Sửa Luật Thủ đô: Tạo tiền đề đưa Hà Nội phát triển thành trung tâm kinh tế năng động

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long đồng tình với 9 định hướng chính sách lớn trong xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mà thành phố Hà Nội đề xuất.

Ngày 21/11, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết thi hành Luật Thủ đô. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đồng chủ trì hội nghị.

Hà Nội đề xuất 9 nhóm chính sách

Tham dự Hội nghị có đại diện các Ủy ban của Quốc hội, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban ngành, các tỉnh trong Vùng Thủ đô; đại diện các ban của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội và các quận, huyện của Hà Nội.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Tuyến trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả thi hành Luật Thủ đô; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn trình bày Báo cáo định hướng chính sách lớn xây dựng Luật Thủ đô từ kết quả tổng kết thi hành Luật Thủ đô tại Hà Nội.

Sửa Luật Thủ đô: Tạo tiền đề đưa Hà Nội phát triển thành trung tâm kinh tế năng động
Toàn cảnh hội nghị.

Qua tổng kết cho thấy, việc thực hiện các chính sách đặc thù quy định trong Luật Thủ đô đã giúp thành phố Hà Nội đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô. Các cơ chế đặc thù quy định trong Luật đã góp phần giúp Thủ đô huy động được nguồn lực to lớn, tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội, thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế – xã hội giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.

Đồng thời, các quy định của Luật cũng tạo cơ chế tăng nguồn thu tài chính – ngân sách cho Thủ đô; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thuận lợi hơn. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước…

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc thi hành Luật cũng còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, căn cứ quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, và định hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến xây dưng, phát triển và bảo vệ Thủ đô Hà Nội trong những năm tới; từ công tác tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012, đánh giá sơ kết 2 năm thi hành Nghị quyết 97/2019/QH14 và Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội và trên cơ sở kết quả nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với một số tỉnh, thành phố trong cả nước, thành phố Hà Nội đề xuất 9 nhóm chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

”Đây là những nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, Thủ đô trong giai đoạn mới. Các quan điểm, định hướng, nội dung của 9 chính sách đã được báo cáo, xin ý kiến tại 2 hội nghị của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố”, ông Lê Hồng Sơn cho biết.

Tạo cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội phát triển

Đồng thời, đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bắc Giang, một số quận, huyện và các chuyên gia đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực vào các dự kiến chính sách sửa đổi Luật Thủ đô.

Sửa Luật Thủ đô: Tạo tiền đề đưa Hà Nội phát triển thành trung tâm kinh tế năng động
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đồng tình với 9 định hướng chính sách lớn trong xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mà thành phố Hà Nội đề xuất.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, ngay sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, với sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan nhà nước ở Trung ương, thành phố Hà Nội và các tỉnh trong Vùng Thủ đô, việc quán triệt, phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật được tổ chức thực hiện kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, đa dạng về hình thức, thu hút sự tham gia của hàng nghìn lượt người.

Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan, nhất là thành phố Hà Nội đã tích cực, chủ động, chỉ đạo quyết liệt việc soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật để trình các cấp có thẩm quyền ban hành. Sau 9 năm thi hành, Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chính quyền các cấp và nhân dân Thành phố về vị trí, vai trò của Thủ đô, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô.

“Việc thực hiện các chính sách, cơ chế đặc thù quy định trong Luật đã góp phần giúp Thành phố đạt được một số thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng bày tỏ đồng tình với 9 định hướng chính sách lớn trong xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mà thành phố Hà Nội đề xuất. Đồng thời, đề nghị UBND thành phố Hà Nội, các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu về xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới theo mục tiêu mà Nghị quyết 15-NQ/TW đã đề ra.

Sửa Luật Thủ đô: Tạo tiền đề đưa Hà Nội phát triển thành trung tâm kinh tế năng động
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh mong muốn 9 chính sách được Hà Nội đề xuất sẽ được các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục quan tâm.

Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cảm ơn sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn Bộ Tư pháp đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Chủ tịch UBND thành phố khẳng định Hà Nội sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn 9 chính sách được Hà Nội đề xuất sẽ được các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục quan tâm để xây dựng được cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp, tạo tiền đề đưa Hà Nội phát triển, trở thành một trung tâm kinh tế năng động, có tốc độ tăng trưởng nhanh, trở thành đầu tàu của Vùng Thủ đô, của Vùng đồng bằng sông Hồng.

 

Phương Thảo