Phát triển nền du lịch xanh, gắn kết di sản ở Thủ đô

 Phát triển du lịch xanh, bền vững, thân thiện với môi trường được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Mô hình này cũng đã được triển khai ở Thủ đô Hà Nội, ghi nhận từ thực tế cho thấy phát triển du lịch xanh đang được du khách quan tâm, đón nhận.

Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Hiệu quả từ việc phát triển nền du lịch xanh ở Thủ đô
Làng nghề truyền thống quất cảnh Tứ Liên (Tây Hồ) dịp cuối năm thu hút rất nhiều khách tới tham quan, mua sắm

Thời gian qua, Hà Nội đã tạo dựng sản phẩm du lịch mới như phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại khu vực phố cổ, phát huy giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc di sản văn hoá thế giới khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Đồng thời, nâng cấp điểm đến du lịch tại một số điểm di sản văn hoá trên địa bàn Hà Nội; đầu tư các điểm dừng chân cho khách du lịch tại khu vực nội đô và tổ chức biểu diễn văn hóa, nghệ thuật phục vụ du lịch tại một số rạp của Thủ đô và ở một số điểm trong khu vực phố cổ… Đây là một chuỗi sản phẩm thích hợp để du khách đến tham quan ở mảnh đất Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Hướng đến phát triển nền du lịch xanh ở Thủ đô, Hà Nội cũng đã áp dụng nhiều hình thức như đưa du khách khám phá phố cổ bằng xe điện, xe xích lô, bố trí cho khách đi tìm hiểu phong tục, tập quán, văn hóa, ẩm thực của làng cổ Đường Lâm bằng xe đạp…

Một số sản phẩm du lịch xanh như homestay, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, ăn nghỉ tại nhà dân đang là điểm đến của nhiều du khách. Những dự án du lịch xanh này đi vào hoạt động đem lại lợi ích kép cho Hà Nội, vừa giúp Thủ đô phát triển kinh tế lâu dài, bền vững, vừa tạo nên một hình ảnh Hà Nội thật đẹp trong mắt du khách.

Bên cạnh đó, Hà Nội không chỉ có ưu thế về du lịch văn hóa, lịch sử mà có thêm tiềm năng về du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng. Bởi lẽ, Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề, những làng nghề, làng cổ ở ngoại thành là nền tảng tốt để xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho Thủ đô.

Những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí phát triển du lịch cho các làng nghề về nâng cấp hạ tầng như đường giao thông, mạng lưới điện, nước sạch.

Đồng thời, cải thiện cảnh quan môi trường, hình thành và duy trì đội ngũ thuyết minh viên tại cơ sở hướng dẫn du khách tại một số làng nghề như gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, điêu khắc gỗ Sơn Đồng… bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

Đơn cử như làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) là một bức tranh tiêu biểu, khắc họa rõ nét nhất những đặc trưng của làng cổ xưa xứ Bắc. Bên cạnh những bức tường đá ong sứt sẹo dấu ấn mưa nắng, khắc họa thời gian thì nhiều ngôi nhà cổ trong làng cho đến nay vẫn còn đậm nét kiến trúc cổ kính.

Hiệu quả từ việc phát triển nền du lịch xanh ở Thủ đô
Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) vẫn còn lưu giữ những nét cổ kính, hàng năm thu hút rất đông khách tới tham quan

Trong những năm gần đây, người dân Đường Lâm đã dần biết khai thác các tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch. Hướng tới mục tiêu 70% hộ dân sống bằng dịch vụ du lịch, thị xã Sơn Tây và Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ, đào tạo người dân làm du lịch.

Cụ thể, nhằm hỗ trợ người dân được hưởng lợi từ dịch vụ du lịch, thời gian qua Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây và Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm đã triển khai nhiều giải pháp để đánh thức tiềm năng, nâng cao nhận thức và trình độ làm du lịch cho người dân như mời các hộ đi tham quan mô hình làm du lịch cộng đồng; tập huấn cho người dân tiếp khách, đón khách một cách chuyên nghiệp; tổ chức thi làm các sản phẩm bánh kẹo của địa phương; mở chợ quê vào những ngày lễ, hội; tạo ra những sản phẩm lưu niệm phong phú từ mây tre đan, gốm sứ, tranh thêu, rơm…

Tương tự, là địa bàn có cảnh quan, di tích, làng nghề độc đáo, quận Tây Hồ có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Với 71 di tích lịch sử văn hóa, 42 di tích đã xếp hạng trong đó nhiều di tích nổi tiếng như: Phủ Tây Hồ, Chùa Trấn Quốc, Đền Đồng Cổ… đây là tiềm năng, lợi thế lớn để quận phát triển dịch vụ du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch tâm linh.

Cùng với đó Tây Hồ có những làng nghề truyền thống như nghề trồng hoa, quất cảnh ở Quảng Bá, Tứ Liên; nghề trồng đào truyền thống ở Nhật Tân… và nhiều sản vật nổi tiếng như bánh Tôm Hồ Tây, Chè sen Tây Hồ, xôi chè Phú Thượng… Các sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương và đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của quận.

Với những tiềm năng đó, thời gian qua quận Tây Hồ luôn quan tâm đầu tư tuyên truyền, quảng bá giá trị của các di tích, làng nghề trên địa bàn quận. Tiêu biểu như quận đã tổ chức các đoàn khảo sát du lịch với sự tham gia của đơn vị lữ hành để các đơn vị tiếp tục khai thác, đưa các di tích, làng nghề trên địa bàn vào danh sách tour du lịch.

Bên cạnh đó, nhằm góp phần thúc đẩy, phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh trên địa bàn quận Tây Hồ, từ năm 2020, Đoàn Thanh niên quận Tây Hồ đã triển khai ứng dụng quét mã QR Code tại các điểm di tích đã được xếp hạng trên địa bàn quận. Mô hình này đã giúp du khách dễ dàng tra cứu thông tin và khám phá điểm đến, mang đến trải nghiệm mới theo hướng du lịch thông minh.

N. Hoa
https://laodongthudo.vn/phat-trien-nen-du-lich-xanh-gan-ket-di-san-o-thu-do-135856.html