Với làng cổ Đường Lâm, được biết nơi đây có quần thể di tích với mật độ dày đặc với 50 di tích có giá trị, trong đó nhiều di tích đã được nhà nước xếp hạng (gồm 7 di tích cấp Quốc gia, 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp tỉnh), ngoài ra còn lưu giữ được gần 100 ngôi nhà cổ giá trị đặc biệt có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ; 5 thôn trong khu vực di tích làng cổ có gần 1.500 hộ dân, với hơn 6.000 nhân khẩu đang sinh sống.
Một góc yên bình nơi làng cổ Đường Lâm. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Với những giá trị đó, ngày 28/11/2005, làng cổ ở Đường Lâm được xếp hạng “Di tích kiến trúc- nghệ thuật cấp quốc gia”. Có thể khẳng định, di tích làng cổ ở Đường Lâm không chỉ là tài sản vật chất, tinh thần của người dân Đường Lâm, của thị xã Sơn Tây, mà còn là di sản vô giá của nhân dân Thủ đô, cũng như của đất nước Việt Nam.
Ban Thường vụ Thị ủy Sơn Tây đã xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề số 24 – NQ/TU ngày 14/12/2012 “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm giai đoạn 2012 – 2020” và tiếp theo là Kết luận số: 05-KL/TU ngày 10/11/2016 của Ban Thường vụ Thị ủy “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ ở Đường Lâm từ nay đến 2020” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm.
Thực hiện Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ ở xã Đường Lâm” của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thị xã đã thực hiện đầu tư 13 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư tu bổ tôn tạo các di tích trên địa bàn xã Đường Lâm với tổng mức đầu tư là 178,029 tỷ đồng, nguồn vốn đã bố trí 143,485 tỷ đồng. Trong đó có 11 dự án đã quyết toán hoàn thành; 1 dự án đã triển khai xong giai đoạn 1 đang quyết toán hoàn thành và 1 dự án đang triển khai thực hiện.