Theo UBND thành phố Hà Nội, trong những năm qua, kinh tế đô thị tại Thủ đô đã được quan tâm, cơ cấu ngành kinh tế đã chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, thương mại, du lịch.
Các hoạt động kinh tế tại khu vực đô thị có nhiều kết quả tích cực. Hạ tầng thương mại được chú trọng, các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử phát triển mạnh; du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Các loại thị trường: bất động sản, chứng khoán, khoa học – công nghệ dần phát triển theo hưởng hiện đại, đồng bộ và hội nhập.
Tuy nhiên, hoạt động kinh tế ở khu vực đô thị chưa thật sự phát huy được lợi thế, chưa làm tốt vai trò động lực, thu hút, thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn và cả Thành phố. Các nguồn lực như: đất đai, tài chính, lao động, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội… trong khu vực đô thị chưa được huy động và khai thác đồng bộ, có hiệu quả phát triển kinh tế đô thị. Kinh tế đô thị thành phốHà Nội vẫn còn nhiều dư địa và nhiều cơ hội phát triển lớn trong thời gian tới.
Ảnh minh họa. |
Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025” đã xác định nhiều nhiệm vụ quan trọng đối với chính quyền Thành phố nhằm khai thác tối đa lợi thể đô thị để phát triển kinh tế đô thị. Việc xây dựng và triển khai Đề án “Phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội” nhằm xác định các trọng tâm phát triển về kinh tế đô thị phù hợp với đặc điểm, nét đặc thù của Thủ đô và định hướng chung phát triển kinh tế Thành phố theo hướng “nhanh, hiệu quả và bền vững” trong giai đoạn tới là hết sức cần thiết.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp nhằm phục vụ phát triển kinh tế đô thị được nêu trong Đề án là công tác quy hoạch, phát triển, cải tạo chỉnh trang đô thị.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp các đơn vị triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050; Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội chủ trì, phối hợp các đơn vị lập Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065, xây dựng Chương trình phát triển đô thị đảm bảo phát triển Thủ đô văn hiến – văn minh – hiện đại.
Công tác xây dựng quy hoạch cần xác định kinh tế đô thị là bộ phận cấu thành, chủ đạo, có nét đặc thù và là động lực cho phát triển kinh tế chung của Thành phố. Quy hoạch phát triển đô thị phải gắn chặt mục tiêu phát triển kinh tế với phát triển đô thị và phát triển văn hoá – xã hội.
Nghiên cứu, quy hoạch khu vực phát triển đô thị với các không gian phát triển kinh tế đô thị quy mô, đặc sắc, vượt trội, đáp ứng được yêu cầu là động lực chính giúp Thủ đô đạt được các mục tiêu rất cao về tăng trưởng đã được xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị.
Bổ sung các thiết chế còn thiếu đối với khu nội đô để khu vực này trở nên hiện đại, đẹp, thuận lợi cho phát triển kinh tế đô thị như: các trạm tập kết chất thải rắn trong khu dân cư; chợ dân sinh; không gian công cộng phục vụ đời sống tinh thần và phát triển dịch vụ.
Rà soát lại quy hoạch, nhất là việc phân bố và tổ chức không gian phát triển công nghiệp và dịch vụ. Rà soát lại các khu công nghiệp hiện có và khu công nghiệp dự kiến thành lập mới trong kế hoạch phát triển khu công nghiệp theo hướng hình thành các tổ hợp khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ. Sắp xếp lại hệ thống bệnh viện, trường học theo hưởng phân bố hợp lý, không tập trung quá vào khu vực đô thị. Quản lý chặt chẽ quá trình chuyển đổi nông thôn thành đô thị theo quy hoạch, kế hoạch.
Quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng tại Nghị quyết số 06-NQTW ngày 24/01/2022, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 15/05/2022, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị. Trong đó, quan tâm đến phát triển kinh tế tại một số đô thị được định hướng trở thành đô thị sân bay tại Sóc Sơn; đô thị Đại học tại Hoà Lạc, đô thị công nghiệp, đô thị sinh thái… Quy hoạch mô hình Thành phố trực thuộc Thủ đô đảm bảo chức năng, không gian để kinh tế đô thị phát triển vượt trội, giúp Hà Nội có sức bật phát triển mới.
Rà soát, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khai thác tác động tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực của phát triển đô thị và kinh tế đô thị tới nông thôn và kinh tế nông thôn; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp xây dựng những mô hình đô thị mới trên địa bàn (phát triển các mô hình đô thị mới phù hợp với thực tiễn, chú trọng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD). Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí xác định và phát triển khu đô thị có vị trí, chức năng đặc thù nổi trội như về phát triển đại học, trung tâm sáng tạo, công nghiệp, sân bay…).
Thành phố cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành, địa phương công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, thông tin kêu gọi đầu tư đến người dân, tổ chức, các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, yêu cầu Sở Quy hoạch và Kiến trúc đôn đốc các đơn vị thực hiện, thẩm định, trình UBND Thành phố phê duyệt quy hoạch phân khu còn lại của đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây, Sóc Sơn, quy hoạch xây dựng vùng huyện. Tăng cường lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị riêng các khu vực quan trọng nhà nước cần quản lý, thu hút đầu tư, chỉnh trang đô thị, đặc biệt tại khu vực đô thị trung tâm Thành phố theo Kế hoạch đã được UBND Thành phố phê duyệt, công trình có giá trị xây dựng trước năm 1954.
Tiếp tục rà soát, đề xuất lập quy hoạch các khu chức năng du lịch, đại học, y tế tập trung… làm cơ sở thu hút đầu tư, hình thành những cực tăng trưởng kinh tế, góp phần giãn dân cư tại các đô thị lõi trung tâm.
Đặc biệt, Thành phố giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc phối hợp với Viện Quy hoạch Xây dựng, các sở, ngành liên quan trong giai đoạn 2023-2025, lập Đề án “Chỉnh trang, làm đẹp cảnh quan hai bên bờ sông Hồng trên địa bàn giai đoạn từ nay đến 2030”.