Báo cáo Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đang được hoàn thiện những bước cuối để trình các cấp thẩm định và phê duyệt, PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, bản chất của quy hoạch là bàn về tương lai, khát vọng phát triển của một quốc gia, vùng, địa phương bằng định vị không gian.
Hà Nội đang làm đồng thời 3 việc quan trọng có mối liên hệ trực tiếp với nhau là: Lập Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Việc tiến hành cả 3 công việc này cùng một lúc là cơ hội quý giá để xây dựng, phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới.
GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại diện Liên danh tư vấn Quy hoạch Thủ đô cho rằng, để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn và vị trí địa chiến lược của Thủ đô cho sự phát triển toàn diện, bền vững của địa phương, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không chỉ có ý nghĩ làm căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng đối với quản lý nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển Thủ đô, mà là kim chỉ nam để phát triển Hà Nội thành trung tâm động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, cực tăng trưởng của Vùng động lực phía Bắc (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh), tạo ra sự lan tỏa trong phát triển vùng, liên vùng và cả nước.
Hà Nội đồng thời tiến hành 3 việc quan trọng Lập Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ hội quý giá để xây dựng, phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới. |
Trình bày một số nội dung chủ yếu về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, GS.TS Hoàng Văn Cường đã nhận diện 5 “điểm nghẽn” trong phát triển Thủ đô hiện nay.
GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh đó là Hà Nội chưa có một thể chế thực sự vượt trội để phát huy hết tiềm năng cho phát triển. Hà Nội chưa có hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông công cộng quy mô lớn. Môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Quy hoạch đô thị còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế. Bộ máy cán bộ chưa năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm nên chưa thực sự tạo ra nhiều đột phá. Đây là những “điểm nghẽn” cơ bản mà Hà Nội cần giải quyết.
PGS. TS Nguyễn Đức Kiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia cho rằng, công tác quy hoạch, phát triển Thủ đô thời gian tới cần tập trung giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế, đô thị hóa nhanh chóng với bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa và nâng cao năng lực ứng phó với những rủi ro của đô thị.
Với diện tích gần 3,4 nghìn km2 và dân số gần 9 triệu người, Hà Nội là thành phố trực thuộc Trung ương đông dân thứ hai cả nước. Dù có mật độ dân số cao nhưng dân số phân bổ không đồng đều, tập trung vào phần lõi của đô thị trong khi ở các vùng ngoại vi, mật độ dân số thưa thớt hơn đi kèm với các hoạt động kinh tế – xã hội kém hơn. Gần đây, những vấn đề về thiếu hụt trường học, bệnh viện, công viên hay ngập khi mưa, ùn ứ rác thải khiến cho cuộc sống của người dân cũng như hình ảnh của một đô thị văn minh hiện đại bị ảnh hưởng.
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng phải quy hoạch đô thị theo không gian 4 chiều (rộng, dài, cao, sâu), có quá khứ, hiện tại và tương lai. |
“Do vậy, phát triển đô thị của Hà Nội thời gian tới nên lựa chọn phương án phát triển theo chiều sâu. Đô thị có thể được phân thành nhiều loại, tồn tại song hành hoặc phát triển tiếp nối nhau như đô thị tích hợp, đô thị sinh thái và đô thị nén”, PGS. TS Nguyễn Đức Kiên gợi mở.
Quy hoạch đô thị theo không gian 4 chiều
Về định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, GS.TS Hoàng Văn Cường nêu 5 quan điểm chung phát triển Thủ đô. Trong đó, quan điểm hàng đầu là phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo, bao trùm, trở thành cực tăng trưởng có vai trò lan tỏa và dẫn dắt, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng động lực phía Bắc và cả nước; tạo dựng được hình ảnh, vị thế phồn vinh, thịnh vượng của quốc gia trên trường quốc tế; làm hình mẫu lan tỏa cho phát triển của vùng, đi trước cả nước những chỉ tiêu về nước công nghiệp và phát triển.
