Sẵn sàng cho năm học 2023 – 2024 thành công

Năm học 2022 – 2023 đã khép lại với nhiều kết quả toàn diện. Bên thềm khai giảng, cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng về cơ bản đã sẵn sàng tâm thế để bước vào năm học mới 2023 – 2024 với nhiều kỳ vọng thành công.

Những dấu ấn nổi bật

Sau khi đất nước giành được độc lập, vào tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Thư gửi cho các học sinh” nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bức thư tuy chỉ dài hơn 600 từ nhưng đã thể hiện được tình cảm yêu thương vô bờ bến của Bác đối với các “mầm non tương lai” của đất nước, đồng thời thể hiện được tầm nhìn xa trông rộng, trí tuệ cực kỳ sáng suốt của Bác đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Sẵn sàng cho năm học 2023 - 2024 thành công
Với ngành Giáo dục Thủ đô, năm học mới 2023 – 2024 mang theo nhiều niềm tin và kỳ vọng.

Mở đầu bức thư, Bác đã vẽ nên bức tranh hồ hởi, phấn khởi của học sinh trong ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập: “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp, tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy, gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa từ giờ phút này trở đi, các em được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”. Và Bác khẳng định điều may mắn và vinh dự của các em học sinh “là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Qua đó, Bác đã nhắc nhở các em phải biết phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, cố gắng vươn lên trong học tập “để đền bù được công lao của người khác đã không tiếc thân và tiếc của để chiếm lại nền độc lập cho nước nhà”.

Thực hiện lời dạy của Bác, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, ngành Giáo dục Thủ đô luôn phấn đấu, nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong việc dạy và học nên đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Trong năm học 2022 – 2023, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng. Cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới. Mạng lưới các trường mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên tiếp tục được rà soát, bổ sung. Toàn Thành phố có 2.840 trường mầm non, phổ thông với gần 2,2 triệu học sinh và gần 123 nghìn giáo viên.

Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục được đầu tư tốt hơn. Ngành đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố để có nhiều giải pháp ổn định công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, phân tuyến hợp lý, không để xảy ra tình trạng thiếu chỗ học. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao được tập trung thực hiện. Tính đến tháng 6/2023, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố là 72,4%. Đến thời điểm này, toàn Thành phố đã công nhận được 23 trường chất lượng cao, trong đó có 17 trường công lập và 6 trường ngoài công lập; triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5ha trở lên trên địa bàn Thành phố.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đầu cấp và quản lý học sinh được chú trọng đẩy mạnh, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn có chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tăng cường, đảm bảo chất lượng chuyên môn và năng lực sư phạm. Công tác quản lý, kiểm tra đánh giá không ngừng được đổi mới; nề nếp và kỷ cương được duy trì. Xã hội hóa giáo dục có nhiều bước chuyển biến, huy động được các nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục. Các hoạt động, phong trào thi đua được tổ chức sôi nổi, thiết thực, có ý nghĩa.

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Trong bức thư cuối cùng gửi cho ngành Giáo dục vào tháng 10/1968, Bác Hồ có viết: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật. Các cô các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tăng cường bảo đảm sức khỏe và an toàn…”. Đặt trong điều kiện hiện nay, khi xu thế toàn cầu hóa, hội nhập và cạnh tranh gay gắt, các quốc gia ngày càng chú trọng đầu tư, phát triển giáo dục. Để không bị bỏ xa so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, đòi hỏi các học sinh phải ra sức học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt. Theo đó, quá trình học tập ở trường là thời gian cần thiết giúp các em tiếp thu những kiến thức cơ bản mà nhân loại đã tích lũy được qua hàng ngàn năm lịch sử và khi lớn lên, các em sẽ trở thành những công dân có kiến thức, trình độ, đủ năng lực xây dựng đất nước tiến kịp thời đại.

Một năm học mới lại bắt đầu. Suy ngẫm về những điều chỉ dạy quý báu của Bác, chúng ta càng thấm thía hơn quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nền giáo dục chế độ mới; đồng thời cũng thấy rõ hơn những thực trạng bất cập, yếu kém đang tồn tại.

Để khắc phục tình trạng này, năm học 2023 – 2024, ngành Giáo dục Hà Nội sẽ nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại của những năm học trước, đặc biệt trong công tác thi, tuyển sinh đầu năm học; phương án phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông phù hợp, hiệu quả và thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, coi đây là cơ hội, là chỗ dựa và là phương thức thay đổi về giáo dục; hoàn thành công tác biên soạn bộ Tài liệu giáo dục địa phương lớp 4, 8, 11, 12 và triển khai công tác biên soạn bộ Tài liệu giáo dục địa phương lớp 5, 9, 12; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Cùng đó, ngành Giáo dục Hà Nội sẽ thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn; các giải pháp thu hẹp khoảng cách, chất lượng giáo dục giữa các quận nội thành và các huyện; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; xây dựng trường học an toàn, thân thiện, trường học hạnh phúc; chú trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử Thăng Long – Hà Nội đi đôi với đào tạo năng lực nhận thức, tư duy đổi mới, sáng tạo cho người học, xây dựng “thế hệ trẻ sáng tạo”; nâng cao thể lực và tầm vóc học sinh Hà Nội…

“Năm học mới 2023 – 2024, toàn ngành Giáo dục ra sức đổi mới, đổi mới theo chiều sâu. Trong bối cảnh đó, ngành Giáo dục Thủ đô cần nỗ lực hơn nữa nhằm đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Ngành Giáo dục Thủ đô cần ưu tiên thực hiện mọi biện pháp, quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2023 – 2024. Trong đó, quyết liệt hành động, có chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà toàn ngành Giáo dục đã đề ra; tập trung thực hiện hiệu quả việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình và đặc biệt năm nay là năm trọng tâm của quá trình triển khai với khối lượng công việc lớn; quan tâm, chỉ đạo và triển khai cụ thể, sâu rộng văn hóa học đường, sức khỏe học đường, tâm lý học đường, và phòng chống bạo lực học đường; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục…”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh chỉ đạo khi tham dự Hội nghị tổng kết năm học 2022 – 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 – 2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mới đây.

Phạm Thảo
https://laodongthudo.vn/san-sang-cho-nam-hoc-2023-2024-thanh-cong-159848.html