Tại Tờ trình về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210 về phân loại đô thị, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về mục đích, nguyên tắc phân loại đô thị; hồ sơ, thủ tục lập, thẩm định, công nhận loại đô thị, rà soát, đánh giá phân loại đô thị; trách nhiệm quản lý, kiểm tra công tác phân loại đô thị và sau khi được công nhận loại đô thị.
Đồng thời, bổ sung quy định về phân loại đô thị theo yếu tố vùng miền, sửa đổi quy định về phân loại đô thị áp dụng cho một số đô thị có yếu tố đặc thù.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị việc sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, tiêu chuẩn phải có những đánh giá hết sức thấu đáo, không thể cảm tính. |
Về Nghị quyết số 1211 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Chính phủ đề nghị tập trung sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn của đơn vị hành chính trong trường hợp đặc thù và giảm tiêu chuẩn số lượng đơn vị hành chính trực thuộc của 4 loại đơn vị hành chính (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận).
Nêu quan điểm của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Nghị quyết số 1210 và Nghị quyết số 1211 được ban hành năm 2016 nhằm thể hóa quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và các tiêu chí phân loại đô thị trong 2 Nghị quyết này tại thời điểm ban hành về cơ bản là cao hơn so với thực trạng đang có.
“Qua 6 năm thực hiện, đặc biệt là qua kết quả sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 cho thấy, về cơ bản, cả 2 Nghị quyết vẫn đang phát huy giá trị tích cực, giúp kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa việc chia tách các đơn vị hành chính, góp phần nâng cao chất lượng đô thị, tạo cơ sở pháp lý cho việc phân loại đô thị, phân loại đơn vị hành chính và sắp xếp thu gọn số lượng các đơn vị hành chính”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ.
Trước yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương đặt ra yêu cầu về sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% về tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số (theo quy định tại Nghị quyết số 1211).
Trong giai đoạn 2019 – 2021, cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, qua đó giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; có 267 đô thị được nâng loại (gồm 5 đô thị loại I, 12 đô thị loại II, 20 đô thị loại III, 33 đô thị loại IV và khoảng 197 đô thị loại V); có 1 thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, 4 thành phố thuộc tỉnh, 14 thị xã và 144 phường được thành lập.
Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quan điểm của Chính phủ và các Bộ là chưa nên đặt vấn đề thay đổi, điều chỉnh một cách toàn diện các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, tiêu chí, tiêu chuẩn về phân loại đô thị tại thời điểm hiện nay để bảo đảm tính nhất quán, ổn định trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính (phục vụ giai đoạn tiếp theo 2022 – 2030).
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết vừa qua đã có nhiều địa phương kiến nghị sửa đổi hai Nghị quyết này, nhất là Nghị quyết về phân loại đô thị.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu việc sửa đổi hai Nghị quyết lần này phải làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, tính toán căn cơ trong giai đoạn hiện nay thì sửa tiêu chí nào, định hướng đối với việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, phát triển hệ thống đô thị tới đây ra sao bởi các tiêu chí, tiêu chuẩn, phân loại đô thị, đơn vị hành chính còn liên quan đến rất nhiều vấn đề khác.
“Có nên áp dụng một tiêu chí, tiêu chuẩn chung về đơn vị hành chính, phân loại đô thị cho tất cả các địa phương trong cả nước không hay phải quy định khung tiêu chí để vừa bảo đảm tính thống nhất trong cả nước nhưng đồng thời cũng tính đến tính đặc thù vùng miền để thực hiện cho phù hợp với thực tiễn?”
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận cuộc làm việc. |
Đặt vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể như thế nào phải có những đánh giá hết sức thấu đáo, trên cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học về quản lý nhà nước, quản lý hành chính, các yếu tố về địa lý, dân cư, xã hội, văn hoá, dân tộc, tôn giáo, phân cấp, phân quyền… chứ không thể cảm tính.
Đồng thời yêu cầu Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng – các cơ quan được giao chủ trì giúp Quốc hội, Chính phủ chuẩn bị hai dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung phải đánh giá toàn diện để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, đa số ý kiến đều nhất trí, chưa sửa đổi toàn diện các tiêu chí, tiêu chuẩn tại hai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số tiêu chuẩn, tiêu chí đối với đơn vị hành chính và đô thị có yếu tố đặc thù để phù hợp hơn với điều kiện thực tế, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chỉ đạo mới của Đảng, góp phần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc sắp xếp, kiện toàn các đơn vị hành chính.
Với những vấn đề chưa rõ, chưa thống nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội nhất trí tiếp tục nghiên cứu để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung khi có đủ điều kiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội đồng thời đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng (cơ quan chủ trì soạn thảo) tiếp thu đầy đủ các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ 2 dự thảo Nghị quyết mới để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 8/2022.