Tăng quản lý để lễ hội văn minh, giàu bản sắc

Sau thời gian dài bị “ngắt quãng” vì dịch Covid-19, xuân Quý Mão 2023, các di tích trên địa bàn Thủ đô đã tưng bừng khai hội trở lại với sự tham gia của hàng nghìn lượt khách. Năm nay, hoạt động lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, công tác tổ chức và quản lý được đặc biệt chú trọng với kế hoạch bài bản, hướng tới một mùa lễ hội văn minh, giàu truyền thống.

Nét đẹp từ sự đổi mới

Là một trong những điểm đến thu hút du khách bậc nhất miền Bắc, từ Tết Nguyên đán cho đến nay, chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) luôn trong tình trạng tấp nập người đi lễ. Trong đó, đông nhất là vào ngày khai hội (mồng 6 tháng Giêng) và Rằm tháng Giêng, mỗi ngày nơi đây đón hàng chục nghìn lượt khách.

Để chuẩn bị cho mùa lễ hội năm nay, từ cuối năm 2022, Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức đã tập huấn ứng xử văn minh du lịch cho người dân tham gia các hoạt động du lịch, dịch vụ ở lễ hội. Đối với công tác tuyên truyền, ngay từ đường vào khu vực chùa, dọc suối Yến cho đến các không gian thờ tự, Ban tổ chức treo nhiều bảng biển, phát loa phóng thanh, tờ rơi tuyên truyền về văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.Các hộ gia đình tham gia kinh doanh, hoạt động dịch vụ ký cam kết bán hàng niêm yết giá, không tự ý nâng giá dịch vụ…

Tăng quản lý để lễ hội văn minh, giàu bản sắc
Đông đảo du khách tới tham dự lễ hội chùa Hương.Ảnh: Lê Thắm

Theo ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban Quản lý Khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn: “Điểm nổi bật của Lễ hội chùa Hương năm nay là Ban tổ chức đã đổi mới hình thức bán vé tham quan, từ hình thức vé truyền thống sang mô hình vé điện tử. Đồng thời, sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé, bỏ việc bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đông Khê để bảo đảm thông thoáng, tạo điều kiện cho du khách tham quan, trảy hội”.

Đáng chú ý, năm nay, Ban tổ chức cũng thí điểm mô hình chạy xe điện tại các điểm bến xe để du khách về chùa Hương có thể thuận tiện tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp của xã Hương Sơn. Nhờ đổi mới trong quản lý và tổ chức, mặc dù lượng khách đông nhưng không xảy ra tình trạng chen chúc, lộn xộn. Nạn “rải” tiền lẻ, thắp hương, đốt vàng mã giảm hẳn. Bà Đinh Thị Hương (Láng Thượng, Đống Đa) cho biết: “Đã mấy năm rồi, tôi mới đi lễ ở chùa Hương. Năm nay người đi lễ rất đông, nhưng khi đi lễ thấy yên tâm hơn, các nơi thờ tự đều văn minh hơn so với trước đây”.

Tương tự, tại đền Sóc (huyện Sóc Sơn), Hội Gióng được khai mạc vào sáng mùng 6 Tết Quý Mão là một trong những lễ hội lớn nhất của Hà Nội dịp đầu xuân năm mới. Năm 2023, huyện Sóc Sơn đã có những đổi mới để lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo đó, huyện đã xây dựng kịch bản cụ thể mở rộng khu vực diễn ra các trò chơi dân gian để tránh tình trạng tập trung cục bộ tại khu vực trung tâm; bố trí những bãi đỗ xe rộng rãi hơn để đáp ứng nhu cầu của du khách. Lễ hội cũng thay đổi hình thức phát lộc bằng cách chia nhỏ số lượng giò hoa tre ra các ngôi đền, cho nên đã không xảy ra tình trạng tranh cướp. Nhiều du khách cho biết, dù đông người dự lễ nhưng việc chặt chém, chèo kéo đã hạn chế rất nhiều so với những lễ hội trước.

Còn tại Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), Rằm tháng Giêng luôn là thời điểm du khách tập trung đi lễ đông đúc nhất. Khác với những năm trước, năm nay, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa ủy ban, lực lượng công an và ban quản lý di tích, tình trạng chen lấn xô đẩy đã giảm bớt. Lượng người đổ về đông nhưng ai nấy đều hành lễ văn minh, nghiêm túc. Ban quản lý di tích cũng thường xuyên nhắc nhở khách giữ gìn vệ sinh chung khi đi lễ, thắp hương, hóa vàng đúng nơi quy định.

