Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu tại hội nghị. |
Theo đó, Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố đề xuất mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố tăng lên 60% so với mức quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 và mức tối đa quy định tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Về căn cứ, chỉ số giá tiêu dùng dự kiến đến năm 2025 tăng 50% so với năm 2012, do vậy mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố đề xuất tăng thêm 50%. Ngoài ra, do đặc thù của Thành phố Hà Nội theo quy định Nghị quyết số 115/2020/QH14 đề xuất tăng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản thêm 10%.
Theo Dự thảo, hiện nay, thực trạng nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Thành phố dần cạn kiệt, cần đảm bảo việc khai thác khoáng sản trên địa bàn có hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản. Việc khai thác khoáng sản trên địa bàn có khả năng gây tác động tiêu cực đến môi trường, do đó, cần phải áp dụng mức thu cao để phòng ngừa, hạn chế, khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường và yêu cầu về bảo vệ đê điều, bảo vệ nông nghiệp tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản. |
Cụ thể, theo Dự thảo Nghị quyết: Đá làm vật liệu xây dựng thường từ 5.000 đồng/m3 lên 8.000 đồng/m3; các loại đá khác (đá vôi, đá sét làm xi măng, Puzolan) từ 3.000 đồng/tấn lên 4.800 đồng/tấn; các loại cát khác (cát san lấp, cát xây dựng…) từ 4.000 đồng/m3 lên 6.400 đồng/m3; đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình từ 2.000 đồng/m3 lên 3.200 đồng/m3; đất sét, đất làm gạch, gói từ 2.000 đồng/m3 lên 3.200 đồng/m3; cao lanh từ 7.000 đồng/m3 lên 11.200 đồng/m3; nước khoáng thiên nhiên từ 3.000 đồng/m3 lên 4.800 đồng/m3; than bùn từ 10.000 đồng/tấn lên 16.000 đồng/tấn.
Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết, các chuyên gia và các nhà khoa học đều nhất trí, việc ban hành quyết định mới về thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố là cần thiết.
Theo TS. Đinh Hạnh – Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế (Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội), mức đề nghị tăng thu phí bảo vệ môi trường khoáng sản đang được khai thác trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay là 60% so với mức thu hiện hành là phù hợp, có sự đồng thuận của các đối tượng đang hoạt động khai thác khoáng sản được thể hiện trong quá trình lấy ý kiến.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại hội nghị. |
Tuy nhiên, TS. Đinh Hạnh cho rằng, không nên đồng đều giá 60% cho 8 loại khoáng sản mà cần định thuế riêng lẻ cho từng loại bởi nhu cầu, mức độ khan hiếm, mức độ gây ô nhiễm môi trường, giá cả mỗi loại khoáng sản cũng khác nhau.
Còn theo ông Phạm Ngọc Thảo – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, hiện nguồn khoáng sản nói chung và tại thành phố Hà Nội nói riêng đang ngày càng cạn kiệt. Các tổ chức tham gia khai thác khoáng sản ngày càng nhiều, cùng với đó vấn đề gian lận ngày càng nghiêm trọng, giá bán tăng cao, lợi nhuận mang lại cho các đơn vị xây dựng rất lớn, trong khi đó thuế đánh vào khai thác khoáng sản có tăng nhưng tỷ lệ tăng còn thấp; việc khai thác cát nhiều gây sụt lún các dòng sông, thay đổi dòng chảy… Chính vì vậy, cần đánh giá đúng về mức độ vi phạm môi trường để định giá thuế, phí cho đúng.
Trân trọng ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, đây cũng là những gợi ý cho công tác quản lý Nhà nước, đặc biệt với các vấn đề trọng yếu như môi trường. Mục tiêu của việc tăng mức phí thu bảo vệ môi trường là cơ bản bù đắp một phần nhỏ ngân sách, định hướng khuyến khích các mặt hàng ngành nghề.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Minh Hải cho biết, những ý kiến, đóng góp tại hội nghị hôm nay sẽ là cơ sở để Ủy ban nhân dân Thành phố bổ sung, hoàn thiện Dự thảo, để xây dựng Nghị quyết có chất lượng, hiệu quả, có giá trị thực tiễn.
Các chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị. |
Kết luận hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, các căn cứ pháp lý, cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn của Nghị quyết đều rất đầy đủ, tuy nhiên cần căn cứ vào các cơ sở chính trị như Đại hội XIII của Đảng, Chương trình 05 của Thành ủy… để dẫn dắt cho sự thay đổi về phí, mức phí.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, việc quy định mức phí ngoài đóng góp một phần nhỏ cho ngân sách, còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp; khuyến khích công nghệ khai thác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế những tác động tới môi trường… Do vậy, đối với mức tăng 8 loại khoáng sản, cần tiếp tục nghiên cứu chặt chẽ, khoa học, từ nhu cầu tới mức độ khan hiếm… để xác định mức tăng cho từng loại khoáng sản, tiến tới hạn chế khai thác các khoáng sản có tác động lớn tới sự phát triển của Thành phố.