Phát huy truyền thống tương thân, tương ái

Phát huy truyền thống tương thân, tương ái cùng những giá trị tốt đẹp của người Hà Nội, các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố không ngừng nỗ lực, sáng tạo trong việc vận động, huy động nguồn lực để trợ giúp những người gặp khó trong xã hội. Hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội (23/11/1957 – 23/11/2022), các hoạt động trợ giúp cộng tiếp tục được các cấp Hội triển khai rộng rãi, đạt kết quả rõ nét.

Hội Chữ thập đỏ quận Đống Đa bàn giao nhà Chữ thập đỏ cho gia đình bà Nguyễn Thị Quỳ (ngõ 286 Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa).

Thiết thực chăm lo đời sống

Nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội Chữ thập đỏ là hỗ trợ kịp thời cho những hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh tật hoặc người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, góp phần giúp họ ổn định đời sống. Trên tinh thần đó, dịp này, Hội Chữ thập đỏ quận Đống Đa hỗ trợ về nhà ở cho gia đình bà Nguyễn Thị Quỳ (số 9, ngõ 286 phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa).

Bà Quỳ cho biết, gia đình bà thuộc hộ cận nghèo, có 5 thành viên thì tất cả đều không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh. Do điều kiện khó khăn, gia đình bà Quỳ không đủ khả năng sửa chữa căn nhà rộng khoảng 30m2, bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt.

“Những ngày oi nóng, 5 thành viên sống trong không gian chật hẹp, ngột ngạt vô cùng. Còn khi trời mưa, nhiều vật dụng trong nhà được mang ra hứng nước. Khó khăn nhất là khi tiết trời nồm ẩm, nhiều đồ dùng bị ẩm mốc, gia đình tôi quần áo giặt xong không có chỗ phơi, thiếu chỗ nằm ngủ…”, bà Quỳ nhớ lại.

Nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ với tổng trị giá hơn 80 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp nhà, gia đình bà Quỳ đã đón nhà mới khang trang vào ngày 8-11-2022. Dẫn chúng tôi tham quan nhà mới, bà Quỳ xúc động: “Hiện cuộc sống của gia đình tôi đã khác rồi, ai cũng vui mừng, phấn khởi”.

Những suất ăn miễn phí từ các bếp ăn Chữ thập đỏ được trao cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.

Cùng với quận Đống Đa, Hội Chữ thập đỏ các quận, huyện, thị xã cũng chú trọng hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các gia đình gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành phố bạn.

Chẳng hạn, ngày 9-11 vừa qua, Hội Chữ thập đỏ quận Bắc Từ Liêm cùng các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng 4 nhà Chữ thập đỏ (50 triệu đồng/nhà); 50 bếp ga gia đình cùng nhiều phần quà thiết yếu cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi bão lũ thời gian gần đây tại xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén thuộc huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An).

Đón nhận sự quan tâm này, thay mặt người dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Thò Bá Rê nói: “Sự quan tâm, động viên kịp thời của các cấp Hội Chữ thập đỏ Hà Nội dành cho người dân vùng khó khăn, trong đó có huyện Kỳ Sơn, thể hiện rõ tinh thần Hà Nội luôn cùng cả nước, vì cả nước. Mong rằng, tinh thần này tiếp tục phát huy, lan tỏa để không có người dân nào bị ở lại phía sau trên hành trình phát triển”.

Trước đó, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Kạn bàn giao nhà nhân ái cho gia đình ông La Văn Lộc, thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thôn Nà Lầu, xã Mỹ Phương (huyện Ba Bể).

Dịp này, các hoạt động nhằm chăm lo đời sống cho người có hoàn cảnh khó khăn cũng được triển khai rộng rãi. Nổi bật là những suất ăn miễn phí từ các bếp ăn chữ thập đỏ đến với bệnh nhân, người lao động nghèo khó tại nhiều địa chỉ. Những chiếc xe đạp mới, những suất học bổng đều đặn đến với học sinh nghèo.

Đặc biệt hơn là những chuyến xe vận chuyển sách vở, đồ dùng học tập do học sinh ở Thủ đô quyên góp, ủng hộ thông qua chương trình “Trường tới trường – Kết nối yêu thương” lăn bánh đến vùng khó khăn, giúp học sinh vùng khó có điều kiện học tập tốt hơn…

Sách vở, đồ dùng học tập do học sinh trên địa bàn huyện Gia Lâm ủng hộ qua chương trình “Trường tới trường – Kết nối yêu thương” được bàn giao cho Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm để dành tặng học sinh vùng khó khăn.

Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Cùng với nhiệm vụ hỗ trợ về đời sống cho người dân gặp khó, các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội còn đặc biệt quan tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Từ đầu tháng 11-2022 đến nay, Hội Chữ thập đỏ thành phố phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho các trường hợp khó khăn tại một số trung tâm bảo trợ xã hội, các xã vùng xa trung tâm trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 Hà Nội (xã Viên An, huyện Ứng Hòa) Nguyễn Kim Cam cho biết, hơn 200 cán bộ, nhân viên, đối tượng bảo trợ của trung tâm vừa được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí thông qua chương trình của Hội Chữ thập đỏ thành phố. Căn cứ vào kết quả khám bệnh, trung tâm có phương án chăm sóc sức khỏe phù hợp với từng đối tượng.

Ngoài các chương trình hỗ trợ chăm sóc sức khỏe theo kế hoạch, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội duy trì hoạt động của mạng lưới hàng chục phòng khám, phòng sơ, cấp cứu chữ thập đỏ tại cộng đồng. Những địa điểm này có lực lượng y, bác sĩ, tình nguyện viên chữ thập đỏ túc trực, có thể hỗ trợ sơ, cấp cứu ban đầu cho người dân khi không may bị tai nạn, thương tích…

Hội Chữ thập đỏ thành phố phối hợp với các cơ sở y tế khám bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Ba Vì.
Chương trình hiến máu tình nguyện “Mưa cầu vồng” do Hội Chữ thập đỏ quận Bắc Từ Liêm triển khai ngày 13-11-2022 thu về gần 600 đơn vị máu.

Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, dịp này, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội phối và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố tiến hành tập huấn, trang bị những kiến thức cơ bản về ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm… cho hàng trăm cán bộ, hội viên, tình nguyện viên. Cùng với đó, nhiều quận hội, huyện hội tập huấn kỹ năng sơ, cấp cứu cộng đồng cho những người có liên quan. Đáng chú ý, phong trào hiến máu tình nguyện phục vụ cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân tiếp tục được triển khai từ thành phố tới cơ sở, thu hút nhiều người dân ở Thủ đô tham gia.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho hay: “Thời gian tới, Thành hội và ngành Y tế Thủ đô sẽ ký kết chương trình phối hợp trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2026; đồng thời cùng các ngành, địa phương xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn dựa vào cộng đồng…”.

Từ những dẫn chứng nêu trên, càng thấy rõ hơn, vai trò cầu nối, điều phối trong các hoạt động nhân đạo của mạng lưới Chữ thập đỏ ở Thủ đô ngày càng thể hiện rõ nét, góp phần trợ giúp kịp thời những hoàn cảnh khó khăn, lan tỏa những giá trị nhân ái, nhân văn trong xã hội.

Hà Hiền

Phát huy truyền thống tương thân, tương ái – Nhịp sống Hà Nội (hanoimoi.com.vn)