Phát huy di sản UNESCO trong phát triển du lịch

Việt Nam hiện có 9 di sản thiên nhiên, di sản văn hóa thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh. Đây là nguồn lực lớn để xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực, qua đó thu hút du khách trong và ngoài nước.

hoang-thanh-thang-long.jpg
Hướng dẫn du khách tham quan tại di sản Hoàng thành Thăng Long.

Sức hấp dẫn từ di sản

Tháng 9 vừa qua, quần thể vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) – quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, giúp Việt Nam có 9 di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới. Các di sản còn lại là: Quần thể di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam), đô thị cổ Hội An (Quảng Nam), Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình).

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có 15 di sản văn hóa phi vật thể, 4 di sản tư liệu thế giới được UNESCO vinh danh. Đây là nguồn lực dồi dào để Việt Nam có thể xây dựng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, có tính cạnh tranh cao, tăng sức hút với du khách. Điều này cũng đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong việc cần phải bảo vệ, phát huy các di sản sao cho hiệu quả để có thể phát triển du lịch bền vững, tăng lợi ích lâu dài.

Đánh giá về nguồn lực to lớn này trong phát triển du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao Nguyễn Văn Hùng khẳng định, hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa, trong đó có các di sản được UNESCO công nhận, gắn với phát triển du lịch bền vững là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18-5-2023 của Chính phủ.

Thực tế, nhiều địa phương đã hưởng lợi từ di sản trong suốt những năm qua. Các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam… đều có lượng khách du lịch tăng mạnh, và trở thành những trung tâm du lịch của cả nước. Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, 9 di sản thế giới của Việt Nam năm 2016 đón 14,3 triệu khách, doanh thu khoảng 1.776 tỷ đồng, năm 2019 tăng lên khoảng 18,2 triệu khách, doanh thu đạt khoảng 2.322 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các di sản tại Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội.

Gắn với lợi ích cộng đồng

Sức hút du lịch từ những di sản thế giới đã được chứng minh. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch kéo theo lượng khách tăng, đầu tư hạ tầng ồ ạt cũng đặt ra những bài toán về việc bảo vệ và phát huy di sản.

Tình trạng đổ đất “lấn” di sản, xây dựng nhiều công trình trái phép bao vây di sản hay vấn đề rác thải là những câu chuyện buồn đang xảy ra ở không ít địa phương. Điển hình là hình ảnh Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long ngập rác do các ngư dân phá dỡ lồng bè nuôi hải sản khiến nhiều du khách phản ứng vào đầu năm 2023; tình trạng xây dựng công trình trái phép, hàng quán mất mỹ quan ở Khu di sản Tràng An đến nay vẫn còn để lại nhiều hậu quả…

Trước vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cảnh báo, các địa phương cần phải thiết lập lại vành đai an toàn cho các di sản, giảm thiểu tác động môi trường, hướng tới sự phát triển du lịch xanh, bền vững.

“Phát triển du lịch nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương, chia sẻ quyền lợi và tạo điều kiện để người dân có thể tham gia vào việc quản lý và bảo tồn di sản”, ông Vũ Thế Bình bày tỏ.

Là một trong những địa phương có chính sách phát triển du lịch hài hòa với bảo tồn, phát huy di sản của UNESCO, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng Phạm Hồng Thái cho rằng, việc phát triển du lịch trong khu di sản cần thiết phải coi trọng bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; xây dựng các cơ sở mang tính pháp lý, thực thi đầy đủ và nghiêm khắc các quy định về bảo vệ tài nguyên.

Tại Hà Nội, nơi được mệnh danh là “thành phố di sản”, đang sở hữu di sản văn hóa thế giới là Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, nhiều năm qua việc bảo tồn gắn với phát triển du lịch đã được triển khai một cách khoa học và bền vững. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hoàng thành Thăng Long là một điểm đến quan trọng của thành phố Hà Nội. Hiện nay, bên cạnh việc bảo tồn các hiện vật quý, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với nhiều đơn vị xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn cả ngày và đêm giúp du khách có nhiều trải nghiệm mới lạ.

Ở góc độ quản lý du lịch, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang khẳng định, thành phố Hà Nội luôn chủ trương tập trung cho phát triển du lịch văn hóa. Hà Nội sở hữu nguồn lực di sản dồi dào, lại nằm trong mạng lưới “Thành phố sáng tạo” của UNESCO, việc phát huy, bảo tồn di sản trong phát triển du lịch sẽ được thực hiện với tinh thần sáng tạo, mới mẻ nhưng vẫn giữ được bản sắc như cam kết với UNESCO.

 

Hoàng Lân

Phát huy di sản UNESCO trong phát triển du lịch (hanoimoi.vn)