“Ông đồ Tây” mặc áo the, đội khăn xếp viết thư pháp ở Văn Miếu

Trong số 50 ông đồ ngồi ở Hội chữ Xuân 2023 (tại Hồ Văn thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám), “ông đồ Tây” Jean Sébastien Grill (tên Việt là Trường Giang) gây ấn tượng bởi ngoại hình và khả năng viết chữ thư pháp.

Đến Hội chữ Xuân 2023, nhiều người bất ngờ với hình ảnh một “ông đồ Tây” mặc áo the, đội khăn xếp đọc thông, viết thạo chữ quốc ngữ, câu đối của người Việt.
“Ông đồ Tây” ấy chính là anh Jean Sébastien Grill (hơn 40 tuổi, quốc tịch Pháp). Anh Jean Sébastien có 7 năm học tiếng Việt và 4 lần tham gia hội tranh triển lãm.
Gian hàng của anh Jean Sébastien có bút danh là “Trường Giang” và biển hiệu có quốc kỳ 2 nước Pháp, Việt Nam. Có tên này là do cách phát âm tên “Jean” trong tiếng Pháp tương đồng với âm “Giang” trong tiếng Việt. Từ đó, một người bạn Việt Nam đã gọi anh là “Trường Giang”.
Anh Jean Sébastien cũng là người nước ngoài đầu tiên tham gia Hội chữ Xuân tại Hồ Văn thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Có cơ hội “cho chữ” này bởi anh vừa đạt giải nhì “Viết chữ quốc ngữ” trong cuộc thi viết chữ xuân 2023.
Trước khi đến Việt Nam, anh Jean Sébastien là nhân viên thiết kế đồ họa. Năm 2006, khi kết hôn với người vợ Việt Kiều, anh có cơ hội đến Hà Nội. Về nước, hình ảnh Việt Nam cứ quẩn quanh trong đầu. Từ đó, năm nào anh cũng sang Việt Nam. Năm 2015, Jean Sébastien cùng vợ và hai con (một trai, một gái) quyết định chuyển hẳn đến Việt Nam sinh sống.
Chia sẻ cơ duyên đến với thư pháp, anh Jean Sébastien cho biết, anh biết đến môn nghệ thuật này sau khi được người bạn Hàn Quốc giới thiệu. Hứng thú với bộ môn mới, anh đã xin theo học hai người thầy dạy chữ thư pháp có tiếng tại Hà Nội. Sau 6 năm ở Việt Nam, giữa năm 2021, anh Jean Sébastien và vợ con về nước do ảnh hưởng của Covid-19. Anh vẫn kiên trì rèn luyện và viết chữ thư pháp gửi tặng mọi người…
Với Jean Sébastien, việc học và viết được chữ thư pháp là cả một quá trình học tập nghiêm túc và rèn luyện không ngừng nghỉ. “Việc cầm bút, viết trên giấy cũng đòi hỏi sự tập trung cao độ. Với đam mê của mình, tôi có thể ngồi trên bàn và viết chữ cả ngày. Sau 32 buổi học cùng hàng nghìn giờ luyện viết, tôi không còn cảm thấy khó khăn với những tác phẩm chữ quốc ngữ, câu đối Việt”, Jean Sébastien tâm sự.
Ngay khi có cơ hội tham gia hội chữ Xuân 2023, Jean Sébastien từ Pháp sang Việt Nam từ đầu tháng 1. Anh dự định ở lại một tháng để tham gia hoạt động cho chữ từ ngày 15/1 đến hết ngày 26/1 và mong được đón Tết cổ truyền, cảm nhận không khí tươi vui, náo nhiệt. Đồng thời mong muốn được quảng bá văn hóa Việt đến rộng rãi bạn bè quốc tế hơn nữa.
Tại hội chữ Xuân 2023, anh Jean Sébastien đã trình diễn và cho chữ rất nhiều người người, nhiều nhất là các chữ: Đức, Tâm, Bình an, Thịnh vượng. Trong đó, “Đức” là chữ thư pháp mà anh thích nhất, mang nhiều ý nghĩa về con người và cuộc sống.
Theo anh, muốn viết được thư pháp đẹp và đạt, thì phải luyện gân cốt vừa cứng vừa mềm dẻo, không chỉ rèn tay, rèn chữ mà rèn cả tâm.
“Nhiều người Việt ở Pháp bày tỏ sự xúc động, niềm hạnh phúc khi được nhận câu đối đỏ, chữ bình an, may mắn trong ngày đầu xuân năm mới. Điều này khiến tôi cảm thấy vui và mong muốn truyền tải nét văn hóa của Việt Nam đi muôn nơi”, anh Jean Sébastien kể.
Ngân Phương
https://laodongthudo.vn/ong-do-tay-mac-ao-the-doi-khan-xep-viet-thu-phap-o-van-mieu-151606.html