Phòng, chống dịch từ những đám cưới văn minh

Từ xưa tới nay, việc cưới xin luôn là vấn đề quan trọng đối với mỗi người, ai cũng mong có cho mình một lễ cưới thật đầy đủ, chu đáo. Thế nhưng, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, từ đầu năm tới nay, nhiều gia đình tại Hà Nội đã quyết định tổ chức lễ cưới theo hướng văn minh, đơn giản, thậm chí lùi cưới, cưới online. Qua đó, góp phần không nhỏ vào cuộc chiến chống “giặc” Covid-19, lan tỏa nếp sống văn minh, lành mạnh.

Liên tục từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 lây lan rộng khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng không nhỏ. Để chung tay phòng, chống dịch, nhiều cặp đôi tại Hà Nội đã rút gọn các nghi thức cưới hỏi, chỉ đón nhau về với một mâm cơm thắp hương tổ tiên, không tổ chức tiệc cưới hoặc tổ chức gói gọn trong nội bộ gia đình.

Đơn cử như đám cưới của cặp đôi Vũ Thị Mai (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm). Được biết, mặc dù đã lên kế hoạch rất kỹ lưỡng cho đám cưới của mình nhưng chị Mai vẫn phải ngậm ngùi bàn bạc với chồng tương lai và gia đình hai bên để rút gọn đám cưới một cách tối đa nhất.

Theo đó, các nghi thức cưới hỏi được gói gọn trong một buổi sáng. Tiệc mừng chỉ có 5 mâm cỗ cùng thành phần dự là anh em trong gia tộc. Không tránh khỏi sự tiếc nuối nhưng vì dịch bệnh chưa có chiều hướng dừng lại, hơn nữa Thành phố không cho tụ tập đông người nên mọi người đều ủng hộ quyết định của đôi trẻ.

Chị Mai cho biết: “Tôi và chồng đã từng nghĩ sẽ tổ chức một đám cưới thật đầy đủ với đông đảo khách mời, đặc biệt là họ hàng và bạn bè của hai đứa. Song, do địa phương tích cực vận động thực hiện nếp sống văn minh lồng ghép phòng, chống dịch Covid-19 và bản thân gia đình cũng không muốn “ngày vui trở thành ngày lo”, nên hai họ nhất trí tổ chức cưới lấy ngày trước và sẽ báo hỷ, mời quan khách trong một dịp nào đó, khi mà dịch bệnh đã thực sự lắng xuống”.

Phòng, chống dịch từ những đám cưới văn minh
Cặp đôi Phương Mai, Thái Linh (Cầu Diễn, Nam Từ Liêm), tổ chức đám cưới gọn nhẹ trong nội bộ gia đình.

Không chỉ tổ chức đám cưới với quy mô dưới 30 người, nhiều đôi bạn trẻ còn chủ động tổ chức lễ cưới online. Bạn Nguyễn Thị Bích Phương (23 tuổi, quê Vĩnh Phúc) hiện sống tại Tây Hồ (Hà Nội) chia sẻ, cô và chồng yêu nhau đã hơn 5 năm, ngày cưới cũng được hai bên gia đình ấn định từ lâu nên trong thời điểm dịch bệnh phức tạp cặp đôi vẫn quyết định tổ chức đám cưới đúng ngày bằng hình thức trực tuyến. Lễ cưới diễn ra vô cùng đơn giản, cô dâu không váy cưới, không trang điểm lộng lẫy, được em gái và một vài người bạn thân thiết “đưa” về nhà chồng (từ phòng khách tầng một lên tầng 2).

Tại đây, cặp đôi đã sắp xếp đầy đủ máy móc, kết nối qua Zoom và trình chiếu lên tivi để 2 bên gia đình ở điểm cầu Vĩnh Phúc, Ninh Bình có thể nhìn thấy rõ. Theo Phương, hiện tại dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc cưới online hay gói gọi trong nội bộ gia đình là việc nên làm, vừa thể hiện được sự văn minh trong cưới xin mùa dịch, vừa góp phần chung tay phòng, chống dịch. Như vậy, lễ cưới sẽ trở nên ý nghĩa hơn dù rằng ai cũng mong muốn ngày cưới của mình sẽ được tổ chức thật trọng thể.

Cùng với các gia đình, đến nay, nhiều cửa hàng tiệc cưới cũng chủ động trong việc nhận tổ chức tiệc với quy mô nhỏ, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Thậm chí, một số trung tâm tổ chức tiệc cưới tại quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân… đều đồng loạt không nhận tổ chức tiệc cưới trong bối cảnh Hà Nội vẫn liên tiếp ghi nhận những ca mắc Covid-19 mới. Chị Nguyễn Thu Hằng, chủ Nhà hàng Thu Hằng, đường Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm) cho hay, đang trong mùa cưới nhưng cơ sở luôn chấp hành thông báo của chính quyền địa phương, chỉ nhận tổ chức tiệc cưới dưới 30 người. Nếu vượt quá quy định sẽ không tiếp nhận.

