Sáng tạo không gian công cộng cho bờ vở sông Hồng

Từ khu đất bỏ hoang ô nhiễm bởi rác thải, nước thải sinh hoạt ven bờ sông Hồng (thường gọi là bờ vở) thuộc địa bàn phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” đã cùng các cấp chính quyền, một số tổ chức xã hội và người dân chung tay cải tạo thành không gian công cộng đa chức năng bao gồm vườn rừng, sân chơi, không gian thư giãn. Mô hình này đã mở ra không chỉ lợi ích về môi trường mà có cả lợi thế cho văn hóa, nghệ thuật, kinh tế Thủ đô.

Không gian công cộng tại bờ vở sông Hồng mang lại nhiều lợi ích cho người dân trên địa bàn phường Chương Dương và người dân Thủ đô nói chung.

Nhiều lợi ích rõ rệt

Nếu như mấy tháng trước, nhiều người qua bãi đất bỏ hoang chứa đầy rác thải, nước thải ven sông Hồng thuộc địa bàn phường Chương Dương đều cố đi qua thật nhanh thì hiện tại, địa điểm này đã trở thành nơi vui chơi, tập thể dục của người dân vào mỗi buổi chiều tối hoặc dịp cuối tuần. Chẳng ai có thể ngờ rằng, hơn 200 tấn rác đã được dọn sạch, nước thải đã được xử lý trước khi đổ ra sông Hồng và thay vào đó là không gian công cộng rộng 1.500m2 với khu vui chơi của trẻ em, vườn rừng, đường kết nối cộng đồng với không gian xanh.

Đó là thành quả sau hơn 2 tháng Mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm khởi xướng và được triển khai bởi 4 tổ chức Think Playgrounds, Keep Hanoi Clean, doanh nghiệp xã hội ECUE và Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR). Dự án cũng đã huy động đông đảo hội viên Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên phường Chương Dương tham gia triển khai.

Anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đồng sáng lập, Phó Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds (Nghĩ về sân chơi trong phố) cho biết: “Vườn rừng cộng đồng có nhiều lợi ích mà chúng ta không ngờ tới. Nó sẽ giúp cho các khu dân cư có thể tăng khả năng chống chọi trước biến đổi khí hậu, mang lại lợi ích cho trái đất, loài sinh vật và phục vụ đời sống con người. Khi có bàn tay chăm sóc của con người, khu vườn rừng không chỉ tạo cảnh quan đẹp mắt mà còn mang lại quả ngọt, rau xanh, thuốc nam cho mọi người. Hơn thế, vườn cây còn góp phần cải tạo nguồn đất bị ô nhiễm, chống sạt lở, đồng thời kết nối con người với thiên nhiên và kết nối mọi người với nhau”.

Bà Nguyễn Thị Thảo, một người dân ở phường Chương Dương cho biết, trước đây, người dân đã đề nghị cải tạo đường bờ vở sông Hồng để ngăn chặn tình trạng đổ rác thải và tạo không gian cho người dân tập thể dục nhưng không thành. Cuối năm 2021, dự án được triển khai và đi vào sử dụng vào đầu năm 2022, mang lại niềm vui cho người dân.

“Có mơ chúng tôi cũng không nghĩ có thể sở hữu không gian công cộng này. Trước đây, muốn tập thể dục và hít thở không khí trong lành thì chúng tôi phải đi bộ ra tận bờ hồ Hoàn Kiếm. Giờ đây, mọi việc dễ dàng hơn rất nhiều. Cuộc sống mới đang dần hiện hữu với màu xanh ngập tràn và chúng tôi hy vọng sẽ giữ mãi được màu xanh ấy…” – bà Thảo bộc bạch.

Để màu xanh còn mãi

Theo anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt thì đây có lẽ là mô hình vườn rừng cộng đồng đầu tiên ở Hà Nội cũng như ở Việt Nam. Thiết kế, thi công vườn rừng cộng đồng khó hơn, tốn nhiều công sức hơn vườn cộng đồng vì nó còn phải đảm bảo yếu tố đa dạng sinh thái. Nó không đơn thuần là vườn rau, vườn hoa công viên mà có kết cấu tầng tán, các loại cây khác nhau mang lại lợi ích lâu dài. “Xây dựng mới là bước đầu của dự án, vấn đề là địa phương tiếp quản mô hình này để làm tốt việc chăm sóc cây cối và giữ gìn nó như thế nào” – anh Đạt nhấn mạnh.

Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Chương Dương được giao nhiệm vụ tiếp quản, chăm sóc, bảo vệ vườn rừng. Chị Phạm Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Chương Dương cho biết, bên cạnh việc chăm sóc cây cối, làm cỏ, tưới cây, các chi hội phụ nữ vẫn thường xuyên trồng thêm cây hoa để vườn rừng ngày càng đa dạng.

