thức sâu sắc về vai trò của văn hóa nói chung, của văn học nghệ thuật nói riêng, đối với sự phát triển của xã hội từ nhận thức lý luận đến hoạt động thực tiễn. Ðiều đó đã trực tiếp hình thành nên các thế hệ văn nghệ sĩ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân làm mục đích phấn đấu và cống hiến. Văn nghệ sĩ đã đồng hành cùng toàn Đảng toàn dân bước vào hai cuộc trường kỳ kháng chiến và tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
NSND Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh: “Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta không thể không nhớ tới thế hệ các văn nghệ sĩ – chiến sĩ đã hy sinh vì vận mệnh của Tổ quốc, vì sự nghiệp cách mạng, tác phẩm của họ đã trở thành tài sản quý giá, thành niềm tự hào của văn học nghệ thuật Việt Nam. Các yêu cầu mới đối với văn học nghệ thuật và bài học về xây dựng ý thức trách nhiệm, tự giác, lành mạnh về vị trí, vai trò của văn nghệ sĩ với Tổ quốc, Nhân dân vẫn còn nguyên ý nghĩa của thời đại hôm nay”.
Thay mặt Ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, NSND Trần Quốc Chiêm bày tỏ sự tin tưởng, với vai trò trách nhiệm của người nghệ sĩ – chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn học nghệ thuật, các văn nghệ sĩ Thủ đô luôn đoàn kết, nhất trí về chính trị, tư tưởng, xây dựng nền văn hóa Thủ đô tiên tiến, in đậm bản sắc văn hiến của Thăng Long hơn một nghìn năm tuổi. Nền văn học nghệ thuật Thủ đô sẽ tiếp tục đổi mới, đa dạng, phong phú, giàu tiềm năng, xu hướng chuyên nghiệp hóa ngày càng được đề cao, đạt được nhiều thành tựu, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới của Thủ đô và đất nước.
Cũng tại lễ kỷ niệm, các văn nghệ sĩ Thủ đô đã được thưởng thức 2 bộ phim tài liệu thuộc bản quyền sở hữu của Điện ảnh quân đội nhân dân. Đó là bộ phim “Hóa giải” (Biên kịch: NSƯT Sĩ Chung – Vũ Hải Hạ; Đạo diễn: Vũ Anh Nhất) và phim “Vững tin trên con đường đã chọn” – tác phẩm quy tụ thế hệ đạo diễn gạo cội, giàu kinh nghiệm như NSND Lê Thi, NSND Đặng Xuân Hải, NSND Lưu Quỳ… cùng nhiều đạo diễn trẻ nhiệt huyết./.
Thụy Phương
Ôn lại dấu mốc lịch sử trọng đại của đất nước (nguoihanoi.vn)