Tạo điểm tựa để nông dân thoát nghèo

Nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, huyện Phúc Thọ đã tập trung huy động nguồn vốn tín dụng chính sách, lồng ghép với các nguồn lực khác và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển nông nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.

Tạo điểm tựa để nông dân thoát nghèo
Mô hình xưởng nhôm kính, inox nhà chị Nguyễn Thị Ánh Sáng (thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ) phát huy hiệu quả từ nguồn vốn chính sách.

Song song với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phúc Thọ trong phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có cuộc sống ổn định, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp.

Là một trong nhưng trường hợp được hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo, chị Vũ Thị Ngọc (xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ) chia sẻ, bắt đầu từ năm 2012, gia đình chị được Hội Phụ nữ xã Ngọc Tảo và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phúc Thọ tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng để phát triển mô hình chăn nuôi bò và lợn nái sinh sản. Qua nhiều năm sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay, đến nay gia đình chị đã trả hết số vốn vay 30 triệu đồng, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Ánh Sáng (thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ) cũng chia sẻ, chị biết đến nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội từ năm 2015. Sau đó chị đăng ký và được xét duyệt cho vay 30 triệu đồng chương trình vay giải quyết việc làm. Với số tiền đó, gia đình chị đã đầu tư phát triển cửa hàng inox của gia đình. Mới đây, gia đình chị tiếp tục vay vốn từ chương trình giải quyết việc làm với tổng số tiền 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, cộng với nguồn vốn tích lũy, gia đình chị đã mở rộng quy mô sản xuất mang tên: Xưởng sản xuất nhôm kính, inox Hưng Thịnh với tổng diện tích trên 400m2, mỗi tháng tạo việc làm ổn định cho 7 lao động địa phương với mức lương bình quân từ 8-15 triệu đồng/người/tháng.

Thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, cùng với phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Phúc Thọ. Năm 2010, số hộ nghèo là 4.801 hộ, tỷ lệ 11,84%; năm 2019 giảm còn 1.217 hộ, tỷ lệ 2,39%; năm 2020 còn 591 hộ nghèo, tỷ lệ 1,14%. Đến năm 2021, toàn huyện không còn hộ nghèo; hộ cận nghèo cũng giảm từ 2.002 hộ xuống còn 98 hộ, chiếm 0,19%.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, an sinh xã hội được đảm bảo, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao đã tạo tiền đề, động lực để huyện Phúc Thọ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Phương Huế – Mạnh Quân
https://laodongthudo.vn/tao-diem-tua-de-nong-dan-thoat-ngheo-135649.html