Phát triển ngành công nghiệp văn hóa là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia với những bước đi cụ thể về tầm nhìn, quyết sách đầu tư, nghệ thuật tuyên truyền, quảng bá, cách thức chinh phục thị trường. Ở Việt Nam hiện nay, việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa đang trở thành một yêu cầu cấp thiết.
Đối với Thủ đô Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, để xác định rõ những tiềm năng, khó khăn, thách thức trong phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội đã thực hiện bài bản, thận trọng, tạo nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công nghiệp văn hóa.
Điều này được thể hiện rõ nét qua việc Thành phố đã tổ chức 2 hội thảo khoa học và 4 cuộc tọa đàm. Tại đây, nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế, các nhà khoa học, quản lý văn hóa, doanh nghiệp, nghệ sĩ, cộng đồng sáng tạo đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, quan trọng nhằm làm rõ các khái niệm, thông tin, kiến thức mới về công nghiệp văn hóa. Qua đó giúp Thủ đô định hình một bức tranh tổng thể về nền công nghiệp văn hóa sẽ hướng tới trong tương lai và đã được thể hiện rõ nét qua Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
“Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn tới”, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết.
Nghị quyết số 09 đặt ra mục tiêu là tạo bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao. Phấn đấu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; hoàn thành rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa vào Quy hoạch Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050; cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch phân khu 2 bên bờ sông Hồng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các thành phố trong khu vực; là “Thành phố sáng tạo” có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á; phấn đấu doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm, đóng góp khoảng 8% GRDP của Thành phố. Đến năm 2045, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, là tiền đề để xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; trở thành “Thành phố sáng tạo” của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế; hình thành một số công trình văn hóa mới cho Thủ đô và Việt Nam, mang tính biểu tượng văn hóa có tầm cỡ khu vực và thế giới; phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của Thành phố.
Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội xác định đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển. Công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới, đòi hỏi phải có bước đi phù hợp, với cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố.
Bên cạnh đó, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô để phát huy sự sáng tạo dựa trên các nguồn lực công nghiệp văn hóa cho phát triển bền vững như: Chuyển đổi di sản công nghiệp, nhà, biệt thự cũ, di sản đô thị, di sản ký ức thành di sản văn hóa mới; phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống… Có cơ chế, chính sách khuyến khích, xúc tiến đầu tư quảng bá các loại hình công nghiệp văn hóa. Chú trọng cơ chế đảm bảo phát huy hiệu lực, hiệu quả việc thực thi và khai thác quyền sở hữu trí tuệ đúng pháp luật.
Về thu hút và hỗ trợ đầu tư, Thành phố đặt mục tiêu quy hoạch, bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và ngoài Nhà nước cho các công trình, dự án phát triển văn hóa chất lượng cao, trong đó ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, kết hợp phố – không gian đi bộ, điểm mua sắm, mở rộng tạo không gian văn hóa dành cho cộng đồng. Triển khai quyết liệt một số dự án, đồ án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, đồng thời với việc xây dựng một số công trình văn hóa mới, tạo thành các biểu tượng văn hóa mới cho Thủ đô và có tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch. Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng như: Nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí, du lịch văn hóa, ẩm thực… Phát triển mạng lưới doanh nghiệp văn hóa, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa.
Đổi mới tư duy để văn hoá gắn liền với sáng tạo
Có thể thấy, Nghị quyết số 09-NQ/TU là những chỉ dẫn đầu tiên thể hiện rõ nét nhất mong muốn, quyết tâm, ý chí và hàng loạt giải pháp thúc đẩy nguồn lực văn hóa tiềm năng của Thủ đô. Đáng chú ý, Thành ủy Hà Nội xác định phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cộng đồng sáng tạo đều có chung nhận định rằng, Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa trong nhiệm kỳ này của Thành ủy Hà Nội là chủ trương trúng và đúng trong bối cảnh hiện nay, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Hà Nội, với xu thế chung của thế giới; cụ thể hóa thương hiệu “Thành phố sáng tạo” đã được UNESCO công nhận. Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân cho rằng, Nghị quyết số 09-NQ/TU là cơ sở lý luận và cẩm nang để tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp văn hóa, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô. Còn theo Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định, văn hóa đã và đang trở thành “nguồn lực mềm” quan trọng trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Để phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có, quận Hoàn Kiếm đang quan tâm và đầu tư tái thiết đô thị và phát triển không gian văn hóa sáng tạo, phấn đấu trở thành một trung tâm văn hóa, một đô thị kiểu mẫu của Thủ đô.
