Khu Phố cổ Hà Nội hay còn gọi khu “36 phố phường” nằm trên địa bàn 10 phường của quận Hoàn Kiếm, là một quần thể kiến trúc độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc Việt, với nhiều phố nghề truyền thống, nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn với phố nghề, tổ nghề trong đó tiêu biểu các phố như: phố Hàng Bạc – nghề Kim hoàn; phố Lãn Ông chuyên kinh doanh đông nam dược; phố Hàng Gai chuyên kinh doanh tơ lụa…
Bên cạnh những giá trị nghề truyền thống, các tuyến phố chuyên doanh còn chứa đựng nhiều tiềm năng để trở thành một nhân tố quan trọng về bảo tồn và phát huy giá trị khu vực 36 phố phường.
Ngay từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XXIV, quận Hoàn Kiếm đã xác định bảo tồn phát huy giá trị di sản, bảo tồn văn hóa truyền thống là lợi thế để quận phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững.
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của khu Phố cổ Hà Nội là nhiệm vụ quan trọng trước mắt và lâu dài. Gắn bảo tồn với phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch bền vững, hiệu quả, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội 50 Đào Duy Từ là điểm đến giao lưu kết nối của nhiều làng nghề, phố nghề truyền thống |
Trong những năm qua, Quận đã tập trung nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tại một số tuyến phố chuyên doanh trong khu Phố cổ Hà Nội như việc bảo tồn, trùng tu đình Kim Ngân 42 Hàng Bạc, Ngôi nhà 51 Hàng Bạc, trùng tu mặt đứng tuyến phố Lãn Ông, bảo tồn trùng tu đình Tú Thị số 2A Yên Thái.
Bên cạnh việc bảo tồn, trùng tu các di tích, các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị phi vật thể đã được Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm quan tâm. Quận đã xây dựng các cơ chế phối hợp để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn các di tích lịch sử – văn hóa phục vụ cho giáo dục truyền thống, phát triển văn hóa, quảng bá phát triển du lịch.
Trong đó, các hoạt động như Lễ hội nghề Kim Hoàn, Tuần lễ Đông nam dược Lãn Ông đã thu hút được sự quan tâm của nhân dân và du khách, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
Tiêu biểu trên tuyến phố Hàng Bạc có ngôi đình Kim Ngân, là một công trình kiến trúc có quy mô khá lớn với tổng diện tích 566,1m2, mang vẻ đẹp đặc trưng của kiến trúc dân gian truyền thống Việt, không gian kiến trúc do hệ khung gỗ tạo ấn tượng độc đáo, riêng biệt.
Hiện nay, ngôi đình này là nơi sinh hoạt cộng đồng phục vụ nhân dân và khách tham quan, là một trong những điểm dừng chân của các tour du lịch, bên cạnh việc phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân trong khu Phố cổ và khách thập phương, ngôi đình này còn là nơi trao đổi chia sẻ kinh nghiệm về nghề và tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian góp phần phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu Phố cổ Hà Nội.
Còn phố chuyên doanh Đông Nam dược Lãn Ông, vào tháng 11/2013, quận Hoàn Kiếm đã khởi công dự án chỉnh trang, bảo tồn mặt đứng tuyến phố từ ngã tư Hàng Cân đến phố Thuốc Bắc dài 120m, vẫn còn giữ được khoảng 85 các hộ gia đình làm nghề thuốc truyền thống.
Gốm Chi nổi tiếng trên đất Hà Thành. |
Phố tơ lụa Hàng Gai thuộc phường Hàng Gai với không gian kiến trúc dọc tuyến phố được sắp xếp tốt và phù hợp cảnh quan do các chủ cửa hàng kinh doanh tự sửa chữa, chỉnh trang. Nghề tơ lụa thu hút rất nhiều khách du lịch và là điểm đến hấp dẫn cho khách tham quan. Con phố với chiều dài khoảng 250 mét nhưng có thời điểm có tới 91/120 cửa hàng kinh doanh tơ lụa hoặc hàng hóa và dịch vụ kết hợp mặt hàng tơ lụa.
