Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập

Sáng 20/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”. Hội nghị do Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức nhằm tìm ra giải pháp để phát triển thị trường lao động đồng bộ, linh hoạt, hiện đại đúng như tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng “vừa đảm bảo yếu tố thị trường vừa đảm bảo yếu tố xã hội”.

Hội nghị có sự tham gia của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Ngân hàng Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện một số doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, và đại diện một số tổ chức, chuyên gia quốc tế. Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Lao động là 1 trong 4 thị trường quan trọng với nền kinh tế đất nước

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, trong những năm qua, thị trường lao động ở Việt Nam đã có những bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực và thế giới.

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập
Thủ tướng Chính phủ Phạm MInh Chính phát biểu tại Hội nghị

Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn manh mún, chưa chuyên nghiệp, thiếu tính linh hoạt, chưa thật bền vững; công tác nghiên cứu, dự báo, khớp nối cung cầu và cập nhật hệ thống thông tin thị trường lao động chưa thực sự hiệu quả và chuyên nghiệp. Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề tới thị trường lao động trong nước và thị trường xuất khẩu lao động.

Thủ tướng cũng nêu rõ, Chính phủ đã tổ chức hội nghị về phát triển thị trường vốn, sau đó đã kiểm soát tình hình tốt hơn và thị trường có chiều hướng lành mạnh hơn, hiệu quả, bền vững hơn; tiếp đó, tổ chức hội nghị về thị trường bất động sản, để thị trường có những bước tiến và các bất cập đang dần được khắc phục và Hội nghị này là nhằm ổn định, phát triển thị trường lao động bền vững.

Thủ tướng mong muốn các chuyên gia, Bộ, ngành liên quan cùng tham mưu để giúp ngành lao động ban hành các chính sách như làm thế nào để nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò phát triển thị trường lao động và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững; đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách về thị trường lao động theo hướng nào để tăng cường quản lý nhà nước và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho thị trường lao động phát triển hài hòa, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế. Giải pháp nào để chủ động ứng phó với những khó khăn, thách thức hiện nay, nhất là những tác động do đại dịch Covid-19 gây ra?…

Từng bước phát triển thị trường lao động

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngoc Dung cho biết, thị trường lao động Việt Nam có thể được xem chính thức hình thành và phát triển từ năm 1986, đến nay đã đạt được những thành tựu quan trọng. Hệ thống thể chế, luật pháp, chính sách về thị trường lao động từng bước được hoàn thiện; quy mô và chất lượng cung – cầu lao động gia tăng, nguồn cung được đảm bảo với trên 51,6 triệu người; chất lượng việc làm ngày càng được cải thiện, tỷ lệ qua đào tạo tăng qua từng năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,2%.

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị. Ảnh VGP

Đáng chú ý, đã từng bước chính thức hóa một phần khu vực phi chính thức; cơ cấu lao động có bước chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp và dịch vụ; giảm tỷ trọng việc làm dễ bị tổn thương, tăng tỷ lệ việc làm được bảo vệ; tiền lương và thu nhập của người lao động được cải thiện rõ rệt; năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên. Ngành LĐTBXH đã đẩy mạnh giải quyết việc làm góp phần duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước luôn dao động trong khoảng 2,2 – 2,3%.

Tuy nhiên, thị trường lao động nước ta còn chưa phát triển kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, tính thích ứng, chủ động, linh hoạt kém, nhất là trước những “cú sốc” như đại dịch Covid-19 vừa qua đã bộc lộ những bất cập của thị trường lao động Việt Nam đang phải đối mặt như: áp lực giải quyết việc làm cho gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường lao động; tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn còn tồn tại; chưa có giải pháp để nâng tầm, khai thác và thu hút lao động tại chỗ hiệu quả; tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động cho giai đoạn phục hồi và phát triển; sự thiếu hụt các kỹ năng của người lao động để duy trì việc làm hoặc chuyển đổi nghề, thích ứng với tình hình sau đại dịch; thiếu cơ sở dữ liệu điện tử trong quản lý lao động, nhu cầu kỹ năng tương lai…

Cần những giải pháp căn cơ

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng thị trường lao động Việt Nam trong mối tương quan thị trường lao động thế giới; vai trò phát triển thị trường lao động và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững; cơ chế, chính sách về thị trường lao động; kinh nghiệm trong nước, quốc tế và các giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trước mắt là chủ động ứng phó với những khó khăn, thách thức hiện nay, nhất là những tác động do đại dịch Covid-19 gây ra.

