Khơi thông phát triển đảng viên nhằm củng cố khối đại đoàn kết trong tình hình mới

Là một quốc gia có lịch sử hào hùng; là “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố hòa bình”, xuyên suốt chiều dài của lịch sử Thăng Long – Hà Nội, đặc biệt từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo cách mạng Việt Nam, mọi thành phần tôn giáo đều là bộ phận cấu thành của dân tộc Việt Nam, của Thành phố anh hùng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước; bảo vệ và xây dựng Thủ đô để có cuộc sống bình yên cho học tập, lao động, sản xuất, thực hiện nghĩa vụ đức tin của mình (đồng bào theo các tôn giáo, trong đó có đồng bào công giáo). Vì vậy, vừa tăng cường sự đồng thuận, vừa “gỡ” cơ chế để kết nạp quần chúng ưu tú là đồng bào công giáo vào Đảng để tăng cường khối đại đoàn kết, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, góp phần xây dựng Thủ đô bình yên, văn hiến – văn minh – hiện đại là vấn đề cần quan tâm hơn nữa.

Bất kỳ quốc gia và thể chế chính trị nào, chính trị – luật pháp – tôn giáo luôn song hành cùng nhau. Nhà nước bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng và tất cả phải tuân thủ sự thượng tôn pháp luật. Các nước châu Âu, châu Mỹ… đa số theo công giáo cũng vậy. Việt Nam cũng thế. Nhà nước bảo đảm quyền tự do tôn giáo đối với mọi công dân trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Kỳ cuối: Khơi thông phát triển đảng viên nhằm củng cố khối đại đoàn kết trong tình hình mới
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đến thăm, chúc mừng giáo dân Giáo phận Hưng Hóa nhân dịp Giáng sinh năm 2022

Từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thực hiện sứ mệnh và vai trò là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, phấn đấu vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể… để tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc bảo vệ, xây dựng Tổ quốc phồn vinh. Do vậy, đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, khơi dậy sức mạnh của các tôn giáo, trong đó có đồng bào công giáo luôn được Đảng ta quan tâm.

Để tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, ngày 24/11/2023, thay mặt Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TƯ “về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.

Đầu tháng 12/2023, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, bằng hình thức trực tiếp và truyền trực tuyến đến 16.242 điểm cầu trên toàn quốc với hơn 1,4 triệu cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập. Truyền đạt về chuyên đề liên quan đến Nghị quyết số 43-NQ/TƯ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “Nhà nước tạo điều kiện cho mỗi công dân theo tôn giáo cũng như không theo tôn giáo, bên cạnh đó động viên đồng bào công giáo sống đẹp đạo nhưng đồng thời tham gia xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.

Kỳ cuối: Khơi thông phát triển đảng viên nhằm củng cố khối đại đoàn kết trong tình hình mới
Với phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”, “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, đã có nhiều gương điển hình là đồng bào công giáo có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua được Thành phố và các cấp biểu dương, trong số có những giáo dân là đảng viên (Ảnh: CTV)

Là Thủ đô của đất nước, thầm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thấm nhuần quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật về tôn giáo, trong những năm qua, Hà Nội là một trong những địa phương làm tốt công tác dân vận cũng như công tác đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở mọi tôn giáo đều có quyền tự tín ngưỡng theo đúng tôn chỉ và pháp luật, tích cực tham gia tổ chức đoàn thể, chính trị – xã hội cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng đời sống mới. Bằng chứng sinh động nhất, đi đến bất kỳ đâu trên địa bàn của Thủ đô, đặc biệt các huyện ngoại thành, những nơi có đồng bào công giáo sinh sống, hệ thống điện – đường – trường – trạm rất phát triển. Có thể nói chính sách tam nông (nông nghiệp – nông thôn – nông dân) và an sinh xã hội luôn được Thành phố đặc biệt quan tâm. Đời sống nhân dân nói chung, đời sống đồng bào công giáo nói riêng ngày càng sung túc.

