Số hóa giao dịch thuận tiện và tiết kiệm

Bộ Tư pháp vừa tiến hành thẩm định dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo. Điểm mới quan trọng là dự thảo Luật Giao dịch điện tử đã đề xuất mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật hiện hành, cụ thể: “Luật này quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định”.

Mở rộng phạm vi điều chỉnh

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 hiện hành loại trừ không áp dụng giao dịch điện tử đối với “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác”. Việc loại trừ này có thể gây khó khăn cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cũng như triển khai ứng dụng giao dịch điện tử trong các lĩnh vực thuộc phạm vi kể trên.

Số hóa giao dịch thuận tiện và tiết kiệm
Người dân làm thủ tục hành chính tại Ủy ban nhân dân phường Quán Thánh. Ảnh: HL

Do đó, trong Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, phạm vi điều chỉnh đã được mở rộng, cụ thể: “Luật này quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.” Như vậy, dự thảo Luật sửa đổi đã bỏ nội dung loại trừ nêu trên nhằm mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội.

Cũng theo cơ quan soạn thảo, việc tăng cường thực hiện các giao dịch điện tử trong mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội sẽ tiết giảm các chi phí về giấy tờ, in ấn, thời gian đi lại, công chứng, chứng thực… cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đặc biệt là với các vấn đề liên quan nhiều bộ, ban, ngành. Bên cạnh đó, việc triển khai giao dịch điện tử đối với tất cả các lĩnh vực trong đời sống, xã hội sẽ góp phần tiết kiệm các chi phí trực tiếp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Đối với giao dịch trên môi trường mạng, dự thảo Luật sửa đổi cũng cụ thể hóa chính sách về bảo đảm giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu. Nội dung này gồm các quy định về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, gửi, nhận thông điệp dữ liệu, bổ sung quy định chuyển đổi tài liệu điện tử sang tài liệu giấy, quy định về phương thức chuyển đổi, tổ chức xác nhận, điều kiện đáp ứng của tài liệu giấy được chuyển đổi từ tài liệu điện tử, giá trị pháp lý của tài liệu giấy được chuyển đổi từ tài liệu điện tử.

Dự thảo Luật cũng bổ sung việc phân loại chữ ký điện tử thành 3 mức độ tin cậy khác nhau nhằm cụ thể hóa giá trị pháp lý tương ứng của chữ ký điện tử với từng mức độ; quy định cụ thể hơn về việc sử dụng, công nhận chữ ký điện tử nước ngoài, việc sử dụng chữ ký điện tử chuyên dùng trong cơ quan Nhà nước và dịch vụ chữ ký điện tử.

Đồng thời, cụ thể hóa việc dẫn chiếu quy định về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng khi tiến hành các hoạt động giao dịch điện tử, quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên trong việc bảo vệ thông điệp dữ liệu trong giao dịch điện tử, nhằm bổ sung và tránh chồng chéo với các quy định trong các luật chuyên ngành về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng…

Thúc đẩy dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng vừa tổ chức hội thảo góp ý vào dự thảo Luật này, với nhiều ý kiến đóng góp quan trọng.

Theo đại diện Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về nghĩa vụ (cơ chế tiếp nhận báo cáo từ người dùng về thông tin vi phạm, gỡ bỏ thông tin vi phạm, bảo vệ dữ liệu cá nhân người sử dụng dịch vụ), giới hạn trách nhiệm (không tiếp cận nội dung giao dịch) của chủ quản hệ thống thông tin.

Ông Phạm Đức Tiến – Giám đốc Marketing, Công ty cổ phần Phát triển nguồn mở Việt Nam đề nghị xem xét bổ sung nội dung quy định về giấy phép sử dụng và quyền tương ứng cho dữ liệu mở để doanh nghiệp và người dân dễ dàng sử dụng, khai thác dữ liệu mở của cơ quan nhà nước và phát triển kinh tế số.

Tại phiên họp của Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá cao dự thảo Luật Giao dịch điện tử lần 3, nội dung cơ bản phù hợp, đảm bảo tính cần thiết, hợp hiến, hợp pháp, phù hợp đường lối, chính sách của Đảng. Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn đối với một số chính sách, xác định rõ hơn nữa về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, cân nhắc các quy định mang tính loại trừ để bảo đảm tính khả thi. Đồng thời, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp, rà soát kỹ các quy định của các Luật khác để tránh quy định lại hoặc bị trùng lắp…

Theo dự kiến, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Đồng thời, bổ sung thêm điều mới, quy định việc thúc đẩy dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước, có lộ trình cấp phép và ban hành dữ liệu mở rõ ràng. Cụ thể như yêu cầu tất cả các cơ quan Nhà nước đều phải lập danh mục và phân loại dữ liệu mở của cơ quan mình. Từ đó sẽ tạo ra được dữ liệu mở mang tính hệ thống, phân loại chặt chẽ theo từng lĩnh vực, ngành nghề kèm theo các quyền để sử dụng dữ liệu đó. Điều này sẽ giúp thúc đẩy dữ liệu mở phát triển và toàn dân có thể dễ dàng khai thác, ứng dụng dữ liệu mở vào phát triển kinh tế.

Theo báo cáo đánh giá của Liên Hợp quốc năm 2020, trên thế giới đã có 80% các nước đã xây dựng Cổng dữ liệu để cung cấp dữ liệu mở của Chính phủ để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Việc cung cấp dữ liệu mở của Chính phủ đã trở thành một tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá Chính phủ điện tử của các quốc gia.

Bên cạnh đó, ông Tiến cũng đề nghị bổ sung quy định cơ quan quản lý Nhà nước cần đảm bảo năng lực hoạt động của hệ thống, cổng thông tin của cơ quan mình, không được cấm người dân và doanh nghiệp truy cập các dữ liệu công khai, dữ liệu mở bằng bất cứ hình thức nào.

Chụp ảnh, scan có được coi là số hóa văn bản?

Về quy định kết nối, cung cấp thông tin, số liệu báo cáo hoạt động với hệ thống giám sát của cơ quan Nhà nước, một số ý kiến cho rằng, quy định này khả thi với doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng với các nền tảng hoạt động ở nhiều quốc gia, việc kết nối, cung cấp thông tin, số liệu báo cáo hoạt động với hệ thống giám sát của cơ quan quản lý Việt Nam còn chịu sự điều chỉnh của phát luật các nước khác. Trong trường hợp có xung đột về quyền tài phán, việc tuân thủ luật pháp nước này đồng nghĩa với việc vi phạm pháp luật nước khác, khiến quy định không khả thi. Do đó, cần bỏ quy định này hoặc nêu rõ chỉ áp dụng với các hệ thống thông tin ở Việt Nam.

Đại diện một số doanh nghiệp ngành Ngân hàng lại đề nghị làm rõ việc số hóa văn bản, giấy tờ giấy được thực hiện theo hình thức nào, ví dụ các hình thức như chụp ảnh, scan có được coi là số hóa văn bản hay không? Đồng thời, cần xem xét cho phép các tổ chức tài chính tự quyết định chữ ký điện tử theo mức độ tin cậy tùy thuộc vào tính chất giao dịch của ngân hàng với khách hàng, cho phép ngân hàng và khách hàng có thể lựa chọn và thỏa thuận với nhau về loại chữ ký điện tử nước ngoài mà họ muốn sử dụng, lựa chọn và thỏa thuận với nhau về mức độ tin cậy của tài khoản đối với giao dịch điện tử, không nhất thiết phải áp dụng tài khoản cấp độ 3…/.

Phương Thảo