Sơn Tây: Tăng cường công tác quản lý lễ hội xuân Giáp Thìn

Sơn Tây là mảnh đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và đậm đặc những lễ hội. Với 244 di tích các loại, trung bình hằng năm, trên địa bàn thị xã có 65 lễ hội truyền thống diễn ra.

Theo Ủy ban nhân dân (UBND) thị xã Sơn Tây, để mùa lễ hội năm 2024 diễn ra an toàn, đúng quy định, Thị xã đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh khi tổ chức và tham gia các hoạt động lễ hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của lễ hội, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra văn hóa… tạo điều kiện thuận lợi cho du khách hành hương, trẩy hội.

Tiêu biểu trong những lễ hội ở Sơn Tây phải kể đến hội đền Và, lễ hội lớn nhất của xứ Đoài xưa, với những nghi thức dân gian cổ, độc đáo như xuân thu nhị kì và ba năm một lần vào các năm Tý – Ngọ – Mão – Dậu, thì mở hội chính với lễ rước long ngai Tam vị Đức Thánh Tản qua sông Hồng, sang đền Ngự Dội (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) để tế lễ.

Sơn Tây: Tăng cường công tác quản lý lễ hội xuân Giáp Thìn
Sơn Tây là mảnh đất có bề dày truyền thống văn hóa với nhiều lễ hội đặc sắc.

Năm nay, đền Và tổ chức lễ hội thường niên, không vào kì chính hội. Tuy nhiên, từ đầu Tết Nguyên đán 2024 đến nay, lượng du khách khắp nơi đổ về đền Và đi lễ tương đối đông. Để đảm đảm bảo an ninh trật tự, tránh tình trạng lộn xộn trong khu di tích, Ban quản lý di tích đền Và đã có quy định, người dân không được phép vào trong cung, mà chỉ được dâng lễ bên ngoài.

Để thuận tiện cho du khách, nhà đền đã bố trí 2 cửa, một cửa dâng lễ và một cửa hạ lễ. Người dân khi vào cửa dâng lễ thì được phát số, để khi ra, nhận đúng lễ của mình. Ban quản lý di tích đền Và cũng vận động người dân không thắp hương vào mâm cúng, vì tàn hương rất dễ bén lửa, gây hỏa hoạn.

Đồng thời, mỗi người dân chỉ thắp một nén hương ở khu vực ngoài sân đền. Đặc biệt, UBND phường Trung Hưng cũng bố trí các thùng đựng gạo, muối tại khu vực các Ban Long Hóa, Ban Ngũ Dinh, Ban Cô Chín để người dân bỏ vào sau khi làm lễ, tránh lãng phí, đồng thời trả lại cảnh quan sạch, đẹp cho di tích lịch sử Quốc gia đền Và.

Theo ghi nhận, nhờ có quy định nghiêm túc và phương án phân bố hợp lý, du khách đi lễ tại đền Và dù đông nhưng khá quy củ, trật tự. Không có hiện tượng chen lấn, xô đẩy trong khu thờ tự. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân và du khách thập phương về trẩy hội du xuân, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm cũng được UBND phường Trung Hưng và Ban tổ chức lễ hội quan tâm thực hiện.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra văn hóa, kiên quyết xử lý những tệ nạn “ăn theo” lễ hội như cờ bạc, ép giá, chèo kéo khách, mê tín dị đoan…Chính vì vậy, đến với đền Và, du khách thập phương như được trở về với cội nguồn tiên tổ, cội nguồn văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, được chiêm ngưỡng phong cảnh vùng quê địa linh nhân kiệt, gắn với lịch sử hào hùng của dân tộc.

Cùng với lễ hội đền Và, Sơn Tây còn nổi tiếng với nhiều lễ hội khác như lễ hội đền Măng Sơn, ngày 7 tháng Giêng; lễ hội tưởng nhớ công ơn của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, ngày 8 tháng Giêng; đình Phú Nhi, ngày 13 tháng Giêng; đình Đệ Nhị, ngày 18 tháng 2 … Hầu hết các lễ hội trên địa bàn thị xã bắt đầu vào mùa xuân, từ tháng Giêng cho đến tháng 3 âm lịch. Song tháng Giêng là tháng có mật độ lễ hội diễn ra nhiều nhất, với 30 lễ hội.

Cũng như nhiều địa phương khác, lễ hội truyền thống ở thị xã Sơn Tây gắn chặt với những ngôi đình làng và ngôi đền. Đình mang tín ngưỡng của người Việt cổ như tín ngưỡng nông nghiệp, tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc… Nếu phần lễ là những nghi thức thờ cúng thiêng liêng, có tính quy phạm trật tự, thì phần hội lại là những sinh hoạt cộng đồng hấp dẫn, các trò chơi dân gian như đánh cờ tướng, kéo co, thổi cơm thi, nhảy bao bố, bịt mắt đập niêu… thu hút đông đảo người dân tham gia.

Sơn Tây: Tăng cường công tác quản lý lễ hội xuân Giáp Thìn
Đường phố quanh khu vực diễn ra các lễ hội được trang hoàng sạch đẹp.

Các nghi thức tế lễ kết hợp chặt chẽ với phần hội thể hiện sự gắn kết cộng đồng, làm nên ý nghĩa văn hóa thiêng liêng của lễ hội truyền thống trên mảnh đất xứ Đoài.

Để mùa lễ hội năm 2024 diễn ra an toàn, đúng quy định, công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức lễ hội được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các Ban quản lý di tích quan tâm thực hiện. Các hiện tượng mê tín, dị đoan như đốt đồ mã, xóc thẻ, bói toán, cờ bạc, chèo kéo, ép khách đã được khắc phục, hạn chế. Quy hoạch không gian lễ hội được quan tâm, khu vực ăn uống, kinh doanh sản phẩm văn hóa, các điểm trông giữ xe… được bố trí hợp lý.

Bên cạnh đó, các điểm diễn ra lễ hội hàng năm đều được tu sửa, tôn tạo khang trang, sạch đẹp, góp phần đưa Sơn Tây trở thành điểm đến du lịch mùa lễ hội hấp dẫn du khách gần xa.

Tin tưởng rằng, với việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý lễ hội đầu xuân, chắc chắn mùa lễ hội năm nay trên mảnh đất Sơn Tây giàu truyền thống văn hoá, sẽ diễn ra an toàn, lành mạnh, phát huy được truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc, để từ đó mỗi người trong chúng ta sẽ hướng thiện hơn trong nếp sống cộng đồng hôm nay.

Phan Thanh