Phát triển Thủ đô từ văn hóa

Trong chiến lược phát triển, thành phố Hà Nội hướng đến tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, ưu tiên bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả một số không gian văn hóa, tạo động lực, nền tảng quan trọng phát triển Thủ đô.

Quy hoạch thành phố Hà Nội được lập trong bối cảnh có những thuận lợi khi đã có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025; các quy hoạch ngành quốc gia (nhất là các quy hoạch về hạ tầng giao thông, điện..). Đặc biệt đã có Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Quốc hội thông qua.
Phát triển Thủ đô từ văn hóa
Ảnh minh họa.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn cả nước về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục và giao dịch quốc tế, là một động lực phát triển quan trọng đối với sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Đặc biệt, nơi đây là địa bàn có nhiều di sản văn hóa, lịch sử phong phú, đa dạng nhất của quốc gia.

Ngày 24/5, Ban Chấp hành Trung ương đã có văn bản số 80-KL/TW kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Bộ Chính trị cơ bản thống nhất với các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và nội dung chủ yếu của các quy hoạch. Đồng thời, lưu ý nhấn mạnh một số nội dung. Trong đó, kết luận của Bộ Chính trị kiên định quan điểm “con người là trung tâm của sự phát triển”, “văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô”.

Trong chiến lược phát triển của mình, Thành phố cũng hướng đến tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, ưu tiên bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả một số không gian văn hóa phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa như: Không gian Hoàng Thành kết nối Ba Đình; không gian phố cổ kết nối cầu Long Biên; không gian quần thể di tích Cổ Loa; không gian làng cổ Đường Lâm; không gian một số làng nghề truyền thống. Xây dựng mới một số công trình văn hóa hiện đại mang tính biểu tượng thời kỳ mới của Thủ đô.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, xác định một số không gian văn hóa, di sản để đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới như quần thể di tích Cổ Loa, quần thể thắng cảnh Hương Sơn, khu di tích Ba Đình, K9 – Đá Chông, Cầu Long Biên… để bảo tồn, khai thác phát huy các giá trị di sản, xây dựng hình ảnh thành phố toàn cầu. Đặc biệt là phương án phát triển trục sông Hồng – không chỉ là dòng chảy của những giá trị lịch sử, văn hóa bồi đắp cho văn hóa Thăng Long – Hà Nội, mà còn là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, bổ sung nên diện mạo mới của Thủ đô văn hiến – văn minh – hiện đại…

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, Hà Nội đã rất đúng khi lựa chọn thế mạnh của mình – văn hóa – để tạo ra đột phá cho sự phát triển Thủ đô. Mảnh đất ngàn năm văn hiến này chứa đựng những giá trị không nơi nào so sánh được, ẩn chứa trong các di tích, lễ hội, làng nghề, món ăn ngon… hay cả trong truyền thuyết, dân ca, thơ phú, và cả ngàn bài hát ca ngợi Thủ đô. Tất cả đều có thể xây dựng cho Hà Nội những thương hiệu, để từ đó tạo ra những lợi ích về chính trị, kinh tế, xã hội cho Thủ đô.

Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, bên cạnh những lợi thế từ truyền thống, Hà Nội cũng cần có những biểu tượng văn hóa mới cho mình. Những biểu tượng này có thể xuất phát từ những ý tưởng có liên quan đến truyền thống của Thủ đô, cũng có thể là những ý tưởng mới hoàn toàn. Đây là điều mà chúng ta đang nghĩ đến khi lên kế hoạch xây dựng cột mốc số 0, khi xây dựng những công trình mới như Trung tâm Hội nghị quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, cầu Nhật Tân hay một số công trình mới gần đây, cũng như những sự kiện như Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam, Lễ hội âm nhạc gió mùa Monsoon….

“Điểm quan trọng ở đây là, chúng ta đã có tư duy đổi mới trong việc hình thành nên những biểu tượng mới cho Thủ đô. Giờ đây, việc xây dựng một tòa nhà, một con đường, một cây cầu hay bất kỳ một công trình hay sự kiện văn hóa nghệ thuật nào khác, chúng ta đều hướng suy nghĩ của mình đến điểm nhấn kiến trúc, biểu tượng, phục vụ cho sự hài hòa và cái đẹp của Hà Nội. Điều đó đáng quý vô cùng để Thủ đô phát triển bền vững, xứng đáng là Thủ đô, trung tâm chính trị và văn hóa của một nước Việt Nam chưa bao giờ có một cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày hôm nay, của thời đại Hồ Chí Minh”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay.

Từ những biểu tượng mới này, chúng ta thể hiện một Thủ đô giàu bản sắc, kết hợp giữa những giá trị truyền thống và tinh hoa của nhân loại, một thành phố có nét tinh tế, trầm mặc, chậm rãi từ quá khứ nhưng cũng có sự năng động, cởi mở, hòa nhập của hiện đại. Sự hấp dẫn này sẽ biến Hà Nội không chỉ trở thành thành phố đáng sống, mà còn là nơi mơ ước đặt địa điểm của các tổ chức, tập đoàn tài chính quốc tế hay nơi nhất định phải đến thăm của du khách trong và ngoài nước. Đạt được mục đích này, Hà Nội sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân cả nước.

Phương Bùi

Phát triển Thủ đô từ văn hóa (laodongthudo.vn)