Trực tiếp phổ biến nội dung Nghị quyết số 09-NQ/TU đến hơn 26 nghìn cán bộ, đảng viên trong toàn Thành phố, thông qua hệ thống trực tuyến, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn tới; đồng thời quán triệt một số nội dung cụ thể, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, bản quyền các sản phẩm công nghiệp văn hoá. Cụ thể, một video ca nhạc, một bộ phim vừa ra mắt đã bị đạo nhái, một sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa ra lò đã bị đạo nhái thì không thể phát triển được. “Sở Khoa học và Công nghệ cần phải lưu ý vấn đề này. Nếu không làm tốt vấn đề này thì không thể phát triển công nghiệp văn hoá”, ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng nêu thực trạng hiện nay, cơ sở vật chất, hạ tầng ở Thủ đô còn nhiều hạn chế, cần quy hoạch, đầu tư, ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện, đáp ứng phát triển công nghiệp văn hoá. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, phải đổi mới tư duy để văn hoá gắn liền với sáng tạo. Khi sáng tạo, sẽ có yếu tố mới trong sản phẩm, mang phong cách, tư tưởng của nghệ nhân, nghệ sĩ, rất cần có cái nhìn khoan dung, độ lượng, đa chiều, tránh việc nhìn nhận chủ quan, áp đặt, duy ý chí. Theo ông Nguyễn Văn Phong, chủ trương của Thành phố sẽ đẩy mạnh hợp tác công tư trong khai thác các thiết chế văn hoá. “Tài sản công nhưng quản trị tư. Nhiều nước đã làm như vậy. Tài sản Nhà nước, nhưng cho đấu thầu quản lý sử dụng trong 5 – 10 năm để phát huy giá trị.
Phải phát huy cái này, đặc biệt là các thiết chế văn hoá trên địa bàn Thành phố. Đây chắc chắn là xu hướng chung”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội bày tỏ, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị phối hợp với thành phố Hà Nội đầu tư phát triển công nghiệp văn hoá. Có cơ chế nghiên cứu, hình thành quỹ giải thưởng văn hoá, quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ nghệ sĩ trẻ, nghệ sĩ có tác phẩm mới, hỗ trợ việc quảng bá, biểu diễn các tác phẩm nổi bật ra nước ngoài… Đặc biệt, phải hướng tới tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc gia, khu vực, quốc tế để tập trung chỉ đạo. Cần có kế hoạch, lộ trình trong giai đoạn 3 – 5 năm, tiến tới tổ chức các sự kiện tầm cỡ như vậy thường niên.
