Đi tìm ký ức sông Tô
Những ngày cuối tuần, Không gian văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm như đông hơn. Người xem chăm chú vào 22 tác phẩm hội họa độc đáo, phá cách của họa sĩ xứ Thanh Vũ Xuân Đông. Đó cũng là 22 tác phẩm mà họa sĩ Vũ Xuân Đông đã chắt lọc từ ký ức suốt hơn 20 năm qua của anh khi chứng kiến sự biến đổi của dòng sông cũng như nghĩ về chủ thể đầy nỗi niềm này.
Dễ thấy nhất là những bức vẽ trên sơn mài, trên bìa các tông tái hiện một đời sống sông Tô từng gắn liền với lịch sử đô thị Hà Nội. Đó là hình ảnh “Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh”. Và nữa là những câu chuyện sinh hoạt, buôn bán của người dân mang dấu ấn một vùng cửa sông nơi dòng Tô đổ vào sông Cái.
Đặc biệt, họa sĩ Vũ Xuân Đông cũng sáng tạo với những tác phẩm tranh gò đồng, thể hiện trên hộp có trục xoay. Mục đích là giúp công chúng có thể tương tác nhiều hơn với tác phẩm như thể đang chạm vào một sông Tô sống động, có tiếng sóng, tiếng nước mà sâu xa là tiếng vọng ký ức của một thực thể khao khát hồi sinh. Sự tương tác đó cũng đánh thức trong mỗi người về trách nhiệm bảo vệ môi trường, hệ sinh thái sống xanh của một thành phố Thủ đô.
Có mặt tại triển lãm, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế thốt lên: “Chạm vào nỗi nhớ, chạm vào kiêu hãnh, chạm đến niềm đau…!”. Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế nhấn mạnh: “Tác phẩm “Sông Tô” của họa sĩ Vũ Xuân Đông yêu cầu người xem phải chạm tay vào tác phẩm để lòng nổi sóng cồn cào mỗi khi nhìn xuống dòng sông Tô quánh đặc một màu đen ô nhiễm, không còn vẻ đẹp nên thơ, huy hoàng trong quá khứ nơi xóm làng thấp thoáng những mái đình, mái chùa, cờ hội, thuyền bè ngược xuôi…”.
Chia sẻ về ý tưởng cho ra đời triển lãm lần này cũng như sự tâm huyết của mình với sông Tô, họa sĩ Vũ Xuân Đông cho biết, mùa hè năm 2002, khi sống cạnh bờ bắc sông Tô, anh đi lang thang dưới lòng sông cạn đang được kè bởi những hàng cọc gỗ lô xô. Phía trên là người xe tấp nập, phía dưới là tiếng thì thầm của trầm tích. Anh chợt nhận ra một cấu trúc mơ hồ về xã hội con người giống như những cây cột gỗ cong queo chai sạn nhưng vẫn dựa vào nhau thành một tổ hợp lúc thì chặt chẽ, lúc thì rời rạc, lúc thì rất nên thơ nhưng có lúc dữ dội cháy khát…
“Sông Tô giờ đây đã được kè bờ cẩn thận, nhưng ẩn chứa bên trong là bùn đen, nước thải và rác rưởi. Bên cạnh sông Hồng “đỏ nặng phù sa” thì sông Tô vẫn “đen đặc hôi nồng”. Cùng chảy quanh kinh kỳ hoa lệ nhưng sao mà chạnh lòng… Trong đại dịch Covid-19, con người sống cách ly qua những ngày dài khủng khiếp. Trong những ngày tháng im ắng đó, chúng gợi lại cho tôi ký ức quãng thời gian thuê nhà trọ, chứng kiến bao nhiêu rác rưởi con người ném xuống dòng sông thơ mộng trong lịch sử và nay đang “chết” dần. Tôi giữ lại và vẽ lên vô vàn những tiếc nuối ngàn xưa…” – họa sĩ Vũ Xuân Đông kể trong nỗi khắc khoải khôn nguôi.
