Soạn giả đa tài
Với những ai gắn bó với chiếc radio, nhất là chuyên mục đàn và hát dân ca, hẳn rằng khi nghe nhắc đến soạn giả, nhà viết kịch Xuân Cung sẽ không khỏi à lên rằng: “Người quen!”. Cũng bởi, cái tên Xuân Cung luôn gắn liền với biết bao bài hát dân ca được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam trong suốt mấy thập kỷ qua. Và, có lẽ đến giờ hiếm ai đa tài như Xuân Cung khi ông không chỉ đặt lời mới cho những làn điệu chèo mà còn đặt lời mới cho các bài bản đờn ca tài tử, câu vọng cổ phương Nam, thậm chí còn có thể viết lời cho những điệu nam ai, nam xuân, khách thường, phú lục… của nghệ thuật tuồng. Ở loại hình nghệ thuật nào ông cũng có tác phẩm nổi bật, được khán thính giả mọi miền đất nước yêu thích.
Từ bài bản nhạc cổ, Xuân Cung đã khéo léo lồng vào những câu hát tươi mới, kể những câu chuyện của ngày hôm nay luôn được “ăn xăm” với cổ nhạc. Dù là lời mới nhưng những câu hát ấy vừa nhuần nhuyễn trong từng giai điệu vừa ngọt ngào, đằm thắm trong từng lời ca và luôn thiết tha, dìu dặt chứ không hề bị hô khẩu hiệu, khô khan, lạc điệu. Đấy là, khi viết về phút giây giao hòa của đất trời vào xuân, ông đã khéo léo lồng trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng một xứ Đoài xứ Đông khoác áo mới giữa ngày bình thân; cùng Biết bao công trình đang khoe sắc vui cùng hội xuân… (Đất trời vào xuân). Vẫn bằng những câu vọng cổ, những câu hò miền Tây sông nước, Xuân Cung đã đem đến cho khán giả niềm tự hào, hạnh phúc khi được thấy công trình thủy điện Hòa Bình hùng tráng mà rất đỗi nên thơ hiện lên trong từng câu hát: Rót rót tháp khoan xoáy vào lòng đất… và Có phải không em núi trở dậy sau ngàn năm thao thức/ Cửa hầm mở ra ấm những tay người/ Ngút tầm mắt sông Đà mặt nước mây trôi/ Im lặng đấy để gọi mùa tung sóng… (Hát về một dòng sông). Với riêng Thăng Long – Hà Nội ngàn năm, ông chọn các làn điệu chèo như đường trường thu không, nói sử, nói vần, quạt màn, sử xuân, hát cách, ngâm sổng, hát sách… để khắc họa những câu chuyện đặc sắc về đất thiêng, như: Sông Hồng gọi chiến công vang dội/ Đâu bến Chương Dương/ Đâu Bình Than… Hôm nay đây đất trời Thủ đô/ Dang vòng tay lớn/ Mây trắng Ba Vì/ Nắng vàng Đồng Mô… Đất linh thiêng muôn đời gắn bó/ Chung câu hát/ Hà Nội sáng danh thơm… (Chào Thăng Long Hà Nội)
Không chỉ đặt lời mới cho các làn điệu dân ca, viết những ca cảnh chèo, cải lương mà NSƯT Xuân Cung còn là tác giả của nhiều kịch bản chèo, tuồng, cải lương đặc sắc như: Người con gái tóc mây, Mối tình huyền thoại, Thăng Long kỹ nữ… (cải lương); Trạng Bùng, Nước mắt người mẹ, Chuyện tình Quế Dương, Ông trạng canh nông, Tuổi thơ nước mắt, Cam Quýt Bưởi Bòng… (chèo); Nữ tướng Thục Nương, Bài ca đất nước, Bóng thù biên ải… (tuồng); những kịch bản ngắn, kịch vui như: Sao Thái dương, Người gác cổng trường, Nỗi đau từ AIDS, Chuyện bất ngờ, Cái sảy nảy cái ung, Hoa trái mùa…
