Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Hồng

Ngày 14/9, tại Trung tâm Hội nghị thành phố Hải Phòng, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14/9/2005 và Kết luận số 13-KL/TW, ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo; ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng chủ trì hội nghị.

Vùng đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế – xã hội của cả nước, gồm 11 tỉnh, thành phố, trong đó có 2 thành phố trực thuộc Trung ương. Vùng có diện tích tự nhiên là 21.253km2, chiếm 6,42% diện tích của cả nước; dân số 22,92 triệu người, chiếm 23,5% dân số cả nước. Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, đối ngoại của cả nước.

Đồng thời là trung tâm về khoa học – công nghệ với đội ngũ trí thức trình độ cao; là trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn; có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, nhiều cảnh quan, di tích nổi tiếng gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc; có Thủ đô Hà Nội, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học – công nghệ của cả nước và có Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là một trong bốn vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Trong quá trình tổng kết, Ban Kinh tế Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành Kế hoạch triển khai; đề nghị 20 bộ, ngành và 11 địa phương trong vùng tiến hành tổng kết theo Đề cương của Ban Chỉ đạo; đặt hàng nghiên cứu chuyên sâu các Viện, Trường đại học, Trung tâm nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học và tổ chức khảo sát thực tế tại một số địa phương trong vùng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện các tỉnh, thành phố phát biểu tham luận về các vấn đề trong triển khai Nghị quyết, tình hình thực tiễn, phân tích những tồn tại, hạn chế; đồng thời đề xuất các giải pháp để tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54-NQ/TW.

Hội nghị thống nhất cao với các kiến nghị, đề xuất được nêu trong Dự thảo Báo cáo, nhất là các kiến nghị về ban hành Nghị quyết mới của Bộ Chính trị đối với vùng; trong đó, có các chỉ tiêu cụ thể của vùng cao hơn bình quân chung của cả nước – vùng có nhiệm vụ phải đi đầu cả nước trong thực hiện nhiều chỉ tiêu quan trọng.

Kiến nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện quy hoạch vùng để định hướng cho các địa phương và trở thành công cụ quản lý vùng, địa phương; kiến nghị sớm hoàn thiện thể chế, mô hình tổ chức, bộ máy, nguồn lực đủ mạnh để tăng cường liên kết phát triển vùng, để liên kết vùng trở thành động lực tăng trưởng cho vùng.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Lưu Quang – Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nêu rõ: Từ khi có Nghị quyết số 54, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng luôn xác định và thống nhất quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo: xây dựng, phát triển thành phố không chỉ cho Hải Phòng mà còn cho khu vực và cả nước; định hướng xây dựng, phát triển Hải Phòng không chỉ trong nội tại, địa giới hành chính thành phố mà đặt trong mối liên kết, tạo sự lan tỏa tới các tỉnh, thành phố lân cận.

Hội nghị tổng kết có ý nghĩa vô cùng to lớn với nhiều nội quan trọng; nhất là việc đề xuất ban hành Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thông qua Hội nghị, Hải Phòng này sẽ học tập nhiều kinh nghiệm có giá trị, góp phần xây dựng chủ trương, định hướng mới để phát triển hơn nữa.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, xuất phát từ thực trạng phát triển vùng, địa phương và từ thực tiễn công tác và kinh nghiệm chỉ đạo, quản lý điều hành của các đại biểu.

Các ý kiến cung cấp thêm các thông tin và là nguồn tư liệu quý, góp phần quan trọng giúp Ban Chỉ đạo, Thường trực Tổ Biên tập tiếp tục bổ sung, hoàn thiện để Báo cáo phản ánh khách quan, toàn diện hơn về những thành tựu đạt được sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW; những khó khăn, hạn chế, bài học kinh nghiệm; đánh giá bối cảnh tình hình mới và từ đó đề xuất các ý kiến về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới.

Ban Chỉ đạo giao Thường trực Tổ Biên tập tiếp tục tổng hợp các ý kiến tham gia tại Hội nghị để chắt lọc, bổ sung, điều chỉnh để hoàn thiện dự thảo Báo cáo, Tờ trình và Nghị quyết mới và hoàn thiện trình Bộ Chính trị đảm bảo đúng thời gian, tiến độ theo Chương trình làm việc đã đề ra.

Hải Phong

Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Hồng (laodongthudo.vn)