Sức sống mới trên làng nghề Đại Áng

Nằm ở phía Nam huyện Thanh Trì, Hà Nội, trải qua bao nhiêu thăng trầm, nghề May thôn Vĩnh Trung và nghề Nón lá thôn Vĩnh Thịnh vẫn giữ được hồn cốt của làng nghề. Về Đại Áng vào dịp kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và 137 năm ngày Quốc tế Lao động, những làng nghề truyền thống như đang bừng lên sức sống mới, hòa mình vào dòng chảy hội nhập của Thủ đô và đất nước.

Người dân vươn lên làm chủ

Làng nghề May thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận “Làng nghề Hà Nội” từ đầu năm 2023. Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng làng nghề may Vĩnh Trung vẫn không ngừng phát triển. Có thể nói, sức sống của làng nghề được gìn giữ bằng cả tình yêu và tâm huyết của những người con quê hương gắn bó với nghề truyền thống của cha ông để lại. Trong kỷ nguyên mới của công nghệ hiện đại, những người thợ nơi đây đã thay đổi và thích ứng phù hợp, tìm ra hướng đi mới để ngày càng phát triển, bắt kịp với xu hướng hội nhập.

Sức sống mới trên làng nghề Đại Áng
Ban Kinh tế – Xã hội Hội đồng nhân dân huyện Thanh Trì khảo sát tại làng nghề truyền thống Nón lá Vĩnh Thịnh.

Bà Nguyễn Thị Hường, Trưởng thôn Vĩnh Trung cho biết, từ xa xưa, thủa chưa có máy may, người dân trong làng đã nổi tiếng khéo tay khâu vá, làm ra những sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt đời thường. Sản phẩm làm ra khá đa dạng từ quần áo, khăn đến chăn, màn được mang bán ở chợ phục vụ người dân trong xã và các vùng lân cận. Đến năm 1998 nghề may bắt đầu phục hồi và phát triển mạnh.

“Bắt nhịp với xu thế thị trường, những người thợ nơi đây không chỉ dừng lại ở việc nâng cao tay nghề, mà đã có rất nhiều những gia đình, hộ sản xuất nhỏ, phát triển mô hình kinh doanh để trở thành những cơ sở tên tuổi trên thị trường”, Bà Nguyễn Thị Hường chia sẻ.

Làng nghề may Vĩnh Trung có 225 hộ sản xuất, trong đó có 25 cơ sở lớn, 200 hộ sản xuất nhỏ lẻ, hàng năm sản xuất trên 5 triệu sản phẩm, thu nhập bình quân ước đạt 2,5 tỷ đồng/cơ sở/năm đối với cơ sở sản xuất lớn và trên 900 triệu đồng/hộ/năm đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Các cơ sở đều ứng dụng thiết bị máy móc thực hiện công việc theo dây chuyền hiện đại. Với mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả hợp lý, các sản phẩm của làng nghề ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.

Nghề may vừa là công việc cho lao động chính vừa là việc làm thêm cho lao động phụ, từ người trưởng thành, người già, trẻ nhỏ đều có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất mang lại thu nhập ổn định, nhiều gia đình vươn lên khá, giàu, trong thôn không còn hộ nghèo.

Đặc biệt, gần 3 năm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề truyền thống Hà Nội nói chung và nghề may Vĩnh Trung nói riêng. Tuy nhiên, người dân trong thôn đã chuyển sang may khẩu trang vải. Thời điểm đó, các máy may tại thôn Vĩnh Trung hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm. Mỗi ngày hàng trăm nghìn chiếc khẩu trang vải được đưa ra thị trường tiêu thụ, mở ra một hướng đi mới, để làng nghề có thể trụ vững, giúp cho nhiều nhân công của làng nghề có thêm việc làm và thu nhập trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.

Chính quyền đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Xã Đại Áng đã có những hoạch định cụ thể để phát triển nghề May như động viên nhân dân đa dạng hóa sản phẩm, bảo đảm chất lượng, mẫu mã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường làng nghề; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu mở rộng liên doanh, liên kết sản xuất để sản phẩm làng nghề có thể cạnh tranh với thị trường. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương.

