Sơn Tây: Phương án sáp nhập các phường được triển khai như thế nào?

Theo tinh thần Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, Nghị quyết số 117/NQ-CP của Chính phủ, Kế hoạch số 217/KH-UBND của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội, sẽ có 173 xã, phường, thị trấn thuộc diện phải sắp xếp để đáp ứng tiêu chí về diện tích và dân số. Thị xã Sơn Tây có 3 phường trong diện phải sắp xếp đơn vị hành chính.

Theo đó, do diện tích và dân số không đáp ứng đủ tiêu chuẩn nên thị xã Sơn Tây có 3 phường gồm: Phường Lê Lợi, phường Ngô Quyền và phường Quang Trung sẽ phải hợp nhất lại thành một. Dự kiến phường mới sau sáp nhập sẽ lấy tên là phường Ngô Quyền (phường mới sẽ có diện tích tự nhiên 2,08km2 và quy mô dân số 25.749 người, đáp ứng tiêu chuẩn đề ra).

Việc sáp nhập đơn vị hành chính tại Sơn Tây là cần thiết và là một cải cách quan trọng. Đây là cơ sở để giảm biên chế, tinh gọn bộ máy quản lý. Cùng với việc tinh gọn bộ máy, nhiều cơ sở vật chất, tài sản công cũng sẽ được sử dụng với mục đích khác, phù hợp hiệu quả hơn.

Ngoài ra, sáp nhập đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy sẽ là tiền đề quan trọng để tăng lương công chức. Thị xã cũng sẽ tuyển chọn được người có chuyên môn cao vào làm việc trong hệ thống chính quyền. Chính lực lượng này sẽ làm cho hoạt động của bộ máy hành chính công tốt hơn, chất lượng cao hơn.

Sơn Tây: Phương án sáp nhập các phường được triển khai như thế nào?
Tại Sơn Tây, các phường thuộc diện sáp nhập đều đã tiến hành lập danh sách, niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở UBND phường, điểm sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Với việc sáp nhập 3 phường, hiện thị xã Sơn Tây đã có lộ trình và kế hoạch cụ thể để triển khai. Thị xã cũng quán triệt tinh thần công khai, dân chủ trong quá trình triển khai sáp nhập các đơn vị. Hiện các phường thuộc diện sáp nhập đều đã tiến hành lập danh sách, niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở UBND phường, điểm sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Một điểm nhấn quan trọng trong việc sắp xếp, sáp nhập 3 phường tại thị xã Sơn Tây đó là không gây nhiều xáo trộn, cũng như không ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Sau sáp nhập, người dân không bắt buộc phải đổi giấy tờ, nhưng để thuận tiện cho giao dịch, UBND thị xã Sơn Tây khuyến khích người dân thay đổi thông tin theo địa giới hành chính mới và việc này được thực hiện miễn phí.

Theo UBND thị xã Sơn Tây, Thị xã sẽ hỗ trợ tối đa cho công dân khi thay đổi giấy tờ tùy thân, giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính có liên quan do thay đổi tên gọi địa giới hành chính. Việc đổi căn cước sẽ được thực hiện hoàn toàn miễn phí. Khi triển khai sáp nhập, Thị xã sẽ cử các tổ công tác xuống trực tiếp tổ dân phố để hỗ trợ người dân chuyển đổi giấy tờ tùy thân với mục tiêu nhanh nhất có thể, không bị gián đoạn.

Ngoài ra, Thị xã cũng chú trọng triển khai các chế độ đối với cán bộ, công chức tại các phường thuộc diện sáp nhập trên tinh thần vận dụng Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15.

Theo đó, khi sáp nhập bộ máy, ngoài những cán bộ, công chức chuyển công tác hoặc xin nghỉ hưu theo nguyện vọng cá nhân thì sẽ sắp xếp, còn lại sẽ nhập nguyên trạng số lượng cán bộ, công chức của 3 phường và giải quyết từng bước theo lộ trình sau 5 năm từ khi quyết định hợp nhất có hiệu lực.

Trong đó, với những vị trí cán bộ chuyên trách của 3 phường phải sắp xếp (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, trưởng đoàn thể), Thị xã sẽ tiến hành sắp xếp bảo đảm phù hợp; các chức danh cấp phó và công chức của đơn vị sáp nhập được giữ nguyên, nên những vị trí công việc mà họ đang đảm nhiệm sẽ được tiếp tục, không có gì thay đổi. Nói cách khác, việc sáp nhập sẽ không có gì đáng lo ngại về cán bộ, công chức dôi dư, cũng như đối với công dân khi thay đổi giấy tờ tùy thân, giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính có liên quan do thay đổi tên gọi địa giới hành chính.

Đinh Luyện