Tại Hội thảo “Xác thực và phổ biến Báo cáo kết quả nghiên cứu mô hình nghiệp đoàn tại Việt Nam và vấn đề đặt ra trong tình hình mới” tổ chức vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), ông Đoàn Đức Hân, Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Lực lượng lao động phi chính thức việc làm hiện có xu hướng gia tăng do quá trình toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại gia tăng đã hình thành các mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh quốc tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới, các tập đoàn đa quốc gia cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch Covid-19 khiến lao động phi chính thức gia tăng và đã trở thành vấn đề chung ở nhiều nước trên thế giới.
Tương tự, tại Việt Nam trong giai đoạn hội nhập sâu rộng nền kinh tế thế giới đã kéo theo sự xuất hiện của nhiều ngành nghề mới, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng làm thay đổi bức tranh về lao động – việc làm. Thực tế này đã và đang đòi hỏi tổ chức Công đoàn hiện nay phải đa dạng các hình thức tập hợp người lao động để bảo vệ quyền lợi cho họ; chủ động tập hợp người lao động tự do, hợp pháp vào nghiệp đoàn cơ sở là cách mà tổ chức Công đoàn Việt Nam khẳng định sứ mệnh đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động.
Toàn cảnh Hội thảo xác thực và phổ biến “Báo cáo kết quả nghiên cứu mô hình nghiệp đoàn tại Việt Nam và vấn đề đặt ra trong tình hình mới”. |
Theo ông Đoàn Đức Hân, để bảo vệ người lao động trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi vai trò của tất cả các bên liên quan, bao gồm: Chính phủ, người sử dụng lao động, Công đoàn, các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan thông tin, truyền thông, tổ chức phi Chính phủ…
“Các bên quan hệ lao động cần cùng nhau thảo luận, tranh luận và đối thoại để tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và đưa ra các ý tưởng mới để giải quyết, từ đó xây dựng các giải pháp hiệu quả cho “bài toán phi chính thức” hướng tới một tương lai phát triển coi con người là trung tâm”, ông Hân chia sẻ.
Cùng quan điểm, bà Ingrid Chiristensen, Giám đốc văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO Việt Nam) đánh giá cao khi Việt Nam cũng như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
“Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tổ chức Công đoàn cùng với các cấp ngành đã tiên phong đã thúc đẩy nhiều hoạt động đổi mới, ứng phó linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong việc chăm lo, hỗ trợ người lao động ứng phó với đại dịch”, bà Ingrid Chiristensen nhấn mạnh.
Với vai trò của mình, bà Ingrid Chiristensen cho biết, ILO đã và đang làm việc, cùng với các đối tác 3 bên gồm: Chính phủ, tổ chức đại diện người lao động (là Công đoàn) và người sử dụng lao động thực hiện chiến lượt phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam thông qua chương trình quốc gia việc làm bền vững và khung hợp tác của Liên Hiệp quốc tại Việt Nam.
Là một trong những địa phương có số lao động phi chính thức nhiều nhất, bà Lê Thị Kim Thúy, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP.HCM cho biết, những thay đổi và xu hướng lao động phi chính thức gia tăng, nhất là sau đại dịch Covid-19.
Theo bà Thúy, để tập hợp, phát triển đoàn viên, vận động thành lập nghiệp đoàn cơ sở, Liên đoàn Lao động Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền vận động; đẩy mạnh công tác khảo sát, cập nhật tình hình lao động, các ngành nghề; tăng cường công tác chăm lo vật chất tinh thần cho đoàn viên nghiệp đoàn; nâng cao năng lực hoạt động, đổi mới phương pháp đào tạo của đội ngũ cán bộ nghiệp đoàn…
Bà Thuý kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét điều chỉnh đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở đối với nội dung của nghiệp đoàn cơ sở; cho phép cử cán bộ chuyên trách phường, khu phố cùng tham gia Ban Chấp hành các nghiệp đoàn để thuận tiện hơn trong các hoạt động; đoàn viên nghiệp đoàn hầu hết có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập không ổn định do đó có thể xem xét không thực hiện thu đoàn phí trong giai đoạn đầu thành lập…