Phù Đổng – xã nông thôn mới kiểu mẫu

Từ xưa, xã Phù Đổng đã được biết đến là quê hương của Thánh Gióng, nơi có đền Phù Đổng và Lễ hội Gióng vô cùng độc đáo. Ngày nay, Phù Đổng (huyện Gia Lâm) còn là vùng trồng hoa giấy lớn nhất Thủ đô, nghề nuôi bò sữa và thương hiệu sữa Phù Đổng, giúp đời sống nhân dân đổi thay từng ngày. Năm 2022, Phù Đổng đã hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trong lĩnh vực văn hóa và du lịch…

Đền Phù Đổng còn gọi là Đền Thượng – ngôi đền chính thờ Đức Thánh Gióng.

Từ vùng đất của những di sản…

Theo giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh, nơi đây là vùng đất cổ thuộc hành lang “tam cổ” (Cổ Loa, Cổ Pháp, Cổ Bi), nổi tiếng với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời gắn liền với huyền thoại về Thánh Gióng – một trong 4 vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam còn in đậm trong tâm thức người dân Việt về một cậu bé lên 3 tuổi đánh tan giặc Ân xâm lược, bảo vệ đất nước.

Ngày nay trên địa bàn xã có Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt – Đền Phù Đổng, nơi thờ người Anh hùng làng Gióng “Phù Đổng Thiên Vương” và Lễ hội Gióng Phù Đổng (ngày 9 tháng Tư âm lịch) là di sản phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO vinh danh.

Đền Phù Đổng còn gọi là Đền Thượng – ngôi đền chính thờ Đức Thánh Gióng. Theo truyền thuyết, đền có từ thời Hùng Vương, được dựng trên nền nhà cũ của mẹ Gióng, quay hướng Nam, trông ra đê sông Đuống, bố cục theo hình chữ “công”, quy mô rộng rãi. Đến cuối thế kỷ XI, Vua Lý Thái Tổ cho tu bổ thêm và ra lệnh tổ chức Hội Gióng.

Đền Phù Đổng trông ra đê sông Đuống và được bố cục theo hình chữ “công”, quy mô rộng rãi.
Các di tích qua thời gian được gìn giữ và trùng tu thường xuyên.

Nằm gần đền Phù Đổng (Đền Thượng) còn có đền Hạ (Đền Mẫu) là nơi thờ mẹ Thánh Gióng. Đền quay hướng Tây, toạ lạc ở vị trí ngoài đê sông Đuống; miếu Ban nằm cách Đền Thượng khoảng 200 mét phía trong đê sông Đuống, tương truyền là nơi Thánh Gióng ra đời… Các di tích qua thời gian được gìn giữ và trùng tu thường xuyên nên chứa nhiều giá trị lịch sử, mỹ thuật và điêu khắc trong nhiều giai đoạn lịch sử từ thời Lý, thời Lê Trung Hưng, thời nhà Nguyễn.

Hội Gióng Đền Phù Đổng đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Đây là niềm tự hào của dân tộc khi lễ hội này vượt hơn 7 nghìn lễ hội dân gian của Việt Nam để UNESCO chọn làm Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong tâm thức người Việt, Thánh Gióng là một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, trở thành biểu tượng mang tính đa diện, thể hiện phẩm chất Anh hùng chống giặc ngoại xâm, cầu sự yên bình, no ấm cho người dân.

Hội Gióng ở Đền Phù Đổng được ví như một kịch trường dân gian rộng lớn với hàng trăm vai diễn tiến hành theo kịch bản đã được chuẩn hóa. Trong đó, mỗi vai diễn đều chứa đựng những ý tưởng rất sâu sắc như: “Ông Hiệu” là các tướng lĩnh của Thánh Gióng; “Phù Giá” là đội quân chính quy của Thánh Gióng; các “Cô Tướng” tượng trưng cho 28 đạo quân xâm lược của nhà Ân; “Ông Hổ” là đội quân tổng hợp; “Làng áo đỏ” là đội quân trinh sát nhỏ tuổi; “Làng áo đen” là đội dân binh… được bảo tồn, lưu truyền khá liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ. Lễ hội còn có vai trò liên kết cộng đồng và chứa đựng nhiều ý tưởng sáng tạo, thể hiện khát vọng đất nước được thái bình, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ông Bùi Đắc Ngôn – Phó Giám đốc Hợp tác xã Du lịch Hội Gióng Phù Đổng cho biết: “Hợp tác xã mới thành lập đầu năm 2022. Chúng tôi đã tập hợp được 100 xã viên tham gia khôi phục các điệu hát, múa truyền thống trong Lễ hội Phù Đổng. Các tiết mục diễn xướng đặc sắc, độc nhất vô nhị ở Phù Đổng được chúng tôi ghi hình, đưa lên mạng internet, vừa để cho các thế hệ trong làng lưu giữ, học tập vừa để quảng bá tới du khách trên địa bàn Thủ đô, sau đó toàn quốc và toàn thế giới biết đến”.

