Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận Hội nghị. |
Theo báo cáo tại Hội nghị, từ tháng 10/2020 đến nay, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở Thành phố và Ban Chỉ đạo cấp huyện đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, sự lãnh đạo của cấp ủy cùng cấp và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện QCDC ở cơ sở cấp trên; chủ động, tích cực tham mưu cấp ủy và triển khai nghiêm túc, bảo đảm tiến độ các nội dung về thực hiện dân chủ theo chương trình, kế hoạch đề ra, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân.
Cụ thể, Ban Dân vận Thành ủy – cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức và phối hợp tổ chức 3 hội nghị tọa đàm; 3 lớp tập huấn về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ban Chỉ đạo cấp huyện đã tổ chức 660 cuộc tập huấn, quán triệt.
Ban Chỉ đạo Thành phố đã thành lập 12 đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở tại 90 đơn vị. Ban Dân vận Thành ủy phối hợp với Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố kiểm tra việc thực hiện công tác dân vận, QCDC trong các cơ quan hành chính nhà nước Thành phố đối với 14 sở, ngành. Ban Chỉ đạo cấp huyện đã thành lập 235 đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở đối với 1.237 tập thể, cá nhân.
Bên cạnh việc xây dựng các QCDC mẫu theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Thành phố, nhiều địa phương đã chủ động nghiên cứu, rà soát và xây dựng các QCDC trong loại hình mới phù hợp với tình hình địa phương như: Ban Chỉ đạo các quận Ba Đình, Long Biên, Hoàn Kiếm, Đống Đa; Ban Chỉ đạo các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thanh Trì.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường phát biểu tại Hội nghị. |
Một số Ban Chỉ đạo cấp huyện đã tích cực tham mưu tổ chức các cuộc thi về thực hiện dân chủ ở cơ sở, như: Ban Chỉ đạo huyện Sóc Sơn; Ban Chỉ đạo các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông. Đáng chú ý, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Lâm 5 nhiệm kỳ liên tiếp ban hành chương trình công tác toàn khóa về phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho biết, đến nay, đã hoàn thành dự thảo kế hoạch tổ chức thi tìm hiểu Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, Cuộc thi sẽ tổ chức theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Thi trực tuyến trên môi trường mạng internet. Người dự thi trả lời các câu hỏi được thiết kế sẵn trên máy vi tính hoặc các thiết bị điện tử khác có kết nối internet tại website cuộc thi. Đối tượng dự thi: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thời gian tổ chức từ tháng 5 đến hết tháng 7/2024.
Giai đoạn 2: Thi sân khấu hóa cấp Thành phố. Đối tượng dự thi: Các quận, huyện, thị xã, mỗi đơn vị tổ chức 1 đội thi, tổ chức thi 5 cụm lựa chọn 10 đơn vị xuất sắc dự thi chung khảo cấp Thành phố. Thời gian tổ chức từ tháng 9 đến dịp 10/10/2024. Quý III/2024: Tổng kết và trao giải Cuộc thi tìm hiểu Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương phát biểu tại Hội nghị. |
Về kết quả việc tuyên truyền Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trên hệ thống phương tiện truyền thông, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương cho hay, qua rà soát, các cơ quan báo chí của Thành phố đã xây dựng và đang duy trì ổn định nhiều chuyên mục tuyên truyền đầy đủ, toàn diện mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; bám sát việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, ở cơ quan, đơn vị, ở tổ chức có sử dụng lao động; phù hợp với tôn chỉ, mục đích và đối tượng bạn đọc của từng cơ quan báo chí.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, vai trò trong công tác chỉ đạo, tham mưu giúp Ban Thường vụ, cấp ủy các cấp thực hiện phát huy quyền làm chủ của người dân.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu các địa phương, đơn vị phải nhận thức toàn diện về phát huy dân chủ ở cơ sở, bởi nếu không phát huy được dân chủ, không tạo sự đồng thuận sẽ rất khó triển khai các nhiệm vụ.
Năm nay, Thành phố sẽ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 3 nội dung quan trọng: Luật Thủ đô (sửa đổi), điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô sắp được thông qua, về cơ bản, những mục tiêu, quan điểm Nghị quyết 15-NQ/TW dành cho Thủ đô sẽ được cụ thể hóa, tạo khuôn khổ, hành lang pháp lý để tổ chức thực hiện, không chỉ từ nay đến hết nhiệm kỳ, mà trong cả dài hạn. Muốn tổ chức thực hiện được các nhiệm vụ đó phải tạo sự đồng thuận, phát huy được mọi nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là niềm tin, sự ủng hộ của người dân, giữ một vai trò quyết định.
Quang cảnh Hội nghị. |
Vừa qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề phát triển văn hóa, xây dựng con người lại được đặt ra ở mức cao như vậy, quyết định sự phát triển bền vững, mọi sự phát triển đều hướng tới phục vụ nhân dân.
Do đó, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các đơn vị cần tập trung hơn nữa, có nhiều cách làm trong việc tuyên truyền, phổ biến để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sớm đi vào cuộc sống một cách thực chất. Đồng thời, tiếp tục tập huấn, nhất là khối chính quyền, gắn với công tác cải cách hành chính. Đối với tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, phải tổ chức thực chất, khuyến khích các quận, huyện căn cứ điều kiện của tổ chức thực hiện.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng lưu ý, việc triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ban Chỉ đạo các quận, huyện phải chủ động, căn cứ vào thực tiễn tình hình đơn vị, tập trung lãnh đạo chỉ đạo xây dựng các mô hình phù hợp thực tiễn đơn vị.