Sáng mãi nét đẹp người Tràng An

(LĐTĐ) Từ những tấm gương sáng của phong trào “Người tốt, việc tốt” đã và đang góp phần tạo nên sức sống và động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Tính nhân văn, lòng nhân ái phải là ngọn lửa sưởi ấm, là ánh sáng trong cuộc đời mỗi con người, mỗi gia đình cũng như toàn xã hội.

Những ngày cuối năm, chúng tôi có cơ hội được trò chuyện với PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội – người vừa được Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công dân ưu tú Thủ đô năm 2022”. Trong mỗi lời nói, ánh mắt, Thủ đô là nơi khơi gợi cho bà nhiều cảm xúc. “Dù cố gắng bao nhiêu cũng không thể đáp lại những gì mà Hà Nội đã cho mình”, bà An nói lên tình cảm chan chứa với Thủ đô Hà Nội.

Sáng mãi nét đẹp người Tràng An
Ảnh: Phạm Yên

Ở tuổi gần 80, bà An đã gắn bó với Hà Nội trong suốt 65 năm. Hà Nội chứng kiến quá trình trưởng thành của bà từ thời niên thiếu, và bà đã chứng kiến Hà Nội đổi thay qua từng thời kỳ, từ giai đoạn lịch sử hào hùng như thanh niên gác bút nghiên lên đường chiến đấu, chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đến đổi mới, hội nhập. “Tôi yêu từng góc phố, hàng cây trên mỗi con đường. Tôi yêu những ngày Tết đến xuân về, cây đào Nhật Tân khoe sắc thắm trong tiết trời se lạnh. Yêu những dãy phố tôi đi bộ trong mỗi buổi sớm tinh sương. Tôi có cố gắng bao nhiêu cũng không thể đáp lại những gì mà Hà Nội đã cho tôi. Vì vậy làm được gì cho Hà Nội tôi sẽ làm”, bà An bùi ngùi nói.

Chính do tình yêu Hà Nội mãnh liệt đã thôi thúc bà An cống hiến trí tuệ và sức lực vào sự phát triển chung của Thủ đô. Mặc dù đã về hưu gần 20 năm, nhưng PGS.TS Bùi Thị An vẫn “xông pha” với nhiều hoạt động khác nhau, từ hoạt động khoa học cho đến việc phản biện những vấn đề “nóng” trong xã hội như: Giáo dục, môi trường, giao thông… Bà từng là đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội (2004-2011) và đại biểu Quốc hội khóa XIII (2011-2016) của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Với vai trò của một đại biểu đại diện cho nhân dân Thủ đô, bà đã có nhiều ý kiến xác đáng trước nghị trường Quốc hội, được nhân dân yêu mến, tin tưởng.

Gắn bó với công tác nghiên cứu khoa học gần 60 năm, đến nay điều thôi thúc bà làm việc chính là sự đam mê khoa học và dù đã nghỉ hưu nhưng bà luôn được mọi người tín nhiệm, giao cho những trọng trách chủ chốt tại các Hội, Liên hội. Với bà, việc cùng mọi người hoạt động nghiên cứu khoa học, cống hiến tri thức cho đời, làm nhiều việc ích lợi cho cộng đồng… khiến bản thân cảm thấy vui hơn, cuộc sống tươi đẹp hơn.

Ở vùng ngoại thành của Hà Nội, bà Nguyễn Thị Mây, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Nông nghiệp Quỳnh Đô (huyện Thanh Trì) cũng là tấm gương góp sức làm giàu cho quê hương. Bà Mây đã có vai trò lớn trong việc vận động nhân dân chuyển đổi từ cấy lúa sang thả cá ở các khu đồng luôn ngập, úng, năng suất lúa và hiệu quả thấp. Đổi mới bộ mặt nông thôn, bà Mây có vai trò lớn trong việc chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý khai thác chợ cầu Gianh, xây dựng an ninh trật tự ở khu vực chợ.

Không dừng lại ở đó, bà Mây còn vận động hơn 100 hộ dân hiến gần 2.000m2 đất để mở rộng đoạn đường liên thôn Quỳnh Đô – Vĩnh Ninh, nhờ đó việc đi lại được thuận tiện, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới của xã Vĩnh Quỳnh. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, bà Nguyễn Thị Mây đã được UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.

“Tôi luôn ý thức sâu sắc niềm vinh dự và trách nhiệm là công dân Thủ đô. Với sức lực của mình, tôi mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho đời, cho quê hương và lan tỏa đến tất cả mọi người”, bà Mây bày tỏ.

“Căn cước văn hóa” trong mỗi người dân

68 năm sau Ngày Giải phóng, Thủ đô Hà Nội hôm nay đã mang một diện mạo, tầm vóc mới. Vị thế và uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng lên từng bước, trở thành “Trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước”. Bà An và bà Mây là số ít cá nhân tiêu biểu trong vườn hoa “Người tốt việc tốt” của thành phố Hà Nội, góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho Thủ đô “cất cánh”.

Trên khắp Thành phố, vẫn còn rất nhiều hành động đẹp, những việc làm tốt thầm lặng của những con người đang ngày đêm cống hiến cho công cuộc bảo vệ, xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước. Từ các nhà khoa học, nhà giáo, kỹ sư, công nhân, nông dân, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên đến văn nghệ sĩ, doanh nhân, người lao động tự do, người nước ngoài… Những con người ấy đã làm cho người khác ấm lòng, cảm thấy niềm tin vào cuộc sống. Chân dung sống động, dung dị, đời thường của họ mang đậm nét văn hóa của người Hà Thành rất đáng trân trọng, tự hào.

Nhờ vậy, trong 30 năm qua, phong trào “Người tốt, việc tốt” của Hà Nội đã thực sự trở thành nếp sống văn hóa, bản sắc riêng của mảnh đất ngàn năm văn hiến, góp phần gìn giữ và vun đắp văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn hiến, văn minh, hiện đại. Phong trào ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, đi sâu vào các mặt đời sống xã hội, từ lĩnh vực kinh tế, lao động sản xuất đến an sinh xã hội. Thành phố đã có gần 30 nghìn cá nhân được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, trên 350 nghìn gương được các ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã, đơn vị thuộc thành phố khen thưởng.

Một trong những nét đặc thù tạo nên dấu ấn riêng trong phong trào “Người tốt, việc tốt” của thành phố Hà Nội là việc xét tặng và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”. Qua 13 năm thực hiện đã có 129 cá nhân tiêu biểu được tôn vinh. Trong đó, nhiều cá nhân đến nay vẫn phát huy thành tích, có ảnh hưởng tích cực ở địa phương, đơn vị và tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.

“Một đô thị, dù có hoa lệ đến mấy, chỉ thực sự đáng sống khi con người biết và muốn sống tử tế. Tính nhân văn, lòng nhân ái phải là ngọn lửa sưởi ấm, là ánh sáng trong cuộc đời mỗi con người, mỗi gia đình cũng như toàn xã hội” – nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi nói.
Phương Ngân
https://laodongthudo.vn/sang-mai-net-dep-nguoi-trang-an-151235.html