Cùng với sự phát triển chung của xã Đại Áng, làng nghề Nón lá truyền thống tại thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng cũng đang chuyển mình hội nhập. Làng nghề Nón lá truyền thống Vĩnh Thịnh đã có lịch sử hàng trăm năm. Trải qua hàng trăm năm ấy, làng nghề vẫn bền bỉ tồn tại, là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của mạch nguồn văn hóa kết tinh từ đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những con người bình dị.

Năm 2020, Làng nghề đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận “Làng nghề truyền thống Hà Nội”. Để làng nghề phát triển, xã Đại Áng đã thành lập Hợp tác xã (HTX) tiểu thủ công nghiệp sản xuất và thương mại dịch vụ Nón lá Vĩnh Thịnh theo Đề án bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề của thành phố Hà Nội.

Sức sống mới trên làng nghề Đại Áng
Một cơ sở may của làng nghề may thôn Vĩnh Trung.

Những ngày đầu thành lập, HTX gặp nhiều khó khăn, nhất là dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng, sản phẩm nón lá của người dân khó tiêu thụ. Nhưng nhờ có sự định hướng và hỗ trợ của Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì, Phòng Kinh tế huyện và xã Đại Áng, HTX đã tham gia các sàn thương mại điện tử, các chương trình xúc tiến thương mại; xây dựng, quảng bá hình ảnh làng nghề sản xuất nón lá kết hợp với du lịch. Đến nay mỗi năm HTX tiêu thụ trên 33 vạn nón lá, thu nhập bình quân của mỗi người làm nghề gần 6 triệu đồng/người/tháng.

Anh Nguyễn Bá Luân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ nhiệm HTX Nón lá Vĩnh Thịnh khẳng định: “Ở lĩnh vực phát triển sản phẩm làng nghề, mọi kế hoạch hoạt động đề ra không đơn thuần chỉ vì lợi ích kinh doanh, mà quan trọng hơn là bảo tồn giá trị truyền thống”.

Anh Nguyễn Bá Luân cũng cho biết, từ khi thành lập đến nay, HTX đã chủ động tìm hiểu thị trường, hướng dẫn người dân sáng tạo nhiều mẫu mã, kích thước nón lá theo nhu cầu sử dụng và thị hiếu khách hàng. Thông qua các chương trình hỗ trợ quảng bá thương hiệu, hội chợ thương mại, các trang mạng điện tử, xã Đại Áng đã đưa sản phẩm nón lá đến với người tiêu dùng trong nước, quốc tế và được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã. Năm 2022, sản phẩm nón lá của HTX Vĩnh Thịnh được đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao.

Mặc dù các làng nghề xã Đại Áng đã có những phát triển vượt bậc, bắt nhịp được với thời đại trên nền tảng phát huy giá trị truyền thống, nhưng cũng như nhiều làng nghề của thành phố Hà Nội hiện nay, còn có những khó khăn như việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất của bà con chưa nhiều. Việc huy động nguồn lực xây dựng làng nghề vẫn còn hạn chế, cần được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, địa phương để tăng vốn đầu tư sản xuất, đặc biệt là đầu tư thêm cơ sở vật chất tại các điểm trưng bày sản phẩm.

Theo ông Lương Anh Dũng, Trưởng Ban Kinh tế – xã hội Hội đồng nhân dân huyện Thanh Trì, để tháo gỡ những khó khăn, đưa làng nghề phát triển, hội nhập, trong thời gian tới, Đại Áng cần tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, mở rộng phát triển liên kết chuỗi, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất trên địa bàn xã đăng ký tham gia sản phẩm OCOP.

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các sản phẩm làng nghề tham gia các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm thuộc các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm của huyện, Thành phố và các tỉnh/thành trên cả nước.

Bảo Thoa

Sức sống mới trên làng nghề Đại Áng (laodongthudo.vn)