Bởi vậy, khi thưởng thức mỗi bài hát được NSƯT Xuân Cung soạn lời mới hay thưởng thức những vở tuồng, chèo, cải lương được người nghệ sĩ này chắp bút, khán thính giả vừa được đằm mình trong những làn điệu dân ca, thế giới ca kịch dân tộc vừa thấy đẹp sao và yêu sao vốn âm nhạc cổ truyền, yêu sao quê hương đất nước, yêu sao những con người lao động bình dị, tự hào sao trước những trang sử hào hùng của dân tộc… Cũng từ những tác phẩm này, biết bao thông điệp về cuộc sống hôm nay được đưa ra sắc sảo mà không kém phần chí lí, chí tình. Chẳng thế mà năm 1993, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức chọn trao giải thưởng cho 10 tác phẩm âm nhạc cả nước, trong đó có tác phẩm chèo Mẹ hát con nghe được nhiều người yêu thích của Xuân Cung. Đặc biệt, Đài Tiếng nói Việt Nam đã giới thiệu 5 chương trình của riêng Xuân Cung trong các buổi hát chèo – hát cải lương – tiếng hát gửi về miền Nam và tiếng hát gửi đồng bào xa Tổ quốc. Còn với các kịch bản của ông, nhiều đơn vị nghệ thuật dàn dựng và gặt hái không ít thành công ở hội diễn, cuộc thi như: vở Sao Thái dương – giải Nhất của Ủy ban Quốc gia dân số và Đài Tiếng nói Việt Nam, kịch bản Người gác cổng trường – giải B của Bộ Giáo dục và đào tạo và giải kịch bản hay nhất của hội diễn sân khấu Thủ đô năm 2008, vở Nỗi đau từ AIDS – giải Ba cuộc thi do Bộ Văn hóa – thể thao tổ chức, kịch bản Hoa trái mùa được trao giải kịch bản hay nhất tại hội diễn sân khấu Thủ đô năm 2010; tập kịch Trạng Bùng – giải B (không có giải A) của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam…
Soạn giả, NSƯT Xuân Cung sinh ra và lớn lên ở làng Phù Lưu, Ứng Hòa – nơi có đoàn chèo Cổ Phong, Lúa mới, Đoàn cải lương Hoa Mai vang bóng một thời. Từ thuở còn là học sinh trường làng, Xuân Cung đã rất yêu thích nghệ thuật truyền thống. Trong các buổi dạy hát chèo của Đài Tiếng nói Việt Nam, cậu bé Cung luôn say mê học, rồi những đêm diễn chèo ở xã, cũng như ở làng bên, dù có phải cuốc bộ vài cây số vẫn náo nức có mặt để được nghe các làn điệu chèo cổ ngọt ngào, tiếng trống chèo rộn ràng quyến rũ. Khi thoát ly công tác, nhất là những năm tháng ở Ty Văn hóa thông tin Hà Đông, dù được tiếp xúc với nhiều đội chèo nổi tiếng của địa phương như: Cao Thành (Ứng Hòa); Trung Lập (Phú Xuyên); Vân Tảo (Thường Tín); Nam Điền (Chương Mỹ); Đại Thành (Quốc Oai)… Xuân Cung còn tìm đến những nghệ nhân bậc thầy của Nhà hát chèo Việt Nam như: Nguyệt Tiêm, Minh Lý để học hát rồi đi xem vở diễn của các đoàn chèo. Và cứ thế, Xuân Cung càng thêm hiểu, thêm say nghệ thuật chèo để từ đó không chỉ biết hát những làn điệu cơ bản, biết diễn trên sân khấu mà còn đặt bút viết lời mới cho dân ca.
Năm 1969, Xuân Cung đã có tác phẩm đầu tay mang tên Ánh sáng soi đường được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. “Lần đầu tiên được nghe đứa con tinh thần của mình lảnh lót trong tiếng hát của NSƯT Như Hoa trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam vào đúng giờ ăn cơm trưa tôi đã rơi nước mắt cùng biết bao cảm xúc không thể diễn tả thành lời. Từ khởi đầu này, mạch nguồn sáng tác trong tôi cứ thế trào dâng…”, soạn giả, NSƯT Xuân Cung xúc động nhớ lại.
