Sức sống mới ở các vùng ven đô

Những ngày đầu tháng 11, rong ruổi ở các miền quê ngoại thành Thủ đô Hà Nội mới thấy hết ý nghĩa của phong trào xây dựng nông thôn mới. Làng quê như khoác lên mình tấm áo mới; từ hệ thống điện – đường – trường – trạm đến việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

Người dân chung sức, đồng lòng

Đại Thịnh là một trong những xã đang có nhiều đổi thay của huyện Mê Linh. Thời điểm này đến Đại Thịnh có thể dễ dàng chứng kiến cảnh đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. Bà Trần Thị Bích Được – Trưởng thôn Thượng, xã Đại Thịnh cho biết, để thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, xã Đại Thịnh đã tổ chức lồng ghép nhiều hội nghị, giao ban nhằm tăng cường chất lượng trong công tác tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tạo thói quen của nhân dân trong việc tự giữ gìn, bảo vệ môi trường, phân loại, thu gom các loại rác thải sinh hoạt gia đình. Cùng với đó là sự vào cuộc các ngành đoàn thể, đã tổ chức và phát động các hoạt động với công tác này.

Sức sống mới ở các vùng ven đô
Các nẻo quê ngoại thành phong quang, sạch đẹp. Ảnh: Đinh Luyện

Với thôn Thượng, bên cạnh việc duy trì hiệu quả công tác vệ sinh môi trường, các hoạt động huy động sự tham gia của người dân như hiến đất mở rộng đường làng, ngõ xóm; xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu của cộng đồng… được đẩy mạnh triển khai. Theo bà Trần Thị Bích Được, tại thôn, nhiều hộ gia đình đã tình nguyện hiến đất mở rộng đường vào chùa; đại bộ phận người dân địa phương cũng chung tay xây dựng nhà văn hóa với giá trị đóng góp trên 300 triệu đồng.

Tương tự, tại huyện Ba Vì, phong trào chung tay xây dựng đường làng, ngõ xóm được triển khai mạnh mẽ. Xóm Trại, thôn Vân Hội, xã Phong Vân là ví dụ. Tại đây, hàng chục hộ dân đã tham gia hiến đất mở rộng 5 tuyến đường trên địa bàn; tổng diện tích đất các gia đình hiến 358,5m² góp phần cải thiện diện mạo làng quê trên địa bàn, nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Có hộ dân đi đầu ủng hộ gần 500 triệu đồng hỗ trợ cho các gia đình phải tháo dỡ các bờ tường bao, tiến hành xây lại và bàn giao mặt bằng cho dự án giao thông nông thôn.

Đáng chú ý, cũng tại huyện Ba Vì, hiện nhiều làng quê trên địa bàn đã có sự đổi thay rõ nét. Những ngôi nhà khang trang, hiện đại nay được trang hoàng cây hoa, cổng rào sạch đẹp, cùng với những bức tranh tường rực rỡ sắc màu; nhiều con đường được cứng hóa nay được trồng nhiều hàng cây xanh, hoa ven đường. Cuộc sống văn minh, hiện đại đang dần hiện hữu ở nhiều thôn, xóm.

Được biết, hiện huyện Ba Vì triển khai phong trào “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng xanh sạch đẹp an toàn” nhiều khu dân cư trên địa bàn đã có sự “lột xác” nhờ sự vào cuộc của nhân dân trong việc tập trung đầu tư, chỉnh trang cho từng thôn, xóm, ngõ. Theo thống kê, trong tháng 10, toàn huyện Ba Vì đã huy động xã hội hóa được hơn 11,1 tỷ đồng, trong đó tiền mặt hơn 6,3 tỷ đồng, vật chất khác trị giá hơn 4,7 tỷ đồng.

Lũy tích qua 6 tháng triển khai cuộc thi, các địa phương trong huyện đã vận động xã hội hóa được hơn 47,9 tỷ đồng. Vẽ tranh bích họa với tổng diện tích hơn hơn 9.200 m² ; “Tuyến đường nở hoa” tổng chiều dài hơn 44.800m; trồng mới hơn 7.400 cây xanh; lắp đặt gần 11.400 đèn có thiết kế, đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt, phong trào hiến đất làm đường được lan tỏa rộng khắp trên địa bàn huyện với tổng số 294 hộ dân hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn với hơn 7.900 m².

