Phở cuốn Ngũ Xã

 Phở đã trở thành một nét riêng có của đất Hà thành. Nhắc đến phở là ta nhớ đến hương vị món phở của nhà văn Nguyễn Tuân. Người sành ăn thường nhắc tới những cái tên để lại dấu ấn như: Phở Tư lùn, Phở Thìn, Phở Thịnh… Gần đây, Hà Nội xuất hiện một biến tấu của phở, đó là: Phở cuốn. Món ăn này thu hút sự chú chú ý của thực khách bởi mang hương vị vừa lạ, vừa quen.

Có một điều khá thú vị, một số con phố ở Hà Nội được gắn liền với món phở như: phở Bát Đàn, phở Lý Quốc Sư, phở Nam Ngư, phở Hàng Bột… Gần đây, khá nhiều thực khách đưa nhau thêm một địa chỉ, đó là đến Ngũ Xã ăn phở cuốn. Từ giữa phố Quan Thánh rẽ vào phố Châu Long, qua phố Trúc Bạch hoặc có thể men theo phố Phó Đức Chính từ đầu dốc đường Thanh Niên, đi khoảng 600m rồi rẽ phải là đến phố Ngũ Xã. Nơi đây vốn nổi tiếng là một làng nghề chuyên đúc đồng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn lác đác một số ít nhà còn theo nghề truyền thống. Món phở cuốn tại Ngũ Xã có hương vị đặc trưng riêng, không giống như các loại phở khác. Cũng rất tự nhiên, thực khách tự đặt tên cho món ăn là phở cuốn Ngũ Xã.
Phở cuốn Ngũ Xã
Ảnh minh họa

Đến Ngũ Xã, ấn tượng đầu tiên với tôi nơi đây không còn là một làng nghề đúc đồng nữa, mà thay vào đó là hàng loạt các cửa hàng ăn nối nhau san sát, tạo cho ta một cảm giác như đang bước vào một khu phố ẩm thực. Thêm nữa, trên mỗi biển hiệu của từng cửa hàng đều xuất hiện cái tên “phở cuốn”, khiến cho thực khách khó có thể lẫn lộn về nét đặc trưng của khu phố này. Có lẽ vì vậy mà ai đó đã “tiện mồm” đặt cho nó một cái tên “Phố phở cuốn”. Các cửa hàng thường bán từ sáng đến khuya, song đông nhất vẫn là quãng chiều tối. Như đã thành thông lệ, khi đường phố lên đèn, phố Ngũ Xã lại tấp nập người đến thưởng thức phở cuốn.

Vẫn là các nguyên liệu quen thuộc của món phở nhưng đã được người bán hàng biến tấu trở thành phở cuốn. Bánh phở không thái sợi mà được tráng mỏng, khổ vuông. Thịt thăn bò thái mỏng, tẩm ướp gia vị. Khi có khách gọi, người bán bắc chảo lên bếp, đổ dầu ăn, đảo nhanh tay trên lửa lớn khiến miếng thịt kêu “xèo xèo” thơm lừng trong gió. Từng chiếc “lá phở” được người bán tỉ mẩn bóc ra, xếp rau sống xuống dưới, trải thịt bò lên trên rồi nhẹ nhàng cuốn lại thành từng chiếc phở cuốn đều tăm tắp. Việc cuốn phở khá quan trọng, chỉ cần mạnh tay và cuốn không khéo, bánh phở sẽ bị rách. Cùng với phở cuốn, nhiều nhà hàng còn có món phở rán. Với món này, bánh phở được cắt nhỏ và rán phồng lên ăn kèm với thịt bò xào hành tây, giá, rau sống.

Chỉ một loáng, những chiếc phở cuốn đã được đưa ra bàn phục vụ thực khách cùng bát nước chấm loáng thoáng những bông hoa nhỏ xinh từ món dầm trông thật đẹp mắt. Nước chấm món phở cuốn khá quan trọng. Vị chua cay mặn ngọt thanh nhẹ của nước chấm khiến món ăn thêm tròn vị.

Khẽ nâng chiếc phở cuốn nõn nà, chấm vào nước mắm, đưa vào miệng. Ta sẽ cảm nhận một cảm giác vừa quen, vừa lạ. Ừ nhỉ, vẫn là bánh phở, vẫn là thịt bò sao thanh mát đến vậy. Bánh phở mềm mịn quyện cùng thịt bò thăn nõn dậy vị hạt tiêu, hành tỏi, giá xào mềm cuộn cùng rau sống mát dịu… Tất cả đẩy vị giác của ta lên cao. Tôi tin, sau khi thưởng thức, bất cứ thực khách nào cũng phải công nhận, phở cuốn Ngũ Xã quả là khúc biến tấu tuyệt vời của món phở Hà thành.

Tường Vy