Tại Tọa đàm “Nghề thủ công truyền thống Hà Nội – Sáng tạo để phát triển”, ông Đoàn Quang Cường, Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm cho biết, đây có thể coi là 3 tuyến phố chuyên doanh ấn tượng và đặc trưng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước của khu Phố cổ Hà Nội. Tuy vậy, sự biến đổi trong quá trình đô thị hóa đã làm biến đổi không gian cảnh quan, kiến trúc và hoạt động trên các tuyến phố chuyên doanh nói riêng và khu Phố cổ nói chung.
Trên phố Hàng Bạc số cửa hàng kinh doanh kim hoàn giảm từ 90 cửa hàng xuống còn 40 cửa hàng; phố Lãn Ông, cửa hàng làm nghề thuốc truyền thống giảm từ 85 cửa hàng xuống 35 cửa hàng; phố Hàng Gai, cửa hàng kinh doanh tơ lụa giảm từ 91 cửa hàng xuống còn 40 cửa hàng.
Kết nối, mở rộng hợp tác để khai thác thế mạnh phố nghề
Nhằm bảo tồn các giá trị di sản nghề thủ công truyền thống – một trong những nguồn tài nguyên quan trọng của quận Hoàn Kiếm, các giải pháp khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của phố nghề đã được quận Hoàn Kiếm tập trung triển khai.
Theo ông Đoàn Quang Cường, chính quyền đã thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các giá trị của nghề thủ công truyền thống dưới góc độ tài nguyên du lịch văn hóa kết hợp mua sắm cho du khách trong và ngoài nước thông qua các hình thức như xây dựng các ấn phẩm xúc tiến du lịch của quận Hoàn Kiếm; phần mềm ứng dụng hướng dẫn du lịch, xây dựng chuyên mục về du lịch trên Cổng giao tiếp điện tử quận Hoàn Kiếm (bao gồm cả tiếng nước ngoài); tích cực tham gia các hội chợ du lịch và tổ chức hiệu quả các sự kiện quảng bá du lịch trên địa bàn quận.
Quận Hoàn Kiếm khuyến khích sự tham gia và kết nối của các làng nghề – phố nghề, giữa các nghệ nhân và thợ thủ công, giữa các tổ chức, các doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch địa phương. |
Cùng với đó là xây dựng hệ thống thông tin quảng bá du lịch, quảng bá các nghề thủ công truyền thống tại các địa điểm, như: Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội 50 Đào Duy Từ, Trung tâm thông tin di sản phố cổ 28 Hàng Buồm, Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, đình Kim Ngân 42 – 44 Hàng Bạc, đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào… Đồng thời giới thiệu về các phố nghề tiêu biểu của quận Hoàn Kiếm tới du khách trong và ngoài nước thông qua Cổng thông tin 360.
Quận Hoàn Kiếm cũng đa dạng hình thức tổ chức các tour du lịch kết nối trên cơ sở hạt nhân là các di tích lịch sử văn hóa, các phố nghề của quận với các tour, tuyến du lịch của Thành phố. Hình thành các tour, tuyến du lịch văn hóa theo các chuyên đề: tuyến thăm quan các công trình kiến trúc Pháp; tuyến di sản văn hóa đình, đền, chùa, phố cổ, nhà cổ, phố chuyên doanh, phố đi bộ,… Bổ sung các di tích trọng điểm thu hút khách du lịch những yếu tố nhằm phát huy hiệu quả khai thác di tích cao nhất gắn với việc giới thiệu và trưng bày kết hợp trình diễn sản xuất sản phẩm làng nghề, phố nghề.
