Quyết tâm tạo sức bật mới cho ngành Văn hóa Thủ đô

Cho đến nay, lĩnh vực văn hóa của Hà Nội luôn được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Thành phố quan tâm, chăm lo và coi trọng. Đáng mừng hơn, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có nhiều quyết sách mới tạo sức bật cho ngành Văn hóa phát triển.

Phát triển các không gian sáng tạo

Cụ thể, tại Điều 23 của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định bảo tồn di sản, hỗ trợ cho văn hoá, phát triển không gian sáng tạo, trung tâm văn hoá, cơ bản kế thừa các nội dung tại Điều 11 Luật Thủ đô 2012, đồng thời nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW về việc ưu tiên phát triển công nghiệp văn hoá, du lịch của Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hoá; đồng thời, cụ thể hóa các mục tiêu về thành phố sáng tạo.

Quyết tâm tạo sức bật mới cho ngành Văn hóa Thủ đô
Hình ảnh bên trong Tháp nước Hàng Đậu, nơi trở thành không gian sáng tạo mới của Hà Nội.

Theo báo cáo đánh giá tác động, công nghiệp văn hóa Thủ đô đã có bước phát triển nhất định, đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn (chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của Thành phố, theo số liệu năm 2018).

Đặc biệt, với số lượng di tích đứng đầu cả nước gồm 5.922 di tích các loại, trong đó có 5 di sản thế giới, và dẫn đầu cả nước về số lượng nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được Nhà nước phong tặng. Do đó, Thủ đô Hà Nội cần phải có quy định đặc thù, vượt trội về bảo tồn di sản, hỗ trợ cho văn hóa, phát triển không gian sáng tạo, trung tâm văn hóa như đã được quy định tại Điều 23 của Dự thảo.

Hiện nay, các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực văn hoá chưa có những ưu đãi đặc thù, vượt trội để có thể thu hút đầu tư từ nguồn vốn tư nhân, ví dụ như đầu tư hình thành phim trường, khu vui chơi, giải trí quy mô lớn. Do đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có quy định tạo điều kiện để Hà Nội có thể hình thành một hoặc nhiều Trung tâm công nghiệp văn hoá với những điều kiện thuận lợi về tiếp cận đất đai, ưu đãi đầu tư để thu hút nguồn vốn tư nhân.

Những trung tâm công nghiệp văn hoá này không chỉ sẽ tạo cơ hội để người dân được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ, sản phẩm văn hóa chất lượng cao mà còn là những “vườn ươm” về văn hoá, sáng tạo nghệ thuật, gìn giữ văn hoá truyền thống để có những tác động lan toả tới công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hoá của các nước.

Huy động nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa

Thứ hai, hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; thử nghiệm mô hình khu phát triển thương mại, văn hóa quy định tại Điều 38 và Điều 41 Luật Thủ đô (sửa đổi).

Luật đầu tư theo phương thức PPP quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục – đào tạo là không thấp hơn 100 tỷ đồng và không bao gồm lĩnh vực văn hóa, thể thao. Thực tiễn này hạn chế việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân vào trong việc xây dựng nhà hát, sân vận động, nhà thi đấu đa năng, bể bơi tiêu chuẩn thi đấu…

Quyết tâm tạo sức bật mới cho ngành Văn hóa Thủ đô
Huy động nguồn lực để đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa luôn là vấn đề được quan tâm.

Theo báo cáo đánh giá tác động chính sách bổ sung, nguồn vốn ngân sách của Nhà nước dành cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó, Điều 38 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định theo hướng quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với các dự án PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao thực hiện theo pháp luật về PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo.

Bên cạnh việc cho phép PPP trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, Điều 41 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về mô hình “Khu phát triển thương mại, văn hóa” hay còn gọi là “Khu thúc đẩy thương mại văn hóa”. Mô hình này được hình thành ở nhiều thành phố trên thế giới trong hơn 50 năm qua.

