Tạo đột phá để Hà Nội vươn mình

Là Thủ đô có diện tích lên tới trên 3.000 km2, khoảng gần 10 triệu dân, tới đây sẽ còn tăng thêm thì việc có một đạo luật mới – Luật Thủ đô (sửa đổi) để tạo hành lang pháp lý đưa Hà Nội ngày càng phát triển, xứng đáng với vị thế, vai trò và xứng tầm khu vực là điều quan trọng.

Một trong những nội hàm của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm tạo cơ chế bằng cách đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong nhiều lĩnh vực giúp Hà Nội huy động được mọi nguồn lực để phát triển thành phố, Vùng Thủ đô nhanh, bền vững theo hướng hiện đại – văn minh – giàu bản sắc.
Tạo đột phá để Hà Nội vươn mình
Các chuyên gia kỳ vọng, nếu dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp tới của Quốc hội sẽ tạo các bước đột phá để Hà Nội phát triển xứng tầm khu vực (Ảnh hạ tầng giao thông Thủ đô đang phát triển theo hướng đồng bộ- hiện đại- kết nối- lan tỏa).

Theo các chuyên gia, trong số 9 nội dung mới được đề cập tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) so với luật hiện hành, 2 nội dung được xem là quan trọng nhất, vừa có tính giải quyết các vấn đề cấp bách, vừa có tính lâu dài đó là: Phân quyền mạnh cho Hà Nội thu hút nguồn lực tài chính cũng như được quyết định các dự án đầu tư lớn; có cơ chế trả lương và thu hút nhân tài riêng.

Về nội dung liên quan đến tài chính, với một thành phố có nguồn thu ngân sách Nhà nước trên 330.000 tỷ đồng/năm, đồng nghĩa với việc quy mô đầu tư cũng rất lớn. Nếu vẫn bó hẹp theo nguyên tắc nhóm A, B, C… như hiện tại thì “quy trình” xin, thẩm tra, ra quyết định đầu tư sẽ rất khó khăn. Do đó, các chuyên gia cho rằng, với các dự án có vốn đầu tư từ 20.000 tỷ đồng trở xuống thì thẩm quyền quyết định thuộc về HĐND thành phố Hà Nội; các dự án có quy mô từ 500 triệu USD trở xuống thuộc thẩm quyền cấp phép của Thành phố… Ngoài ra, mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), cơ chế thu hút vốn, phát hành trái phiếu Thủ đô cũng phải được nới rộng hơn quy định chung cả nước. Nếu “khai thông”, “phân quyền” cao hơn trong lĩnh vực tài chính, chỉ trong vòng 5 năm tới (khi Luật Thủ đô sửa đổi dự kiến được thông qua vào kỳ họp đầu năm 2024), thì Hà Nội sẽ thu được nguồn vốn đầu tư rất lớn cho phát triển.

Cạnh đó, về cơ chế lương và thu hút nhân tài. Theo thống kê, hiện tại cũng như tương lai, Hà Nội là một trong những thành phố có giá cả và mức chi tiêu đắt đỏ. Nên nếu không có cơ chế để trả lương cho công chức, viên chức cao hơn mặt bằng chung cả nước thì đời sống người lao động sẽ rất khó khăn, không phát huy được tính sáng tạo, đồng nghĩa với năng suất lao động sẽ không cao.

Vì vậy, điều quan trọng, Luật phải cho phép có cơ chế trả lương cho công chức, viên chức cao hơn mặt bằng chung cả nước. Cạnh đó, có quy định rõ ràng về thang bảng lương để thu hút nhân tài. Thu hút nhân tài không máy móc, rập khuôn dựa trên văn bằng, mà dựa trên công việc (khoán việc). “Cách mạng” về cơ chế trả lương và trọng dụng nhân tài cần đi liền với xây dựng quy chế kiểm soát, đánh giá chất lượng công việc chính là chìa khóa để biến mảnh đất lành Thủ đô ngày càng thu hút nhiều nguồn nhân lực từ trong và ngoài nước.

Tin tưởng rằng, tại kỳ họp tới, khi được các đại biểu Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), nếu khai thông được hai trong số các nội dung trong dự thảo, Hà Nội sẽ có cơ hội để bứt phá, sớm sánh vai với các thủ đô, thành phố lớn trong khu vực và thế giới. Xứng là một trong hai trung tâm kinh tế của đất nước.

H.Lê