Tăng cường hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông

Để bảo đảm và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, năm 2022 và các năm tiếp theo, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo tăng cường triển khai công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông.

Còn tồn tại, hạn chế

Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường triển khai hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông. Theo nội dung văn bản, trong thời gian qua, ở địa phương, công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông tại các nhà trường cơ bản đã được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện; đồng thời, công tác này cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội.

Ở Trung ương, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện một số giải pháp để triển khai công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông và đạt một số kết quả đáng ghi nhận: Phòng tư vấn tâm lý học đường được thành lập tại nhiều trường học; nhận thức của lãnh đạo, cán bộ giáo viên trong các nhà trường về công tác tư vấn tâm lý cho học sinh ngày càng được nâng cao; đội ngũ giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng về tư vấn tâm lý cho học sinh trong các nhà trường…

Tăng cường hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông
Tư vấn tâm lý học đường tại Trường Trung học cơ sở – Trung học phổ thông Ban Mai (quận Hà Đông).

Những kết quả bước đầu này đã góp phần phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp đối với học sinh đang hoặc có nguy cơ gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống, có hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện tại nhiều địa phương chưa được quan tâm, chú trọng; hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng, xã hội về sức khỏe tinh thần và tâm lý học đường chưa phong phú, đa dạng và hiệu quả.

Cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường để thực hiện tư vấn tâm lý cho học sinh còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ; công tác tư vấn tâm lý học đường tại nhiều cơ sở giáo dục thực hiện còn lúng túng, chưa đúng quy trình, chưa bảo đảm đúng yêu cầu; chưa có biên chế nhân sự chuyên trách phụ trách công tác tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục; năng lực của một số cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm tư vấn tâm lý học đường còn hạn chế; nguồn lực cho hoạt động phòng ngừa, hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh chưa được đầu tư.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát việc hiện tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục còn chưa được thường xuyên. Đặc biệt, sau 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều học sinh phổ thông đã gặp các vấn đề tâm lý như căng thẳng, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, trầm cảm, tự tử…

7 nhiệm vụ trọng tâm

Trong năm 2022 và các năm tiếp theo, để bảo đảm và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo tăng cường triển khai công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông, tập trung vào 7 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất: Tiếp tục quán triệt thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ GD&ĐT liên quan đến công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh.

Thứ hai: Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, gia đình – nhà trường – xã hội về vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh. Hoạt động truyền thông cần thực hiện thường xuyên, liên tục, có chiều sâu và có hệ thống bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn.

Thứ ba: Chỉ đạo Sở Y tế và các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội liên quan tại địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT trong triển khai phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp với những trường hợp học sinh có khó khăn về tâm lý.

Thứ tư: Chỉ đạo Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể và hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc, hình thức, nội dung tư vấn tâm lý học đường; có biện pháp phòng ngừa, phát hiện và can thiệp kịp thời về tư vấn tâm lý học đường; có đánh giá, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt hoạt động hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh; chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tại các cơ sở giáo dục về tư vấn tâm lý học đường.

Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo tăng cường triển khai thực hiện tại địa phương mình.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ GD&ĐT (Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên) để phối hợp, giải quyết.

Thứ năm: Chỉ đạo Sở Nội vụ sắp xếp, bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên phụ trách tư vấn tâm lý học đường theo quy định; nghiên cứu cơ chế bố trí cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý theo diện hợp đồng lao động.

Thứ sáu: Xem xét bố trí ngân sách, cơ sở vật chất cho dịch vụ hỗ trợ, tư vấn tâm lý tại địa phương; triển khai giải pháp huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường tính tự chủ cho các cơ sở giáo dục; chỉ đạo các sở, ngành chức năng tham mưu về chế độ đãi ngộ, chính sách liên quan để hỗ trợ, động viên các cán bộ, giáo viên thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục.

Thứ bảy: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục cũng như hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh tại các tổ chức, đơn vị, cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan.

T.P