Trầm ngâm bên tác phẩm “Sông xưa”, chị Nguyễn Nhật Hà (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, chị cảm thấy ấn tượng với tác phẩm này vì thấy ở đó có sự kết hợp độc đáo giữa sơn mài truyền thống và hộp gò đồng. Họa sĩ Vũ Xuân Đông đã tái hiện dòng sông xưa chảy qua cửa đình cùng hình ảnh người dân tấp nập buôn bán hai bên bờ sông. Tác phẩm mang đến cái nhìn mới lạ về sông Tô Lịch, đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Còn anh Nguyễn Văn Công (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì nghiền ngẫm khá lâu bên tác phẩm “Miền nhớ không mùa” vì cảm thấy ở đó có nét riêng so với các tác phẩm khác trong triển lãm này. Có thể nói, tác giả đã gửi gắm nỗi niềm, những hoài niệm vào tác phẩm một cách xuất sắc để người xem có thể chiêm nghiệm, liên tưởng về quá khứ, tương lai…
Nối dài ý tưởng
Là giám tuyển của triển lãm, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng, Hà Nội từng có rất nhiều ao hồ, sông nước trước khi người Pháp tới và quy hoạch thành một đô thị hiện đại theo thiết kế của họ. Ao hồ và những dòng sông dần bị san lấp do những biến động của đô thị hóa và thay thế chúng là những con phố thẳng hàng. Ngược dòng ký ức về những dòng sông đang dần bị hủy hoại và mất mát đó, họa sĩ Vũ Xuân Đông luôn đau đáu ngẫm ngợi về dòng sông Tô trong các sáng tác của mình suốt hơn 20 năm qua.
Chia sẻ riêng về những tác phẩm trên bìa các tông, họa sĩ Vũ Xuân Đông trầm ngâm, con người sử dụng bìa các tông hằng ngày và sau đó vứt chúng đi như một loại rác. Nhưng với anh thì chẳng có gì là đồ vứt đi cả. “Những gì tôi vẽ tưởng như vật thể vô hồn nhưng thật ra chúng chính là thân phận con người sống trong thành phố hiện đại. Thủ đô là nơi hội tụ của người dân ở khắp mọi miền đổ về mưu sinh với bao chật vật, nhọc nhằn. Từ con sông, tôi muốn nói về thân phận con người” – họa sĩ Vũ Xuân Đông khẳng định.
Cũng theo họa sĩ Vũ Xuân Đông, anh theo đuổi dòng tranh về sông Tô xuất phát từ những đau đáu của người nghệ sĩ chứ không vì lợi ích kinh tế, bởi với những bức tranh “kỳ quặc”, không giống ai thì bán ra thật khó.
“Thú thật, tôi say sưa, tâm huyết với đề tài về sông Tô là để thỏa niềm vui, sự khám phá, sáng tạo trong nghề. Nhiều người bạn của tôi đánh giá rằng tôi đang đi trên con đường đầy mạo hiểm. Bởi vừa bước qua đại dịch, mọi người đều có khó khăn nhất định về tài chính vậy mà tôi vẫn bỏ tiền ra để làm triển lãm. Nhưng tôi cảm nhận được rằng cái “lãi” mình có được trong hoạt động nghệ thuật này là khi có nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ và du khách quốc tế đến xem. Nhiều du khách chia sẻ rằng, triển lãm là một thông điệp nhân văn, dễ hiểu, thú vị, hấp dẫn. Và với tôi, như thế đã là thành công rồi” – họa sĩ Vũ Xuân Đông bộc bạch.
Được biết, trong thời gian tới, họa sĩ Vũ Xuân Đông sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu về mảng đề tài này. Anh hy vọng, ở lần xuất hiện tiếp theo sẽ thể hiện ý tưởng theo các hình thức mới khác. “Thú thật, có nhiều người nói với tôi là làm thế là được rồi, nên dừng lại đi. Nhưng tôi là một họa sĩ, là một người sáng tạo nghệ thuật và tôi muốn mọi người biết đến tôi với một cái gì đó khác biệt. Tôi sẽ theo đuổi đến cùng về đề tài sông Tô để biết đâu là phép màu của những nguyện ước khi ta chạm vào những mảng sóng sẽ góp phần hồi sinh lại một dòng sông? Để như nghe thấy đâu đây lời ca như đã từng vang vọng và là niềm tự hào của người Thăng Long” – họa sĩ Vũ Xuân Đông một lần nữa chia sẻ đầy tâm huyết.
Với cách làm và cách nghĩ mới mẻ, không gian hội họa mà họa sĩ Vũ Xuân Đông sáng tạo cũng là hướng mở để các nhà quản lý nghệ thuật, các họa sĩ chiêm nghiệm về một hướng đi mới trong hội họa, nhất là khi Thủ đô Hà Nội đã nằm trong Mạng lưới Các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Bảo Châu
https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/826877/sang-tao-my-thuat-tu-ky-uc-song-to