Quả vậy, tác phẩm đầu tay Ánh sáng soi đường chính là cái duyên để Xuân Cung trở thành cộng tác viên thân thiết của Đài Tiếng nói Việt Nam khi thường xuyên có tác phẩm mới gửi đến và được phát sóng. Đây cũng là cái duyên để Xuân Cung đến với các trại sáng tác, lớp tập huấn… của Bộ Văn hóa, Hội Nghệ sĩ Sân khấu… Nhất là năm 1978, ông tham gia trại sáng tác nghiên cứu nghệ thuật chèo trong 6 tháng tại khu văn công Mai Dịch (Hà Nội) và được học hỏi từ những tác giả, đạo diễn nổi tiếng như: NSND Tào Mạt, GS Trần Bảng, GS Hà Văn Cầu… cũng như gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sáng tác với các tác giả như: Hàn Thế Du, Hoài Giao, Chúc Đường…
Trong những năm tháng đầy khó khăn vất vả này, Xuân Cung miệt mài đi thực tế đến nhiều vùng đất để từ đó viết lên những lời ca tươi mới, ngọt ngào, giàu vần điệu trên những vốn âm nhạc cổ truyền bằng cả niềm say mê cũng như tài phú văn chương (ông đã sáng tác hàng trăm bài thơ và ra mắt tập thơ Ngày ấy – Nxb Hội Nhà văn, 2007). Bằng sức làm việc không biết mệt mỏi ấy, Xuân Cung trở thành cây bút “xung kích” được Đài Tiếng nói Việt Nam thường xuyên đặt hàng viết những bài hát, ca cảnh chèo, cải lương… truyền tải những vấn đề thời sự, sự kiện nóng hổi.
Thực ra, để có thể ghé chân sang cải lương, Xuân Cung đã dành không ít thời gian đến Đoàn cải lương Trung ương, Đoàn cải lương Hoa Mai (Hà Tây), lại có dịp công tác với các đoàn cải lương phía Nam như: Tây Ninh, Bến Tre, Sông Bé cùng một số đội cải lương cơ sở ông càng hiểu biết, say mê với cải lương, lại biết hát các bài bản “3 Nam, 6 Bắc” say mê với những bản cổ nhạc để viết ra những vở cải lương như: Cô gái tóc mây, Tiếc một cung đàn, Mối tình huyền thoại, Thăng long kỳ nữ…
Riêng với nghệ thuật tuồng, ông đã bắt đầu đặt bút viết sau chuyến đi thực tế cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Tận mắt chứng kiến tội ác của kẻ thù cũng như lòng quả cảm, anh dũng của bộ đội và nhân dân nơi dải đất biên cương đã hy sinh quên mình giữ từng tấc đất Tổ quốc, ông nghĩ rằng chỉ có chất bi hùng của nghệ thuật tuồng mới đủ sức chuyển tải nên đã viết kịch bản tuồng Bài ca đất nước như một biên niên sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Kịch bản này đã được đạo diễn Xuân Yến (Đoàn tuồng Trung ương) dàn dựng đã giành giải A tại hội diễn sân khấu của Quân khu III năm 1979. Theo soạn giả Xuân Cung, ban đầu ông viết kịch bản Bài ca đất nước theo bài mẫu của tuồng chứ chưa thực sự hiểu rõ. Chỉ đến khi được cộng tác cùng đạo diễn Xuân Yến và trực tiếp đến các đội tuồng mạnh của Hà Tây như: Dương Cốc (Quốc Oai), Hoàng Diệu (Chương Mỹ), Hòa Phú (Ừng Hòa)… ông càng hiểu biết thế nào là nói lối, ngâm xướng, hát khách, hát nam, xuân nữ, tẩu mã, nhịp bủa…để lại viết các tác phẩm tuồng: Cây Vạn Tuế, Nữ tướng Thục Nương, Bóng thù biên ải…
Cứ thế, trong suốt gần 50 năm qua, soạn giả, NSƯT Xuân Cung tận tụy sớm hôm nâng niu, dưỡng nuôi và chắp cánh cho những làn điệu dân ca. Ngoài ra, cũng trong mấy thập kỷ qua, người nghệ sĩ này còn rong ruổi khi thì bằng xe máy, khi thì trên xe bus đến khắp các quận huyện của Hà Nội và trở thành người truyền dạy nghệ thuật dân tộc tới nhiều đội văn nghệ của các quận huyện Hà Nội và một số nơi như: Hạ Long (Quảng Ninh), Vũ Thư (Thái Bình), Kim Bảng (Hà Nam), Yên Thủy (Hòa Bình)…