Cùng với đó là mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ sự trợ giúp quốc tế về vật chất, công nghệ, kinh nghiệm,… trong lĩnh vực bảo vệ và khai thác di sản. Tiếp tục phối hợp sâu rộng với các đối tác quốc tế như: Vùng Ile de France – Thủ đô Paris, Thành phố Toulouse – Cộng hòa Pháp, quận Lichtenberg – Thủ đô Berlin – CHLB Đức,… về nghiên cứu và thực hiện các dự án hợp tác về bảo tồn, phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội, các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu, phố nghề…
Ông Phạm Tuấn Long, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm: Chiến lược Phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bao quát 12 lĩnh vực như: nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, du lịch, văn hóa… và gồm cả thủ công mỹ nghệ vốn là thành tố quan trọng của văn hóa, là nền tảng cho đổi mới, phát triển các ngành thiết kế sáng tạo và du lịch văn hóa. Về phía thành phố Hà Nội, Đề án Phát triển Công nghiệp Văn hóa của Thủ đô đã coi phát triển ngành thủ công mỹ nghệ – làng nghề truyền thống trở thành ngành “công nghiệp sáng tạo” có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố. Các chuyên gia đánh giá, nghề thủ công truyền thống Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để được kỳ vọng là một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa khác phát triển. |
Đồng thời, khuyến khích sự tham gia và kết nối của các làng nghề – phố nghề, giữa các nghệ nhân và thợ thủ công, giữa các tổ chức, các doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Hoàn Kiếm.
Xây dựng những điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, lưu niệm, quà tặng của các làng nghề – phố nghề Hà Nội, nhằm quảng bá tinh hoa làng nghề và tăng tính trải nghiệm cho du khách khi đến với Hà Nội nói chung và khu Phố cổ Hà Nội nói riêng.
Hiện nay, Ủy ban nhân dân quận đã phối hợp, hỗ trợ các quận, huyện, địa phương khác trong công tác giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề tại một số địa điểm trên địa bàn quận như giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sơn mài cho làng nghề sơn mài Hạ Thái, huyện Thường Tín tại Đình Đồng Lạc số 38, phố Hàng Đào. Giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ đồng, bạc truyền thống cho làng nghề vàng bạc Định Công, quận Hai Bà Trưng; Châu Khê, tỉnh Hải Dương; Đồng Xâm, tỉnh Thái Bình; Đại Bái, tỉnh Bắc Ninh tại Đình Kim Ngân.
Phối hợp, hỗ trợ một số làng nghề tổ chức hoạt động giới thiệu về sản phẩm lụa Việt Nam tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội số 50, phố Đào Duy Từ nhân dịp kỷ niệm ngày di sản Việt Nam 23/10. Một số làng nghề đăng ký tham gia định kỳ như: làng nghề Vạn Phúc quận Hà Đông; làng nghề Phùng Xá huyện Mỹ Đức; làng nghề Nha Xá tỉnh Hà Nam…
Quận cũng phối hợp với 3 huyện Thanh Oai, Phú Xuyên, Thường Tín khảo sát, sẵn sàng hỗ trợ điểm giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề của các huyện tại Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Hiện nay, đã hỗ trợ huyện Phú Xuyên điểm bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tò he và đồ gỗ.
Các chuyên gia cho rằng, nghề thủ công truyền thống đang cần sự kết nối và tiếp sức của các nhà thiết kế, các nhà đầu tư và đội ngũ doanh nhân để mỗi sản phẩm thủ công truyền thống mang trong mình thông điệp di sản có tính đại diện của từng địa phương và khu vực. Để các sản phẩm thủ công trở thành món quà được du khách ưu chuộng, sáng tạo sản phẩm mới cần dựa trên giá trị cốt lõi truyền thống.
Việc giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm nguồn nguyên liệu thích ứng, thiết kế mẫu mã sản phẩm, đảm bảo kỹ, mỹ thuật, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong nước và quốc tế có ý nghĩa quan trọng để sáng tạo phát triển.
Bảo Thoa
Tăng lợi ích kinh tế từ khai thác tiềm năng nghề truyền thống (laodongthudo.vn)