Mô hình trồng giống cúc chi phát triển tốt tại Sơn Tây. (Ảnh: Phan Thanh) |
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm Uông Thị Tuyết Nhung chia sẻ: Giống cúc được đưa vào trồng là cúc chi ta, bông nhỏ. Qua theo dõi cho thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, canh tác tại địa phương.
Dự kiến năng suất cúc chi đạt 8,5 tấn hoa tươi/ha, tương đương 1,2 tấn hoa khô/ha. Giá thu mua hiện nay là 600 triệu đồng/tấn hoa sấy khô, trừ chi phí cho thu nhập khoảng 225 triệu đồng/ha trong thời gian 4 tháng. Toàn bộ hoa cúc chi sau khi thu hoạch sẽ được sấy lạnh để bảo đảm giữ màu, sau đó được Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm đưa vào chế biến thành trà hoa cúc. Ngoài ra, Hợp tác xã còn bán nguyên liệu thô cho một số đơn vị khác, trong đó có các công ty dược liệu.
Thông qua mô hình cũng cho thấy việc chuyển đổi diện tích đất đồi gò có độ dốc thấp, đất trồng lúa cao hạn kém hiệu quả chuyển sang trồng cây dược liệu góp phần khai thác lợi thế địa hình của từng địa phương, từ đó dần hình thành các vùng sản xuất cây dược liệu tập trung, mang lại thu nhập cao cho người sản xuất.
Trong thời gian tới, thị xã Sơn Tây tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân mở rộng mô hình sản xuất cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm; đồng thời có chính sách hỗ trợ kinh phí để mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn xã Thanh Mỹ và các xã/phường khác trên địa bàn thị xã.