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại Hội nghị

Để phát triển và ổn định thị trường lao động trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã nêu ra các giải pháp như tăng cường công tác thông tin truyền thông; rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đồng thời, rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết nhu cầu thiếu nhân lực cục bộ, giảm sự mất cân đối cung – cầu lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc…

Đóng góp ý kiến phát triển thị trường lao động trong thời gian tới, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai quyết liệt chính sách hỗ trợ cho người lao động đã được ban hành trong thời gian qua, cũng như tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề, giúp cung cấp lượng lớn lao động có tay nghề kịp thời cho các doanh nghiệp thiếu hụt sau dịch, đặc biệt đối với những lĩnh vực: May mặc, giầy da, điện tử… Chú trọng đào tạo theo các đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương chú trọng hơn nữa trong kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật về lao động, để kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật lao động về quyền lợi của người lao động như tiền lương, việc nghỉ ngơi, công tác an toàn vệ sinh lao động; cần có dự báo phát triển của thị trường, nhất là ở những ngành mũi nhọn, trí thức cao; xây dựng dữ liệu thông tin phục vụ thị trường và đầu tư hạ tầng cơ bản để phục vụ cho người lao động tại những nơi thị trường lao động có hướng phát triển.

Ngoài ra, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, phải có đào tạo kỹ năng, có khung chương trình đào tạo cơ bản, tăng thời gian thực hành, có thời gian nhất định để học về chính trị, Nhà nước, giai cấp, bồi dưỡng, nâng cao giác ngộ chính trị cho công nhân và người lao động…

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập
Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia Hội nghị cho rằng, một trong những điểm cần đặc biệt lưu ý là phải nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thời kỳ phát triển mới, trong đó chú ý nâng cao kỹ năng, năng suất lao động của người lao động; phải có sự liên kết giữa nhu cầu tuyển dụng và chương trình đào tạo kiến thức và kỹ năng cho người lao động; xây dựng hạ tầng thị trường lao động hiện đại. Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt các công ước quốc tế liên quan tới lao động, việc làm mà Việt Nam đã tham gia. Bên cạnh đó người lao động phải thực hiện đầy đủ quyền lợi, trách nhiệm đối với đất nước….

Thúc đẩy phát triển thị trường lao động đúng hướng

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, lao động – việc làm là vấn đề quan trọng, là một trong các cân đối lớn của nền kinh tế. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường lao động. Đến nay, về cơ bản, thị trường lao động đã được hình thành và từng bước vận hành theo cơ chế thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mặc dù vậy, theo Thủ tướng, thị trường lao động chưa theo kịp được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, chưa thích ứng đầy đủ được với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập
Toàn cảnh hội nghị

Đồng ý với các ý kiến thảo luận tại hội nghị, trên cơ sở phân tích các thành tựu, bài học kinh nghiệm, nguyên nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ các giải pháp để phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập như hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động.

Một mặt thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, mặt khác, tăng cường nghiên cứu, rà soát, đánh giá năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo, các kiến nghị và đóng góp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời triển khai các giải pháp đào tạo, nâng cao năng lực kỹ năng nghề cho công nhân, lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Khẳng định nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh đào tạo nghề cho người lao động, Thủ tướng chỉ đạo phải tổ chức thực hiện các giải pháp phù hợp để phân luồng học sinh, sinh viên, hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và cơ cấu phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế. Đặc biệt, tập trung đầu tư công tác dự báo cung – cầu, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm.

Thêm vào đó, hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho người lao động khi tham gia thị trường lao động; phổ biến các hệ thống chứng nhận nghề, kỹ năng theo tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ người lao động tham gia các thị trường lao động trong và ngoài nước; xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động đặc thù, nhất là thị trường lao động nông thôn, thị trường lao động trình độ cao…

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ LĐTBXH tiếp thu các ý kiến của đại biểu góp ý, đề xuất tại hội nghị, hoàn thiện nội dung văn bản dưới hình thức nghị quyết hoặc chỉ thị, nhằm thúc đẩy phát triển thị trường lao động đúng hướng, linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập.

Phạm Diệp
https://laodongthudo.vn/phat-trien-thi-truong-lao-dong-linh-hoat-hien-dai-ben-vung-va-hoi-nhap-144891.html