Theo mô hình này, các chủ thể kinh doanh (bao gồm doanh nghiệp, người dân/hộ kinh doanh cá thể) hợp tác với nhau hoặc hợp tác thông qua chính quyền sở tại để tạo ra một khu vực đặc biệt về an ninh, vệ sinh và cảnh quan đường phố và thuận tiện cho khách bộ hành và cùng quảng bá, tổ chức các sự kiện để thu hút du khách tới mua sắm, sử dụng dịch vụ…

Mô hình này được thử nghiệm có kiểm soát tại Hà Nội để tạo cơ sở pháp lý để đầu tư, xây dựng, quản lý hiệu quả các khu phố đi bộ, phố “nghề”, phố “hàng”, qua đó gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá đặc trưng của Thủ đô.

Quyết tâm tạo sức bật mới cho ngành Văn hóa Thủ đô
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu. (Ảnh: Việt Anh)

Thứ ba, hợp tác công tư trong khai thác tài sản công lĩnh vực văn hóa, thể thao thể hiện qua Điều 24, 42 trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Dự thảo Luật đã cụ thể hóa phương thức O&M (nhà nước nhượng quyền vận hành các công trình cơ sở hạ tầng và đầu tư, bao gồm việc thu phí và thực hiện bảo trì, cho nhà đầu tư tư nhân) của Luật PPP với công trình, hạ tầng văn hóa, thể thao.

Biện pháp này giúp huy động nguồn lực xã hội tham gia, hợp tác với Nhà nước khai thác, vận hành và bảo trì có hiệu quả, đúng công năng của công trình văn hóa, thể thao; tổ chức nhiều hơn, rộng rãi hơn các hoạt động văn hóa, thể thao.

Qua đây giúp Nhà nước, nhà đầu tư thu được lợi ích kinh tế cao hơn từ việc hợp tác và giúp cho người dân có cơ hội được tiếp cận, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

Các quy định về hợp tác công tư trong khai thác tài sản công lĩnh vực văn hóa, thể thao và các dự án PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao sẽ góp phần tạo nên các sản phẩm, hoạt động văn hóa, sự kiện thể thao đa dạng, phong phú, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Báo cáo đánh giá tác động, công nghiệp văn hóa của Hà Nội cho thấy đóng góp khoảng 5% GRDP của thành phố vào năm 2025, 8% GRDP của thành phố vào năm 2030 và 10% GRDP của thành phố vào năm 2045.

Ngoài ra, theo một số nghiên cứu quốc tế, toàn cầu có 175 triệu lượt khách du lịch vì mục đích thể thao và đem lại thu nhập cho các điểm đến gồm thu nhập về vận tải là 9,7 tỷ USD, 8,4 tỷ USD cho lưu trú, 7,5 tỷ USD cho ăn uống, 5,3 tỷ USD cho các hoạt động phục hồi sức khoẻ, 5 tỷ USD cho các hoạt động mua sắm, 3,7 tỷ USD cho việc đăng ký tham gia các giải đấu. Đây là những ví dụ để khẳng định phát triển công nghiệp văn hóa, thể thao là phương án đúng đắn.

Góp ý vào Điều 23 về Bảo tồn di sản, hỗ trợ cho văn hóa, phát triển không gian sáng tạo, trung tâm văn hóa, theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu, điểm mới của Luật đã thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW về việc ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch của Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa. Đồng thời cụ thể hóa các mục tiêu về thành phố sáng tạo trong dự thảo Luật.

Theo Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Sửu, dự thảo Luật cũng cần có cơ chế chính sách cụ thể để xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô; trong đó cần xác định quy mô, số lượng và nguồn kinh phí cần đầu tư, phát triển bởi không phải công trình trung tâm công nghiệp văn hóa nào cũng đưa vào phát triển.

Thống kê cho thấy, hiện Hà Nội có số lượng di tích đứng đầu cả nước, tuy nhiên cần phân loại rõ các di tích để phát triển, trong đó có di tích lịch sử, di tích tâm linh, danh thắng… và xây dựng lộ trình cho đầu tư, xây dựng và quản lý, khai thác, sử dụng. Ngoài ra, cần làm rõ thuật ngữ trung tâm công nghiệp văn hóa với thuật ngữ khu thúc đẩy văn hóa, đó là quan hệ chính phụ hay đồng đẳng. Cần phân giải mức độ quan hệ nếu không sẽ nhầm lẫn từ hạ tầng đến cách thức quản lý nhà nước.

P.B