Tại Đại Thành, từ năm 2017 đến nay, xã đã huy động được gần 100 tỷ đồng cho xây dựng thôn mới nâng cao. Trong đó, vốn ngân sách là 73 tỷ đồng và gần 27 tỷ đồng là vốn ngoài ngân sách. Kết quả đạt được minh chứng sự tham gia vào cuộc rất lớn của người dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng hưởng lợi của chương trình.
Khẳng định sức dân tham gia vào xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Văn Ngọ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đại Thành dẫn chứng: Người dân tham gia đóng góp nhiều nhất là làm giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm… “Vừa qua, địa phương đã phát phiếu đến các hộ dân lấy ý kiến về kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, người dân hài lòng rất cao. Nhiều câu hỏi, tỷ lệ hài lòng đạt 100%”, ông Ngọ báo cáo.
Tân Hòa là xã có rất nhiều nghề như miến dong, dệt len, bún, đậu phụ… Đặc biệt, xã có 60 lò miến, mỗi ngày đưa ra thị trường khoảng 100 tấn miến khô, tạo việc làm cho 900 lao động địa phương. Xã cũng có khoảng 1.000 lao động xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… mang lại nguồn thu nhập rất cao cho các gia đình. Năm 2022, thu nhập bình quân ở xã Tân Hòa đạt 69 triệu đồng/người/năm.
Kiểm tra thực tế và đối chiếu hồ sơ, ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng Chuyên trách, Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội đánh giá cao sự vào cuộc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 xã Đại Thành và Tân Hòa trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ông Ngôn đề nghị các xã tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí để người dân được hưởng lợi hơn nữa từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, Trưởng đoàn thẩm định của thành phố đã thống nhất 2 xã đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định thành phố xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Nguyễn Mai