Nhờ làm tốt công tác này, đa số bà con công giáo đều tin vào Đảng, không ít giáo dân đã tự nguyện tham gia vào tổ chức Đảng trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính cá nhân là đồng bào công giáo khi đã đứng vào hàng ngũ của Đảng, họ trở thành những cánh chim đầu đàn phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng tổ dân phố, xóm làng vững mạnh, đẹp giàu, bình yên. Họ vừa tự do sinh hoạt tôn giáo, vừa là đảng viên mẫu mực, đúng theo phương châm “Kính Chúa, yêu nước”.

Từ thực tiễn sinh động này, xét trên góc độ lịch sử, đánh giá về quan điểm, cũng như đóng góp của đồng bào công giáo cho sự nghiệp cách mạng nước nhà, Tiến sĩ Phạm Huy Thông – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết: Trong buổi đầu của cách mạng Việt Nam, quan điểm tả khuynh về tôn giáo từ các Đảng Cộng sản trên thế giới lúc đó vẫn tồn tại. Vì thế, việc chủ động cộng tác với các chức sắc cao cấp của các tôn giáo, nhất là của công giáo như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm được coi là cực kỳ dũng cảm và sự thực rất có hiệu quả trong công tác tôn giáo vận.

Kỳ cuối: Khơi thông phát triển đảng viên nhằm củng cố khối đại đoàn kết trong tình hình mới
Tiến sĩ Phạm Huy Thông – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội.

Chính vì thế, Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh buổi đầu lập nước có nhiều đại biểu của các tôn giáo nhất. Riêng đại diện công giáo có các ông: Nguyễn Mạnh Hà (Bộ Kinh tế), Vũ Đình Tụng (Bộ Y tế); các cố vấn gồm: Giám mục Lê Hữu Từ, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn, nhân sĩ Ngô Tử Hạ và khi Quốc hội khóa I được bầu có linh mục Phạm Bá Trực là Phó Chủ tịch Thường trực. Đây không chỉ cách dùng hiền tài của Người mà còn góp phần vào chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Những lời dạy của Bác Hồ: “Phải đoàn kết chặt chẽ không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo. Đoàn kết là lực lượng”… mãi vẹn nguyên giá trị.

Nhìn nhận trên góc độ sức mạnh đại đoàn kết, Tiến sĩ Phạm Huy Thông nhấn mạnh, việc phát huy vai trò của đảng viên là đồng bào công giáo đóng vai trò to lớn hơn về tạo sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để phát huy vai trò này, Tiến sĩ Phạm Huy Thông cho rằng, cán bộ, đảng viên cần ý thức đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như tầm quan trọng của công tác tôn giáo trong tình hình mới. Phương pháp, cách thức và nội dung vận động đồng bào công giáo của các ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị cần cụ thể, đổi mới. Công tác vận động quần chúng phải hết sức tỉnh táo, linh hoạt; vừa kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân, vừa phải nắm chắc cơ sở, nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện những đối tượng và dấu hiệu vi phạm pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác trong hệ thống chính trị bảo vệ, giữ gìn đời sống, sinh hoạt tôn giáo lành mạnh của đồng bào có đạo, không để kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ, kích động, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên các địa bàn.

Kỳ cuối: Khơi thông phát triển đảng viên nhằm củng cố khối đại đoàn kết trong tình hình mới
Đoàn kết là sức mạnh để Hà Nội có được như ngày hôm nay và vững bước phát triển nhanh – bền vững xứng tầm khu vực trong tương lai.

Đặc biệt, theo TS. Thông điều quan trọng, trong công tác dân vận phải tạo được sự phấn khởi, tự tin với người dân về đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương – giáo, vừa ra sức phấn đấu thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm công dân đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, vừa hoàn thành bổn phận cá nhân trong việc thực hiện các lễ nghi tôn giáo.