Nâng “chất” các vùng ngoại thành

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã và đang quyết tâm huy động sức mạnh tổng hợp, phát huy tinh thần đoàn kết, nội lực từ sức dân trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, từng bước hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Những mô hình thôn thông minh, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường… hứa hẹn đưa khu vực nông thôn phát triển theo chiều sâu, bền vững hơn.

Xã Thanh Mỹ thuộc thị xã Sơn Tây là ví dụ. Theo tìm hiểu, Thanh Mỹ từng có xuất phát điểm là xã khó khăn nhất của thị xã Sơn Tây. Với địa hình trung du, đồi gò, đất khô cằn sỏi đá, kinh tế phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, trong khi nông dân chủ yếu trồng sắn, ngô, lạc nên thu nhập thấp (18,8 triệu đồng/người/năm), đời sống còn nhiều khó khăn… Trong khi đó, mỗi hộ nông dân ở Thanh Mỹ có từ 7 – 18 mảnh ruộng nhỏ, rải rác ở các khu đồng, trên đồi, giao thông nội đồng là đường đất, kênh mương thủy lợi chưa được kiên cố… Sau nhiều nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân Thanh Mỹ, được biết, ở giai đoạn 2011 – 2016 Thanh Mỹ hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Tiếp đà, cho đến nay Thanh Mỹ vẫn đang tập trung phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Một điểm đáng chú ý là, tại những vùng quê đang “chuyển mình” cũng có sự năng nổ, nhanh nhẹn “chuyển mình” của người nông dân. Không thụ động trông chờ vào các ban, ngành chức năng, không ít người nông dân nơi ngoại thành cũng chủ động trong công cuộc chuyển dịch cây trồng, con giống sao cho đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả. Điều này có thể thấy ở thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì. Tại đây, những hộ dân trong thôn đã phát triển nghề trồng cây cảnh thành ngành kinh tế chủ đạo, từ đó nâng cao thu nhập.

Tại thôn An Hòa, có rất nhiều hộ dân đã bén duyên với nghề trồng mai và có cuộc sống ổn định từ nghề này. Với tổng số 252 hộ trong thôn thì có tới 180 hộ đều tham gia trồng cây mai. Bình quân, các hộ trồng mai có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm, cá biệt một số hộ doanh thu từ hơn 1 tỷ đến 2 tỷ đồng/năm. Được biết, có nhiều lao động trong thôn không tham gia trồng mai mà chỉ nhổ cỏ thuê cho các vườn cũng có thu nhập trên 200.000 đồng/ngày công. Tính bình quân thu nhập tại thôn An Hòa đạt trên 85 triệu đồng/người/năm. Từ nguồn thu này người dân đã có nhiều kinh phí để tích cực thực hiện công tác xã hội hóa những phần việc trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở không ít địa phương cho thấy, nơi nào huy động được trí tuệ, tâm huyết, tiền của, công sức của người dân cùng với Nhà nước và địa phương thực hiện các tiêu chí nông thôn mới thì đều sớm đạt đích và ngược lại. Ở các địa phương của Thủ đô, bài học kinh nghiệm được rút ra là để huy động được nguồn lực từ phía nhân dân, thì Đảng bộ, chính quyền trước hết phải làm cho dân hiểu xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của chính nhân dân chứ không ai khác. Và hiển nhiên, khi người dân hiểu thì tinh thần đoàn kết, nội lực từ sức dân sẽ được phát huy tối đa./.

Tại huyện Ba Vì, để bộ mặt làng quê đổi thay, nhiều cách làm mới, sáng tạo được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện triển khai thực hiện một cách đồng bộ, nhờ đó đã phát huy hiệu quả. Điển hình như việc chính quyền không chỉ quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các thôn mà còn phát động các phong trào đưa nội dung Cuộc thi vào Nghị quyết của Chi bộ; thành lập Ban Vận động; xây dựng nội quy, quy chế từng xóm, ngõ; phân công cụ thể các đoàn thể đảm nhận, hoàn thành các chỉ tiêu công việc cụ thể; thành lập tổ xung kích vệ sinh môi trường, duy trì tổ tự quản, tổ chăm sóc các tuyến đường có hoa; vẽ tranh tường bích họa; duy trì tổ tự quản, tổ chăm sóc các “tuyến đường có hoa”, “biến điểm rác thành điểm sinh hoạt vui chơi”…
Đinh Luyện