Phối hợp chặt chẽ đảm bảo an ninh, an toàn

Hà Nội có khoảng 1.200 lễ hội mỗi năm, với nhiều lễ hội lớn như: Hội Gióng (Sóc Sơn), Tản Viên Sơn Thánh (huyện Ba Vì), Cổ Loa (huyện Đông Anh)… và các di tích thu hút đông người đi lễ đầu năm như: Phủ Tây Hồ, Chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ). Mùa lễ hội năm nay dự báo lượng khách tham gia sẽ tăng cao do nhu cầu du lịch, tham quan sau thời gian dài tạm hoãn do dịch Covid-19. Lường trước tình huống này, các địa phương tổ chức lễ hội xuân đều chủ động “đi trước” mùa lễ hội, xây dựng và triển khai kế hoạch từ rất sớm, trong đó tập trung giải pháp xử lý ùn tắc giao thông, phòng, chống dịch bệnh, cháy nổ, ô nhiễm môi trường…

Là địa bàn có hàng chục lễ hội diễn ra từ đầu năm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình Phạm Thị Diễm cho biết, để phục vụ cho mùa lễ hội, quận đã thành lập các đoàn kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và kiểm tra chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, niêm yết công khai giá dịch vụ; kiểm tra, ngăn chặn các hành vi gian lận đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng lễ hội để tăng giá, ép giá. Đồng thời, quận cũng kiểm tra công tác quy hoạch sắp xếp hàng quán, dịch vụ nơi trông giữ phương tiện giao thông; công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cháy, nổ; công tác bảo đảm vệ sinh môi trường; việc quản lý thu, chi tiền…

Về phía huyện Mỹ Đức, để duy trì công tác đảm bảo an ninh trật tự, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh – Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2023 thông tin, Ban Tổ chức lễ hội đã thành lập 7 tiểu ban, một trạm kiểm soát và một tổ kiểm tra liên ngành bảo đảm bảo an ninh, trật tự khu vực trong lễ hội và xung quanh lễ hội; bảo vệ tuyệt đối an toàn cho du khách về tham quan lễ phật.

Các hành vi chèo kéo, ép giá, tranh giành khách, đổi tiền lẻ, cờ bạc, hành nghề mê tín dị đoan… sẽ được kiểm soát, xử lý nghiêm bởi 4 tổ an ninh trật tự, thường trực tại các điểm trọng yếu, như: Khu vực Thiên Trù – Hương Tích – Giải Oan, khu vực bến đò Thiên Trù, khu vực đền Trình – bến Yến, khu vực trung tâm xã Hương Sơn – tuyến chùa Thanh Sơn – Long Vân – Tuyết Sơn. Bên cạnh việc đảm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh…

Tại quận Tây Hồ, công tác phòng cháy, chữa cháy và đảm bảo an ninh trật tự đặc biệt được quan tâm. Theo đó, Công an quận Tây Hồ đã sớm triển khai các phương án đảm bảo phòng, chống cháy nổ tại Phủ Tây Hồ. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn Công an quận đã tiến hành kiểm tra công tác phòng cháy tại Phủ Tây Hồ. Đặc biệt là tại những nơi có nguy cơ cháy, nổ cao như: Bếp nấu ăn, các bãi đỗ xe, các hộ kinh doanh, buôn bán; kiểm tra hệ thống điện; tình trạng, khả năng hoạt động của phương tiện phòng cháy chữa cháy tại chỗ… để kịp thời phát hiện, hướng dẫn khắc phục các tồn tại, vi phạm. Quận cũng mạnh tay xử lý các trường hợp chặt chém giá trông giữ phương tiện. Cụ thể, từ Mùng 1 Tết Nguyên đán đến Rằm tháng Giêng, quanh các lễ hội trên địa bàn, đặc biệt là Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, lực lượng chức năng quận Tây Hồ đã xử lý 55 trường hợp lấn chiếm vỉa hè tổ chức trông giữ phương tiện sai phép, không niêm yết giá theo quy định…

Đã thành nét đẹp văn hóa, mùa Xuân luôn gắn liền với những lễ hội truyền thống của người Việt. Mong rằng công tác quản lý lễ hội ở các địa phương được thực thi nghiêm túc, mỗi người dân tham gia lễ hội đề cao ý thức, trách nhiệm vì cái chung, vì cộng đồng để lễ hội thực sự là điểm đến văn hóa tâm linh hấp dẫn cho du khách.

Lê Thắm