Tuy nhiên qua tìm hiểu của phóng viên, hiện đang nảy sinh một số vướng mắc cả về nhận thức lẫn cơ chế khiến việc kết nạp đồng bào công giáo vào tổ chức Đảng còn khó khăn. Cụ thể, ở một số giáo xứ, người đứng đầu vẫn chưa “mặn mà” để các giáo dân ưu tú tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng. Còn về phía đảng ủy, hệ thống chính trị các cấp thì còn lúng túng trong công tác triển khai vì thiếu các văn bản hướng dẫn, dẫn đến việc cán bộ làm công tác dân vận, mặt trận còn “ngại” vận động.

Chính vì thế, lãnh đạo một số địa phương kiến nghị, Đảng bộ Thành phố hoặc Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngoài Đề án số 20-ĐA/TU về: “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ thành phố Hà Nội trong giai đoạn mới”, cũng cần ban hành một Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này để cơ sở có đủ căn cứ vận động quần chúng ưu tú đứng vào hàng ngũ của Đảng. Khi đã có Nghị quyết chuyên đề đi liền với văn bản hướng dẫn, sẽ là cơ sở quan trọng để Đảng ủy, Dân vận, Mặt trận Tổ quốc các cấp cùng “ngồi lại” với người đứng đầu giáo xứ nhằm tạo sự đồng thuận, tăng cường lòng tin, mở “cánh cửa” trong việc kết nạp quần chúng ưu tú là đồng bào công giáo vào tổ chức Đảng. Đồng thời, tăng cường công tác dân vận để giáo dân tự nguyện xin vào Đảng.

Chắn chắn rằng, khi người công giáo là những quần chúng ưu tú đứng vào đội ngũ của Đảng, sẽ giúp Đảng bộ Thành phố “phủ sóng” được các tổ chức cơ sở Đảng đến tận thôn, tổ dân phố nơi có người công giáo sinh sống, điều này tạo thành hạt nhân lãnh đạo thực sự vững chắc ở cơ sở. Tổ chức cơ sở Đảng tại cơ sở là những mắt xích tạo thành sức mạnh để nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng ta, của Đảng bộ Thành phố. Đặc biệt, trong bối cảnh các thế lực thù địch ra sức chống phá Đảng, Nhà nước ta dưới mọi hình thức.

Thực tế đã đúc kết, với doanh nghiệp, nơi nào có tổ chức cơ sở Đảng, ở đó doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, không xảy ra đình công, lãn công hay phát sinh các mâu thuẫn liên quan đến các vấn đề lương, thưởng, bảo hiểm xã hội. Mọi so sánh đều có tính tương đối, nhưng chắc chắn, trong đời sống chính trị – kinh tế – xã hội của một thành phố có dân số đông như Thủ đô Hà Nội thì ở đâu có tổ chức cơ sở Đảng, đặc biệt là nơi có đồng bào công giáo sinh sống ở đó đời sống kinh tế – văn hóa – tinh thần sẽ ngày càng phát triển, quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội được đảm bảo; thế trận an ninh nhân dân được cũng cố và ngày càng phát huy.

Vì vậy, điều quan trọng, Đảng bộ Thành phố cần có cơ chế, chính sách để đồng bào công giáo thấy được lợi ích của việc vào Đảng, tự hào là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam mà vẫn là một giáo dân sống trọn, làm tròn bổn phận, trọng trách của mình với đức tin, “sống tốt đời, đẹp đạo”. Một khi các mắt xích được gắn kết, Đảng bộ Thành phố sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng Thủ đô bình yên, phát triển xứng tầm khu vực.

Để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng, đảng viên là người công giáo có vai trò vô cùng quan trọng, là trung tâm đoàn kết và là tấm gương thực sự để “nói dân tin, làm dân theo” trong chính cộng đồng giáo dân.

(Hết)

Phương Bùi – Mai Quý