Theo đó, Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 – 2028, được tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) từ ngày 16 – 17/10/2023. Dự Đại hội có 546 đại biểu chính thức, trên tổng số 550 đại biểu được triệu tập, đại diện cho gần 7 vạn đoàn viên Công đoàn Thủ đô. Đại hội cũng đã bầu ra 17 đồng chí vào Ban Thường vụ và đồng chí Phạm Quang Thanh tái cử Chủ tịch LĐLĐ Thành phố.
Nghị quyết Đại hội XVII Công đoàn thành phố Hà Nội đã đề ra mục tiêu tổng quát cả nhiệm kỳ là: “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; tập trung đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho đoàn viên, người lao động; thu hút, tập hợp người lao động, phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, là chỗ dựa tin cậy, là tổ chức đại diện lớn nhất của người lao động; góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” và phương châm hành động “Đổi mới – Dân chủ – Đoàn kết – Phát triển”.
Hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 – 2028 do LĐLĐ thị xã Sơn Tây tổ chức thu hút sự quan tâm của các đơn vị Công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ thị xã. |
Về chỉ tiêu hàng năm, Nghị quyết Đại hội XVII Công đoàn Thành phố cũng đã đề ra 7 chỉ tiêu, gồm: 90% đoàn viên, người lao động được tuyên truyền, phổ biến, học tập, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến lao động và Công đoàn; Công đoàn tham gia thúc đẩy để ít nhất 75% công nhân lao động tại các doanh nghiệp tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; 100% Công đoàn cơ sở (CĐCS) khu vực hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước và có ít nhất 80% CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước tham gia với người sử dụng lao động xây dựng, thực hiện tốt Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở; 100% CĐCS khu vực Nhà nước, 90% trở lên CĐCS ngoài khu vực Nhà nước thành lập Ban Nữ công quần chúng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam…
Song song với các chỉ tiêu hàng năm, Nghị quyết Đại hội XVII Công đoàn thành phố Hà Nội cũng đề ra 10 nhóm chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ, gồm: Phấn đấu đến hết nhiệm kỳ, toàn Thành phố có 1.000.000 đoàn viên; có 85% các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn thương lượng, ký kết được Thoả ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật; ít nhất 90% số vụ việc của đoàn viên có yêu cầu tổ chức Công đoàn tư vấn, tranh tụng về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng sẽ có đại diện Công đoàn tham gia hoặc được Công đoàn hỗ trợ.
Nghị quyết Đại hội cũng đã nêu rõ 3 khâu đột phá, đó là: Xây dựng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là Chủ tịch Công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; Tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và thời giờ làm việc; Từng bước chuyển đổi số trong hoạt động Công đoàn, ưu tiên lĩnh vực quản lý đoàn viên và tài chính Công đoàn.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe đồng chí Hà Đông hướng dẫn chi tiết về nội dung xây dựng cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Trong đó, mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng mô hình “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” làm nòng cốt để xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.