Quận Thanh Xuân: Chú trọng nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân

Công tác phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh của quận Thanh Xuân được duy trì tốt; nổi bật là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia.

Nhiều năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp quận Thanh Xuân luôn quan tâm đến công tác xây dựng và phát triển văn hóa, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống của đại bộ phận nhân dân trong cộng đồng dân cư.

Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân đã ban hành nhiều văn bản quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch của Thành ủy Hà Nội về xây dựng, phát triển văn hóa, tạo cơ sở pháp lý cụ thể để các ngành, các cấp trên địa bàn quận triển khai thực hiện.

Trong đó, công tác phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh của quận Thanh Xuân được duy trì tốt; nổi bật là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia.

Tỷ lệ đăng ký Gia đình văn hóa, Tổ dân phố văn hóa đạt cao; mô hình Tổ dân phố văn hóa “5 không” đạt kết quả tốt; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực.

Bên cạnh đó, công tác quản lý di tích, tổ chức và quản lý lễ hội được thực hiện theo quy định, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, Lễ hội truyền thống làng Mọc, phường Nhân Chính được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2021 (ngày 16/4/2022 tổ chức lễ đón nhận Quyết định).

Quận Thanh Xuân: Chú trọng nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân
Hội sách với chủ đề “Sách: Nhận thức – Đổi mới – Sáng tạo” được quận Thanh Xuân tổ chức mới đây thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Hệ thống các thiết chế văn hóa từ quận đến cơ sở được đầu tư, bước đầu phát huy hiệu quả. Phong trào văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được quan tâm, đạt kết quả tốt, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, tham gia sáng tạo và hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong quận.

Đáng quan tâm, quận Thanh Xuân không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm hàng năm; ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố và tăng cường; dân chủ ở cơ sở được phát huy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các phong trào thi đua xóa đói giảm nghèo, nhân đạo từ thiện ngày càng phát triển, trong đó đã xây dựng được 564 nhà tình nghĩa, nhà tình thương,…

Tuy nhiên, trước sự gia tăng nhanh chóng của dân số trong quá trình phát triển nên cơ sở vật chất kỹ thuật của quận còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, do đó việc đầu tư kinh phí cho lĩnh vực văn hóa còn nhiều hạn chế. Một số hoạt động trên lĩnh vực văn hóa thông tin đối với cơ sở chưa được đầu tư thỏa đáng, kể cả về phương diện vật chất và con người.

Một số hoạt động chỉ mang tính phong trào, thiếu bền vững. Việc xây dựng các mô hình hoạt động văn hóa tại cơ sở vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý và chưa có sức thu hút cao đối với quần chúng nhân dân. Mặt khác, do chưa có chế độ chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với những người tham gia hoạt động trên lĩnh vực văn hóa ở cơ sở nên chưa khai thác hết lợi thế, tiềm năng văn hóa trong cộng đồng dân cư.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô và đất nước, quận Thanh Xuân xác định phải có những giải pháp toàn diện, đồng bộ và khả thi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xây dựng, bồi dưỡng nguồn lực văn hóa và phát huy nguồn lực văn hóa.

Cụ thể như tiếp tục củng cố và hoàn thiện xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh phong phú và đa dạng, đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng “Tổ dân phố văn hóa 5 không”, xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.

Đồng thời, tăng cường xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình, khu dân cư, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp một cách thực chất, làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào đời sống. Đẩy mạnh việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống có văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong các quan hệ xã hội.

Tăng cường hiệu quả hoạt động các hệ thống thiết chế văn hóa ở các cấp, đồng thời có kế hoạch cải tạo nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các công trình văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao hiện đại. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, chú trọng nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý của các cấp chính quyền trong kiểm tra, giám sát công tác quản lý quy hoạch, xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện, quản lý toàn diện các mặt hoạt động. Thực hiện tốt hơn nhiệm vụ giám sát các công trình xây dựng cơ bản, các di tích lịch sử, văn hóa…

Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án trên lĩnh vực văn hóa. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành trên lĩnh vực văn hóa; chú trọng phát hiện và bồi dưỡng tài năng văn hóa, nghệ thuật…

Phương Thảo