Hành động đẹp, chung tay phòng, chống dịch

Hiện nay, phong trào cưới văn minh lồng ghép phòng, chống dịch bệnh đã và đang được nhiều địa phương trên địa bàn Thủ đô tích cực hưởng ứng với những cách làm sáng tạo, đi kèm sự động viên, khích lệ kịp thời của chính quyền địa phương.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) phường Láng Thượng Nguyễn Xuân Đông cho biết, thực hiện Kế hoạch số 243/KH-UBND của UBND Thành phố về việc thực hiện Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, từ đầu tháng tới nay, UBND phường Láng Thượng thường xuyên tuyên truyền đến từng hộ gia đình về các quy định trong việc cưới xin, đồng thời khuyến khích các cặp đôi chỉ nên đăng ký kết hôn chứ không nên tổ chức lễ cưới trong mùa dịch. Phường cũng nêu rõ, nếu gia đình nào vi phạm quy định phường sẽ tiến hành xử lý nghiêm. Nhờ biện pháp vừa tuyên truyền, vừa răn đe, đến nay, người dân trên địa bàn phường đều chấp hành tốt các quy định.

“Tại phường Láng Thượng có địa điểm Nhà sinh hoạt công đồng tại ngõ 159 ngõ Pháo đài Láng là nơi thường xuyên diễn ra đám cưới của các cặp đôi. Nắm rõ được đặc điểm đó, UBND phường đã ra quyết định cấm tổ chức tiệc cưới tại đây và yêu cầu cấp Ủy chi bộ, Ban Công tác mặt trận, Tổ trưởng tổ dân phố phải tuyên truyền, quán triệt tới người dân. Bên cạnh đó, UBND phường cũng yêu cầu các nhà hàng trên địa bàn ký cam kết không nhận tổ chức tiệc cưới quá 30 người, nếu cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt”, ông Đông nhấn mạnh.

Phòng, chống dịch từ những đám cưới văn minh
Một số cặp đôi lựa chọn tổ chức đám cưới online trong mùa dịch.

Tương tự phường Láng Thượng, tại quận Bắc Từ Liêm, việc cưới xin văn minh trong mùa dịch cũng được thực hiện nghiêm túc. Bà Phan Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin quận Bắc Từ Liêm thông tin thời gian qua đã có hàng chục đám cưới trên địa bàn quận được tổ chức theo nhiều cách thức khác nhau, nhưng rất gọn nhẹ, đơn giản mà vẫn ấm cúng, trang trọng. Cách làm này là sự hưởng ứng kịp thời của người dân trong thời điểm Chính phủ, thành phố yêu cầu không tổ chức các sự kiện tập trung đông người, qua đó thể hiện trách nhiệm chung tay vì sức khỏe cộng đồng.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long cho hay, những ngày qua, UBND quận đã có văn bản gửi tới các phường yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về tổ chức cưới hỏi. Trong đó, các phường phải vận động người dân hoãn đám cưới, hoặc tổ chức quy mô nhỏ gọn, văn minh. Tại lễ đón dâu, các gia đình phải bảo đảm tuân thủ “5K”. Đặc biệt, mỗi đám cưới diễn ra đều bắt buộc phải ký cam kết thực hiện quy định phòng, chống dịch và chịu sự giám sát của chính quyền địa phương.

Có thể thấy, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc các địa phương đẩy mạnh vận động, tuyên truyền để các hộ gia đình tổ chức lễ cưới, vừa bảo đảm trang trọng, ấm cúng, vừa hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm là việc làm cần thiết cho sức khỏe cộng đồng. Điều đáng mừng là phong trào này đã được nhiều hộ gia đình tích cực hưởng ứng, cộng đồng hoan nghênh. Mong rằng, phong trào tiếp tục được nhân rộng, qua đó góp phần bảo vệ sức khỏe cho mỗi gia đình, cộng đồng và đẩy lùi dịch bệnh; đồng thời tạo nếp sống văn minh trong việc cưới.

Mới đây, ngày 9/11/2021, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 157/HD-SVHTT hướng dẫn thực hiện Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, đối với các hoạt động văn hóa tập trung trên 30 người, khuyến khích tổ chức theo hình thức trực tuyến. Trường hợp tổ chức trực tiếp phải xây dựng kế hoạch bảo đảm phòng, chống dịch theo quy định; 100% người tham dự đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 (trong vòng 6 tháng); có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ…

Về lễ cưới, cần rút ngắn thời gian tổ chức và không tập trung quá 30 người trong cùng một thời điểm; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phòng, chống dịch theo quy định; 100% người tham dự đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 (trong vòng 6 tháng); người thuộc diện cách ly hoặc có triệu chứng nghi mắc Covid-19 không được tham dự. Tương tự, với việc tang, ngoài những quy định trên, còn cần không tổ chức ăn uống tại lễ tang, hạn chế đoàn viếng ở mức tối đa 5 người/đoàn…

Lê Thắm / laodongthudo.vn