Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn: Đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống bằng hành động cụ thể

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh cần huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nói riêng, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nói chung. Nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, ý thức chủ động học tập, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Sáng 8/11, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11; Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Tổng kết Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng”.

Tớ dự Lễ hưởng ứng có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn – Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL Thành phố.

PBGDPL là cầu nối đưa pháp luật đến với cuộc sống

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, 10 năm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương cho biết, thành phố Hà Nội luôn xác định công tác PBGDPL là nhiệm vụ quan trọng, là cầu nối đưa pháp luật đến với cuộc sống, là cơ sở để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, do vậy, Thành phố rất quan tâm, triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác PBGDPL hàng năm và giai đoạn.

Đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống bằng hành động cụ thể
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.

Ngay từ khi Luật PBGDPL có hiệu lực và quy định ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hàng năm, UBND Thành phố đều ban hành Kế hoạch hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam và tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật.

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật trên toàn Thành phố đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị – pháp lý sâu rộng, qua đó giáo dục ý thức thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong cán bộ, công chức viên chức, người lao động và nhân dân Thủ đô, nâng cao nhận thức về công tác tuyên truyền, PBGDPL với tính chất là cầu nối đưa pháp luật vào cuộc sống, làm cho công tác này của Thành phố ngày càng đi vào thực chất và có ý nghĩa hơn.

Việc thực hiện Luật PBGDPL đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác PBGDPL, tạo chuyển biến căn bản về hiệu quả của hoạt động PBGDPL. Công tác quản lý nhà nước về PBGDPL được chú trọng, tăng cường hơn; nhận thức về trách nhiệm trong triển khai của các ngành, các cấp được nâng lên và có nhiều chuyển biến tích cực. Nguồn nhân lực và các điều kiện bảo đảm cho công tác PBGDPL được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn về số lượng và chất lượng.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương, công tác PBGDPL trên địa bàn Thành phố trong những năm qua đã kịp thời đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần quan trọng tạo nên chuyển biến về tình hình tuân thủ pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân Thủ đô, xây dựng người Hà Nội sống và ứng xử có văn hoá pháp lý, văn minh, thanh lịch, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị và trật tự xã hội, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống bằng hành động cụ thể
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn và Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn trao giải Nhất Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng” cho UBND quận Nam Từ Liêm và UBND huyện Đông Anh.

Công tác tuyên truyền, PBGDPL được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, vừa sâu, vừa rộng, ngày càng thu hút đông đảo được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn bàn tham gia tạo thành phong trào tìm hiểu pháp luật… Hình thành thói quen chủ động học tập, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật; gắn kết chặt chẽ với hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; chú trọng các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội…

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương cũng thẳng thắn nhìn nhận, một số ngành, tổ chức, địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác quản lý nhà nước về PBGDPL. Tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý nhà nước về PBGDPL cấp huyện và cấp xã còn thiếu, phải kiêm nhiệm nhiều việc nên gặp khó khăn trong công tác tham mưu quản lý, triển khai công tác PBGDPL…

Nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân

Đánh giá cao những kết quả ấn tượng mà thành phố Hà Nội đã đạt được qua 10 năm thực hiện Luật PBGDPL và hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc biểu dương Hà Nội đã tìm ra cách làm đúng để hưởng ứng, thực hiện các định hướng chung của Trung ương nhưng lại có bổ sung, sáng tạo cách làm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Thủ đô.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc bày tỏ mong muốn các cấp chính quyền và người dân Hà Nội tiếp tục quan tâm hơn nữa tới công tác pháp luật và tư pháp, xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật đi cùng với nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được phổ biến tới cán bộ, người dân để cùng nhau thực hiện, giám sát thực hiện, bảo đảm tất cả mọi người đều sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống bằng hành động cụ thể
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học và Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương trao giải cho các đơn vị đoạt giải Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng” .

Phát biểu tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, để tiếp tục đưa Luật PBGDPL đi vào cuộc sống và hoạt động Ngày Pháp luật hàng năm thực sự thiết thực, ý nghĩa trên địa bàn Thàng phố, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đề nghị công tác PBGDPL tập trung vào một số nội dung.

Trong đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật PBGDPL, hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Năm hàng năm. Gắn thực hiện Luật PBGDPL với thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân.

Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và sửa đổi Luật Thủ đô, có các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo sự phát triển cho Thủ đô. Tăng cường hiệu quả công tác truyền thông về vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật, góp phần tạo đồng thuận xã hội và đưa pháp luật vào cuộc sống.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa nội dung hình thức, cách thức tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật với việc đổi mới công tác PBGDPL, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL tiến tới thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL.

Huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nói riêng, công tác PBGDPL nói chung. Nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, ý thức chủ động học tập, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

“Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, mỗi người chúng ta phải bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống, để cùng nhau quyết tâm xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn nêu rõ.

Nhân dịp này, UBND Thành phố đã tặng Bằng khen cho 24 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật PBGDPL. Đồng thời, trao giải Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng” cho 43 đơn vị. Trong đó, UBND quận Nam Từ Liêm và UBND huyện Đông Anh đoạt giải Nhất cuộc thi.

Phương Ngân
https://laodongthudo.vn/dua-hien-phap-phap-luat-di-vao-cuoc-song-bang-hanh-dong-cu-the-148440.html