Ảnh minh họa: Cao Tiến |
Trong nửa đầu năm nay, tổng vốn đầu tư vào công nghệ giáo dục đã vượt qua con số 30 triệu USD của cả năm 2022. Tính đến tháng 6/2023, đã có khoảng 70 quỹ đầu tư đã rót hơn 400 triệu USD cho startup lĩnh vực này ở Việt Nam. Với số lượng học sinh phổ thông chiếm tới hơn 20% dân số, các dòng sản phẩm tập trung vào phân khúc này là lớn nhất.
Ở Việt Nam, có thể liệt kê một số đơn vị tiêu biểu đã gọi vốn thành công như Edupia, Azota, Vuihoc, CoderSchool, Marathon Education. Điều này chứng tỏ các startup trong lĩnh vực công nghệ giáo dục ở Việt Nam đang hoạt động sôi nổi. Sở dĩ công nghệ giáo dục có sự quan tâm như vậy bởi vì nó mang lại luồng gió mới, tạo ra được nhiều giải pháp cho những vấn đề của giáo dục truyền thống, và tạo ra nhiều cơ hội mới.
Trước tiên, công nghệ có thể giúp tăng năng suất và hiệu quả trong đào tạo thông qua ứng dụng. Chẳng hạn, trước đây một giáo viên chỉ có thể giảng dạy từ vài chục đến vài trăm học sinh, nhưng với sự trợ giúp của công nghệ, một giáo viên có thể giảng dạy hàng nghìn đến hàng triệu học sinh một cách hiệu quả. Đấy là chưa kể một số giải pháp còn cho phép tự động hóa hoạt động học tập, không giới hạn số lượng người học.
Tiếp theo, công nghệ giáo dục có thể giúp mang lại trải nghiệm học tập hiệu quả hơn đối với từng người học thông qua việc cá nhân hóa hoạt động học tập và cung cấp phản hồi nhanh chóng cho người học. Dữ liệu học tập của người học được sử dụng và phân tích, để đưa ra các kịch bản học tập phù hợp nhất với từng đối tượng người học, từ đó mang lại sự phù hợp và hiệu quả đối với từng trường hợp.
Lĩnh vực này cũng giúp mang đến các cách làm mới, cách tiếp cận mới, cơ hội mở rộng quy mô đào tạo cho các đơn vị. Tuy nhiên, bản thân công nghệ không thể tạo nên được sự đột phá nếu không đi cùng với việc thay đổi mô hình và quy trình hoạt động cũng như giải pháp tổng quan nói chung.
Từ góc nhìn của các nhà đầu tư, công nghệ giáo dục có lẽ là con đường duy nhất để các tổ chức giáo dục mở rộng được quy mô, tăng trưởng đủ nhanh để mang lại lợi ích tài chính. Ở Việt Nam, sự phát triển của các giải pháp công nghệ giáo dục vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, có sự hạn chế cả về số lượng lẫn quy mô và tầm nhìn của các giải pháp. Các yếu tố nền tảng để hỗ trợ và thúc đẩy vẫn chưa thực sự tốt, từ chính sách của Nhà nước, cho đến nền tảng công nghệ, năng lực ứng dụng công nghệ, năng lực của đội ngũ chuyên gia giáo dục. Thậm chí, vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng để phân biệt liệu một giải pháp có phải là công nghệ giáo dục hay không. Việt Nam vẫn chưa có một kỳ lân hoặc tiềm năng trở thành kỳ lân trong lĩnh vực này.
Trong bức tranh toàn cảnh đó, cá nhân hóa trong học tập là mơ ước của những “anh cả” làng công nghệ giáo dục, nhất là khi trí tuệ nhân tạo ngày càng phổ biến.
Tại tọa đàm “Công nghệ giáo dục Việt Nam và xu hướng cá nhân hóa trong học tập”, ông Nguyễn Trí Hiển – Trưởng Làng công nghệ giáo dục Techfest Việt Nam cho rằng, Covid -19 đi qua đã vô tình marketing toàn bộ thị trường công nghệ giáo dục, tạo ra cú hích về mặt truyền thông giúp cho thị trường này được rất nhiều người dân biết đến và quan tâm. Đặc biệt, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa hình thức đào tạo trực tuyến tới 90% trường đại học và 80% trường trung học phổ thông và cơ sở dạy nghề. Chiến lược này không chỉ giúp Việt Nam chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao hơn đối với nhu cầu trong tương lai, nhất là đào tạo các kỹ năng số mà còn thúc đẩy hơn nữa các startup, quỹ đầu tư và các tổ chức liên quan phát triển thị trường công nghệ giáo dục.
Hiện nay, thị trường đang bước vào giai đoạn sàng lọc. Theo ông Nguyễn Trí Hiển, trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và các sự kiện quốc tế tác động, thị trường Việt Nam đang có xu hướng nổi bật là cá nhân hóa học tập hoặc đưa trải nghiệm học tập gần gũi với người học hơn nhằm tạo nên môi trường học tập mới với những nội dung thú vị. Xu hướng này cho phép người học tiếp cận những người thầy tốt nhất, có thể học tập mọi nơi mọi lúc. Đặc biệt, mỗi người học được “may đo” con đường học tập riêng của mình nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, xã hội và phù hợp với năng lực, trình độ của bản thân. Trên cơ sở tổng hợp và phân tích dữ liệu của người học, các sản phẩm công nghệ có thể đưa ra những khuyến nghị, định hướng học tập phù hợp cho từng người cũng như phát triển các giải pháp công nghệ kèm theo để khắc phục điểm yếu, phát huy thế mạnh, gia tăng giá trị cho cá nhân.
Về phía doanh nghiệp, đây là lĩnh vực cần xác định là một cuộc “phiêu lưu” dài hạn, để thành công có thể sẽ phải mất 5 – 10 năm, thậm chí lâu hơn. Vì vậy, những công ty khởi nghiệp cần phải có mục tiêu và chiến lược rõ ràng để vượt qua thách thức về vốn và lợi nhuận. Cùng đó, thị trường càng sôi động có nghĩa là sẽ có ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp tham gia và cạnh tranh bằng mọi giá.