Phát huy giá trị di sản về Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng

Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng là bậc quân vương mưu trí phi thường, có công lớn đánh đuổi giặc xâm lược nhà Đường.

Đất nước Việt Nam trải dài hơn 4.000 năm lịch sử, đã sản sinh ra nhiều vị vua hiền tài có công với nước. Đi qua các triều đại với biết bao thăng trầm, mỗi vị vua hiền sáng không chỉ là bậc anh hùng hào kiệt, lãnh đạo nhân dân ta chiến thắng quân xâm lược ngoại bang, mà còn luôn hết lòng vì dân, vì nước, góp phần dựng nền văn hiến muôn đời, tạc vào non sông, đất nước.

Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng là một trong những vị vua như vậy. Ông là bậc quân vương mưu trí phi thường, có công lớn đánh đuổi giặc xâm lược nhà Đường, đồng thời là một danh nhân tiêu biểu của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội được lớp lớp hậu thế ngưỡng vọng, ngợi ca công đức và suy tôn.

Theo các tư liệu lịch sử, Phùng Hưng quê ở thôn Cam Lâm – xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội). Ông là người có sức khỏe phi thường vật ngã trâu, tay không đấm chết hổ nên được nhân dân và các tù trưởng láng giềng đều khâm phục.

Phát huy giá trị di sản về Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng
Lãnh đạo Thành phố dâng hương tưởng nhớ Vua Phùng Hưng năm 2023.

Bọn quan quân đô hộ nhà Đường phải kính nể. Năm Đinh Mùi 767 nhà Đường suy yếu, quan lại tham nhũng, tên Cao Chính Bình khét tiếng gian tham, bắt dân nộp sưu cao thuế nặng giết hại dân lành nên lòng người vô cùng căm giận. Trước tình hình khó khăn của đất nước, Phùng Hưng bàn bạc với anh em cứu dân cứu nước, ông lấy hiệu là đô quân cùng anh em ra sức luyện tập binh sỹ tích trữ lương thực. Đến năm Tân Mùi 791, ông đem quân vây đánh thành Tống Bình (tức Hà Nội ngày nay).

Tên quan lại đô hộ Cao Chính Bình không chống cự nổi, thua to, lâm bệnh mà chết. Giành được thắng lợi, ông chiếm phủ lỵ, chấn chỉnh việc nước xây dựng nền độc lập lâu dài. Nhưng chẳng được bao lâu ông lâm bệnh rồi mất, nhân dân thương tiếc suy tôn ông là Bố Cái Đại Vương.

Sau khi Phùng Hưng mất, nhân dân khắp nơi đã ghi nhớ công ơn dựng đền phụng thờ. Hà Nội là quê hương người anh hùng, cho nên cũng là nơi có nhiều di tích, di sản liên quan đến ông nhất. Theo thống kê, tại Hà Nội có 15 di tích liên quan Phùng Hưng và hàng chục di tích thờ các danh tướng của ông. Trong đó, đền thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng ở thôn Cam Lâm – xã Đường Lâm – thị xã Sơn Tây – Thành phố Hà Nội có quy mô bề thế nhất.

Hiện chưa rõ niên đại xây dựng nhưng các triều đại phong kiến đã có nhiều sắc phong ghi nhận công lao của Ngài như các năm: Trung Hưng thứ nhất (1285), Trung Hưng thứ 3 (1287), Hưng Long (1312). Việc ngôi đình có hình dáng như ngày nay là do có một đợt trùng tu lớn vào năm 1889 (đời Thành Thái). Tấm bia Phùng tự bi ký ở đình Đoài Giáp được tạc vào năm Hồng Đức thứ 4 (1473) đã chép lại rất nhiều thông tin liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Ngài.

Đền chính thờ Ngài ngày nay mang dáng dấp kiến trúc đời nhà Nguyễn vào những năm đầu thế kỷ XX gồm các hạng mục công trình như: Tả – Hữu Mạc, Đại Bái, Hậu Cung. Một số hoa văn, linh vật được trang trí trong đình như: bờ nóc, đầu xà, điểm nối giữa các bộ vì, kèo, cột. Tượng Ngài được an toạ ở Hậu Cung, xung quanh đền có một số cây lấy gỗ, ăn quả đã có niên đại lâu đời như: lim, nhãn, đa.

Khu vực thôn Cam Lâm vẫn còn địa danh đồi Hổ Gầm, thôn Đoài Giáp có gò Bố Về – nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Bố Cái Đại Vương. Ngày 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhân dân Đường Lâm và con cháu họ Phùng, du khách thập phương lại hội tụ về đây để tỏ lòng thành kính đối với công lao của Đức vua Phùng Hưng.

Phát huy giá trị di sản về Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng

Những năm qua, thành phố Hà Nội đã ưu tiên kinh phí, nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích, di sản về Phùng Hưng. Các di tích này vừa là địa chỉ văn hóa có tính giáo dục truyền thống cao, vừa là nơi sinh hoạt, hướng về nguồn cội của nhân dân cả nước. Bên cạnh đó, nhiều nơi trên cả nước lấy tên Phùng Hưng để đặt tên phố, tên đường, trường học, đình làng, nơi thờ tự… Điều này thể hiện sự tri ân của nhân dân và chính quyền đối với Đức vua Phùng Hưng, nhắc nhở con cháu đời sau ghi nhớ công ơn dựng nước và giữ nước của cha ông xưa.

Cùng với thành phố Hà Nội, thị xã Sơn Tây cũng đã có nhiều hoạt động nhằm phát huy giá trị di sản liên quan đến Phùng Hưng như: nâng cấp lễ giỗ Đức Vua Phùng Hưng từ cấp xã lên cấp thị xã; tổ chức giải vật dân tộc tranh cúp Phùng Hưng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, tham quan, học tập tại di tích đền thờ Phùng Hưng, nhất là cho thế hệ trẻ; quan tâm đầu tư, tôn tạo, phát huy giá trị di tích đền thờ Phùng Hưng…

Vào ngày 17/2/2024 (tức mùng 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn), xã Đường Lâm sẽ tổ chức Lễ tưởng niệm 1226 năm ngày giỗ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (798 – 2024) để tưởng nhớ công đức vị anh hùng dân tộc. Đây cũng là dịp quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch của thị xã Sơn Tây đến du khách, đồng thời tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng thị xã Sơn Tây ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại.

Đ.L