Các hộ dân ở Phù Đồng trồng hoa giấy vừa cho hiệu quả kinh tế cao vừa đẹp làng quê.
Các cây hoa giấy được tạo thế độc, lạ luôn có giá trị cao.

…đến xã nông thôn mới kiểu mẫu

Phù Đổng hôm nay đã và đang chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế – xã hội, người dân đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

Nhắc đến Phù Đổng là nhớ đến nghề chăn nuôi bò sữa và vùng trồng hoa giấy nổi tiếng của Hà Nội. Theo Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh, nghề chăn nuôi bò sữa manh nha ở Phù Đồng từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Dần dần, chăn nuôi bò sữa đã có bước phát triển cả quy mô và hiệu quả, đưa Phù Đổng trở thành một trong những nơi thu mua sữa lớn tại khu vực phía Bắc. Có thời kỳ, cả xã có khoảng 2.000 con bò sữa, sản lượng đạt 14-15 tấn sữa/ngày. Chăn nuôi bò sữa góp phần nâng cao đời sống người dân Phù Đổng từng ngày. Tuy vậy, quá trình đô thị hóa, việc chăn nuôi trong khu dân cư không phù hợp, người Phù Đổng đã giảm dần đàn bò, đẩy mạnh chuyển sang trồng hoa giấy. Hiện, cả xã còn khoảng 200 hộ nuôi bò sữa với tổng đàn 1.100 con.

Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Nguyễn Văn Tài cho biết, cả xã hiện có hơn 500 hộ trồng hoa giấy, tập trung chủ yếu ở thôn Phù Đổng 1 và Phù Đổng 2. Diện tích trồng hoa giấy mở rộng cả trong đồng và ngoài bãi thay thế dần cây lúa và hoa màu. Trung bình ở Phù Đổng, mỗi hộ gia đình có từ 1.000m đến 2ha trồng hoa giấy, lợi nhuận 300-500 triệu đồng/năm. Với những hộ trồng quy mô 1-2ha, tập trung vào cây thế có thể thu 1-2 tỷ đồng/năm.

Hoa giấy được trang trí ở trụ sở xã Phù Đổng để quảng bá hình ảnh địa phương.

Trong khu vườn ngút ngàn hoa giấy rực rỡ, ông Nguyễn Hồng Chương, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phù Đổng 1, xã Phù Đổng cho biết, thôn Phù Đổng 1 có 600 hộ dân thì có 200 hộ làm hoa giấy. Hoa giấy như cái duyên với người Phù Đổng. Hoa hợp thổ nhưỡng nên bông đạt độ căng và rực rỡ nhất. Những cây càng có thế độc, lạ, giá thành sản phẩm càng cao, có cây lên đến hàng trăm triệu đồng…

Từ những lợi thế riêng, năm 2022, xã Phù Đổng đã chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên 2 lĩnh vực là du lịch và văn hóa. Theo Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng Phùng Xuân Việt, xã đã có điểm du lịch được UBND thành phố Hà Nội công nhận năm 2021; có Cụm di tích Đền Phù Đổng và Lễ hội Phù Đổng được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” cùng hàng chục hộ gia đình, doanh nghiệp xây dựng vườn trại kết hợp du lịch trải nghiệm. “Xã Phù Đổng định hướng xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động để mỗi người dân Phù Đổng thân thiện, mến khách để thu hút khách tham quan”, ông Việt cho biết thêm. Mới đây, xã đã được Đoàn thẩm định của thành phố đánh giá đủ điều kiện để thành phố xét, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022.

Nguyễn Mai

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/ngoai-thanh/828323/phu-dong—xa-nong-thon-moi-kieu-mau