Trong số đó, phương án tổ chức không gian kinh tế – xã hội trên địa bàn Thủ đô Hà Nội theo mô hình “5 hành lang và vành đai kinh tế liên tỉnh – 5 không gian phát triển – 5 vùng kinh tế xã hội – 5 trục động lực – 5 không gian đô thị.”
GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, Quy hoạch Thủ đô là một quy hoạch dài hạn và trong quy hoạch lần này yếu tố hạ tầng cần đi trước. Do đó vấn đề phát triển hạ tầng theo mô hình TOD (Transit Oriented Development) – mô hình theo sự dẫn dắt của giao thông phải là khâu đột phá quan trọng thay đổi diện mạo, không gian phát triển Thủ đô.
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định, việc quy hoạch Thủ đô thời gian qua đã có bước tiến vượt bậc song vẫn còn một số số hạn chế như hướng phát triển không rõ ràng theo trục nào, trong 5 trục thì trục nào là trục chính? Bên cạnh đó, tư duy quy hoạch không theo kịp phát triển.
Không gian ngầm đô thị cần được chú trọng. |
Vì vậy, phải quy hoạch đô thị theo không gian 4 chiều (rộng, dài, cao, sâu), có quá khứ, hiện tại và tương lai; đồng thời quy hoạch hệ thống ngầm, không gian ngầm. Riêng về giao thông, phải hướng tới ưu tiên giao thông công cộng và xử lý hợp lý giao thông cá nhân; đồng thời cần phát triển giao thông đường thủy.
Về phát triển không gian ngầm, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ ở Pháp, trên có thủ đô Paris, dưới có không gian ngầm. “Vấn đề nữa là xây dựng không gian ngầm, nếu không có không gian ngầm thì đừng nói đến phát triển. Đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến quy hoạch hệ thống ngầm, không gian ngầm và thậm chí đô thị ngầm”, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề xuất nên thay đổi rõ quan điểm, phải xây dựng Hà Nội thành thủ đô, đô thị có sức cạnh tranh của Việt Nam, bởi hiện nay cạnh tranh của quốc gia xét cho cùng là cạnh tranh của các đô thị lớn. Ngoài ra, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải phát triển được màu xanh của Hà Nội, bởi hiện nay có quá ít công viên, cây xanh và một khó khăn nhất là xử lý nước thải, vấn đề này cũng cần kinh phí lớn.
Từ những thực tế trên, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải khẩn trương xây dựng quy hoạch Hà Nội và phải sửa Luật thủ đô. Lần này phải cụ thể hóa, quy định chi tiết để tạo điều kiện xây dựng được thủ đô đáng sống, hạnh phúc, văn minh, hiện đại và là trung tâm phát triển của vùng, đất nước, khu vực và châu lục.
Đồng tình với quan điểm về phát triển không gian ngầm, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần “soi” lại hiện trạng không gian ngầm hiện nay. Từ đó xác định công tác quy hoạch cần làm gì khi không gian ngầm chưa phát huy được tiềm năng tương xứng. Trong bối cảnh đó, Quy hoạch Thủ đô là cơ hội, vấn đề sát sườn và có ý nghĩa rất lớn quyết định chân dung tương lai của Hà Nội. Hà Nội có vai trò dẫn dắt các địa phương thì phải sớm định hình được quy hoạch này.
Nhấn mạnh thời gian không còn nhiền, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng Hà Nội cần tăng tốc hoàn thiện các nội dung còn mờ nhạt trong báo cáo Quy hoạch. Đồng thời quán triệt quan điểm Hà Nội phải sánh vai với các Thủ đô trên thế giới. Để đáp ứng yêu cầu này, phải có tổng kết, đánh giá rất kỹ về thực trạng, để từ đó có những nhận diện đúng, xác định tầm nhìn, mục tiêu cho 20, 30 năm tới. Ngoài ra, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải thực sự tạo ra động lực cho Thủ đô phát triển xứng tầm với thế giới.