Phát huy giá trị di sản xây dựng Thủ đô văn minh

Tại Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” do thành phố Hà Nội tổ chức ngày 21/3 vừa qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được nhiều nhà khoa học và nhà nghiên cứu quan tâm, đưa ra bàn luận.

Trong quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Thủ đô (Quyết định 313/QĐ-TTg ngày 7/3/ 2022) của Thủ tướng Chính phủ đã xác định 5 quan điểm lập quy hoạch, trong đó có “Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa… khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử – văn hóa, di sản văn hóa của Thủ đô nghìn năm văn hiến”.

Điều đó cho thấy công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Thành phố.

Phát huy giá trị di sản xây dựng Thủ đô văn minh
Khu di sản Hoàng thành Thăng Long Hà Nội.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, Hà Nội từ sau mở rộng địa giới năm 2008 đã là đô thị có diện tích lớn nhất nước, đô thị có quá trình phát triển lâu dài, nơi quy tụ quỹ di sản đô thị đa dạng và lớn nhất nước về số lượng, bao gồm gần 6.000 di sản văn hóa vật thể và gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể.

Đến nay, công bố về quỹ di sản đã thể hiện cố gắng lớn của cả quá trình đã qua, song đây chưa phải là đích đến cuối cùng mà còn cần nỗ lực hơn nữa trong nghiên cứu nhận diện đánh giá trong quy hoạch giai đoạn tới và có giải pháp để tạo hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị nhất là với các khu vực cải tạo, tái thiết, khu vực phát triển đô thị.

Trong các lần quy hoạch trước đây đều có đánh giá quỹ di sản, có phụ lục danh mục di sản nhưng thực tiễn đều thấy có biến động ở giai đoạn sau quy hoạch. Nguyên nhân là do nhận thức về tiêu chí, biến đổi từ lực lượng tham gia nghiên cứu, từ hội nhập với bên ngoài. Từ thực tiễn bài học này cho thấy, cần đổi mới và huy động nghiên cứu rộng để nhận diện được quỹ di sản vật thể. Nhận diện quỹ di sản nói chung, di sản vật thể nói riêng không chỉ chú trọng tới quần thể di sản, di sản đơn lẻ mà còn phải chú trọng tới các khu vực đặc thù của Thủ đô như: Khu phố cổ, khu phố cũ, khu trung tâm chính trị Ba Đình, khu cảnh quan thiên nhiên đặc thù, các làng cổ, làng nghề, phố nghề… Các khu vực này đã có nhiều công bố, nhiều định hướng song vẫn là “cửa mở” để có đề xuất khoa học hơn, đồng bộ hơn.

Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, tổng quan lại cho thấy giải pháp bảo tồn quỹ di sản đô thị Thủ đô là con đường luôn có sự đi tiếp và đổi mới để vừa phát triển vừa tạo lập bản sắc cho Thủ đô.Với Hà Nội, giải pháp trên cần được quan tâm hơn với cơ chế chính sách ưu đãi để huy động nguồn lực xã hội hóa trong bảo tồn di sản đa dạng hóa mô hình quản lý di sản…

Trong đó, cần thể hiện rõ trong các nội dung: Phân tích, đánh giá, xác định là đặc thù của Thủ đô; là giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển; là khâu đột phá liên quan đến các nội dung tổ chức hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn, phân khu chức năng, kết nối trong vùng, tác động đến kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông bảo tồn thiên nhiên.

Ngày nay, các di sản văn hiến Thăng Long – Hà Nội vẫn đang được nghiên cứu và giá trị của di sản ngày càng được hiểu một cách sâu sắc. Trong đó, Hoàng thành Thăng Long là khu di sản với những giá trị nổi bật toàn cầu đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Theo PGS. TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tập trung nghiên cứu, phục dựng toà Chính điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long, vì đó là nơi huyệt điểm “tàng phong tụ khí”, nơi “thông Thiên đạt Địa”, giữa các Hoàng đế Đại Việt thời xưa với Thiên đế để tạo ra một chỉnh thể thống nhất giữa Trời (Thiên) – Đất (Địa) – Người (Nhân) khiến cho vạn vật giao hoà, quốc thái dân an, quốc gia trường tồn và phồn thịnh.

Trong tương lai không xa, theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế sẽ nghiên cứu, phục dựng toà Chính điện Kính Thiên như lời người xưa đã nói là “Một ngôi điện nguy nga giữa trời” biểu trưng cho văn hiến Thăng Long, biểu trưng cho Thành phố Vì hoà bình, tiêu biểu cho tinh hoa của trí tuệ Việt Nam.

“Chủ trương bảo tồn và phát huy thật tốt các giá trị của khu di sản của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội là vô cùng sáng suốt và đúng đắn, đáp ứng các yêu cầu số 1 của UNESCO là di sản phải được sống giữa cộng đồng và cộng đồng phải được thực hành và hưởng thụ di sản”, PGS.TS Tống Trung Tín cho biết.

Có mặt tại Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, ông Christian Manhart – Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã lắng nghe ý kiến chuyên gia chia sẻ kết quả khảo cổ Hoàng thành Thăng Long. Ông Christian Manhart cho biết, rất vui khi nhận được sự ủng hộ của chuyên gia, sự vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo thành phố Hà Nội và Việt Nam.

“Tôi cũng hiểu được mong muốn của người dân Hà Nội trong việc khôi phục Chính điện Kính Thiên, được nhìn lại tổng thể điện xưa kia ra sao. UNESCO sẽ luôn ủng hộ, hỗ trợ Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng Thành Thăng Long trong việc thực hiện bảo tồn và phát huy di sản này trong những ngày tới”, ông Christian Manhart khẳng định.

Phương Bùi

https://laodongthudo.vn/phat-huy-gia-tri-di-san-xay-dung-thu-do-van-minh-153726.html