“Hiện nay, các chi hội phụ nữ, tổ dân phố và người dân trong phường đều có ý thức tham gia giữ gìn, quản lý vườn rừng. Qua việc bảo vệ vườn rừng, chúng tôi muốn gửi thông điệp bảo vệ môi trường tới mọi người đến tham quan, sinh hoạt tại đây. Vừa qua, vườn rừng đón 2 nhóm học sinh lớp 5 của Trường Tiểu học Chương Dương và Trường Tiểu học Phúc Tân tham gia sinh hoạt ngoại khóa, tìm hiểu về rác thải nhựa. Thiết nghĩ, đó là hoạt động ý nghĩa để các em học sinh có thể vừa chơi lại vừa học những bài học bổ ích về bảo vệ môi trường sống” – chị Hạnh chia sẻ.

Tiếp tục nhân rộng

Theo ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm, dù có diện tích nhỏ nhất trong số các quận, huyện của Hà Nội nhưng mật độ dân cư ở Hoàn Kiếm lại cao nhất. Nhịp sống sôi động nên xử lý rác thải và ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề bức thiết. Địa bàn phường Chương Dương có đặc thù là trải dọc sông Hồng, một bộ phận người dân có thói quen vứt rác, xả nước thải chưa qua xử lý ra bờ vở sông Hồng nên tình trạng ô nhiễm tại khu vực này rất đáng báo động. Sau khi triển khai một số dự án cải tạo bờ vở sông Hồng, hiện nay, những con đường sạch đẹp, vườn cây xanh được hình thành, nước thải được xử lý, không còn mùi hôi thối.

“Để dự án có hiệu quả bền vững, lãnh đạo phường Chương Dương cùng các đoàn thể cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của mỗi cá nhân, động viên họ tích cực tham gia vào dự án để tạo môi trường trong sạch cho nhân dân trên địa bàn” – ông Quân nhấn mạnh.

Chị Nguyễn Huệ Phương, phụ trách truyền thông Doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds cho biết, trong thời gian tới, Think Playgrounds, Keep Hanoi Clean, doanh nghiệp xã hội ECUE và Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) cùng cả cộng đồng sẽ tiếp tục dọn dẹp rác thải, cải tạo không gian công cộng và kiến tạo thêm nhiều vườn rừng công cộng trên địa bàn, nhất là trên địa bàn dọc sông Hồng.

“Hiện chúng tôi đang có ý tưởng bổ sung thêm thiết bị thể dục cũng như mở rộng khu vườn rừng. Chúng tôi nghĩ rằng trong cuộc sống hiện đại, môi trường sống phải là vấn đề được quan tâm hàng đầu vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Để tạo ra vườn rừng, cần có nỗ lực cao, quyết tâm lớn của chính quyền, các tổ chức xã hội cũng như người dân địa phương. Chúng tôi chỉ khảo sát, thiết kế, thi công, còn việc quản lý không gian công cộng đó hoàn toàn phụ thuộc vào địa phương. Bởi vậy, chúng tôi hy vọng các tổ chức đoàn thể cũng như người dân phường Chương Dương sẽ giữ gìn, bảo vệ vườn rừng thật tốt” – chị Phương nhấn mạnh.

Trao đổi về những dự định trong thời gian tới, ông Lê Quang Bình, điều phối viên Mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” mong muốn tiếp tục nhân rộng không gian công cộng tương tự ở các khu vực khác trên bờ vở sông Hồng.

“Những dự án này thành công một phần nhờ sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong khu vực. Nếu như các tình nguyện viên tham gia dọn rác, trồng cây thì một số doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí làm đường, lát gạch lối đi, một số tổ chức hỗ trợ cây xanh, cơ sở vật chất khác. Rõ ràng, đây là công sức của tập thể nhằm phục vụ lợi ích của tập thể. Đây là một hệ sinh thái xã hội, nơi mà mỗi bên đóng góp một phần dựa trên vai trò và năng lực của mình để mở rộng thêm không gian xanh cho Hà Nội. Tôi hy vọng hệ sinh thái xã hội này ngày càng được mở rộng, có thêm nhiều cá nhân, doanh nghiệp yêu Hà Nội tham gia đóng góp cải tạo môi trường và bảo vệ hệ sinh thái cho Thủ đô” – ông Bình khẳng định.

Có thể nói, dự án vườn rừng công cộng tại phường Chương Dương như “viên gạch” đầu tiên, tạo tiền đề cho việc cải tạo bờ vở sông Hồng thành không gian đẹp, phục vụ người dân ven sông nói riêng và người dân Thủ đô nói chung. Đó cũng là cách làm đầy sáng tạo góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố đáng sống.

Đức Huy

Sáng tạo không gian công cộng cho bờ vở sông Hồng – Nhịp sống Hà Nội (hanoimoi.com.vn)