Để triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU, tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 217/KH-UBND, nêu rõ 8 nội dung trọng tâm và các nhiệm vụ cụ thể, giao cho các sở, ngành, địa phương của Thành phố thực hiện. Trong đó yêu cầu tổ chức quán triệt, tuyên truyền thúc đẩy đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa; tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển thị trường công nghiệp văn hóa; thu hút và hỗ trợ đầu tư; mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế; triển khai các sáng kiến của Hà Nội đã cam kết với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo…
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạo đà cho những lĩnh vực khác phát triển Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Hà Nội có rất nhiều thế mạnh về văn hóa. Thế mạnh này đến từ lịch sử ngàn năm là Thủ đô của đất nước, tụ hội, kết tinh và tỏa sáng những giá trị tinh túy của cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Hà Nội còn có đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tài năng có thể khai thác kho tàng văn hóa để kết nối quá khứ, hiện tại với tương lai, tạo ra những giá trị kinh tế, sức mạnh tổng hợp cho Hà Nội. Đặc biệt là quyết tâm phát triển văn hóa từ lãnh đạo Thành phố. Với chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định sẽ giúp cho văn hoá của Thăng Long-Hà Nội toả sáng, tạo điều kiện cho sự phát triển của Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung, đồng thời cũng sẽ có tác động tích cực trong việc xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Từ đó, tạo đà cho những lĩnh vực khác phát triển. “Phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô được hiểu văn hoá đã trở thành một tài sản, nguồn lực to lớn. Khi văn hoá phát triển thì các lĩnh vực khác cũng sẽ phát triển và có lợi ích như chính trị, xã hội, kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ… Ví dụ như giáo dục, nếu làm tốt công tác phát huy giá trị di tích, Hà Nội không chỉ lan tỏa giá trị của di sản đến nhiều người, đặc biệt là học sinh, sinh viên, mà thông qua đó hiểu biết tốt hơn về lịch sử, sẽ khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ. Khi họ hiểu lịch sử Hà Nội thì họ sẽ thêm yêu mảnh đất, con người, văn hoá Thủ đô và từ đó sẽ mong muốn phát triển quê hương, đất nước. Nó giống như một vòng xoáy hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Hay việc phát triển công nghiệp văn hoá cũng sẽ bảo đảm gắn kết được văn hoá và kinh tế, đem lại giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, thời trang, du lịch… Phát triển công nghiệp văn hoá cũng bảo đảm được câu chuyện chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu mới nhất của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với nhiều ngành, lĩnh vực…” PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích./. —————————————- Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng: Định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo Chia sẻ tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 09, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, Hà Nội đã được đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng. Sau 20 năm, Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO” với mục tiêu lấy “Nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững”. Điều này giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế… Là nơi gặp gỡ Đông – Tây, Hà Nội là thành phố của sự đa dạng, có lịch sử ngàn năm văn hiến, nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật. Hà Nội còn là nơi hội tụ tinh hoa nghề thủ công truyền thống của cả nước… Với tư duy và tầm nhìn chiến lược, thành phố Hà Nội tiếp tục định vị và phát triển đúng đắn, bắt nhịp với hơi thở của thời đại, phấn đấu trở thành trung tâm của sự sáng tạo, định hướng phát triển bền vững trên cơ sở không chỉ bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử mà còn phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cho một thời đại mới. Định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo cho Hà Nội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng chính là tìm cho Hà Nội một giá trị cốt lõi. Từ đó, kiến tạo hệ sinh thái sáng tạo xung quanh giá trị cốt lõi đó và tạo điều kiện tốt nhất để lực lượng lao động sáng tạo văn hóa tạo ra những giá trị mới để Hà Nội thực sự trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực. ——————————— NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội: Khơi dậy tài năng từ đào tạo nguồn nhân lực trẻ Tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 09, NSND Trung Hiếu tin tưởng, công nghiệp văn hoá chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn Thủ đô một cách mạnh mẽ, góp một sắc màu riêng biệt và tuyệt đẹp trên bản đồ nghệ thuật toàn thế giới. Để đạt mục tiêu này, rất cần sự đồng bộ và chuyên nghiệp hoá từ cơ sở hạ tầng, sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học công nghệ tân tiến và con người là yếu tố quan trọng nhất. Xuất phát từ sự sáng tạo của con người, những giá trị nghệ thuật của tác phẩm được hiện thực hoá, thăng hoa và toả sáng, được đến với khán giả. Nếu không dành sự đầu tư xứng đáng cho nhân sự thì hệ thống cơ sở hạ tầng dù có hiện đại đến mấy cũng không thể có được những tác phẩm nghệ thuật đạt chất lượng nghệ thuật cao. Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, việc định hướng và đào tạo những thế hệ nhân tài cần có một cái nhìn xa rộng. Không chỉ thế hệ khán giả đã trưởng thành cần có thói quen thưởng thức nghệ thuật, đến với nhà hát mà từ những thế hệ nhỏ tuổi như mầm non, tiểu học… cũng cần được quan tâm và có kế hoạch lâu dài… |