Hà Nội là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của cả nước. Hơn bất kỳ đâu, vai trò của giao thông đặc biệt quan trọng với Hà Nội. “Mạch máu” giao thông có phát triển, thì kinh tế mới phát triển, Thủ đô mới có thể hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, có thực tế nan giải, “bài toán” khó Hà Nội phải đối mặt là tỉ lệ đất dành cho giao thông thấp, mật độ dân số lại tập trung cao. Nhiều chuyên gia giao thông cũng chỉ ra, ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp tại Thủ đô xuất phát từ việc lưu lượng giao thông tăng đột biến và hạ tầng không theo kịp.
Thời gian qua, hạ tầng giao thông Thủ đô từng bước được đồng bộ, tăng tính kết nối. Ảnh: Đinh Luyện |
Điểm giao cắt tuyến đường Nguyễn Xiển – Xa La (còn gọi là đường Chu Văn An) nối quận Hoàng Mai với huyện Thanh Trì và đường 70 tại Thủ đô Hà Nội là ví dụ. Theo ghi nhận, trục giao thông này gần đây là điểm nóng, gây bức xúc cho không ít người và phương tiện lưu thông. Theo đó, từ khi tuyến đường Nguyễn Xiển – Xa La đưa vào khai thác xuất hiện tình trạng một đoạn đường dù chỉ kéo dài 300 – 400m nhưng có tới ba nút giao cắt tại các vị trí: Ngã ba Xa La – đường 70, trước cổng Bệnh viện K và điểm giao cắt với đường 70 với tuyến đường Nguyễn Xiển – Xa La.
Đáng nói, ở khung giờ từ 6h30 – 8h30 và 17h30 – 19h lưu lượng phương tiện giao thông đổ dồn về đây cao đột biến dẫn đến xung đột giữa các dòng phương tiện. Đoạn đường thường xuyên ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm vượt quá khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng, vì vậy dù có hệ thống đèn tín hiệu, lực lượng chức năng phân luồng… song hiệu quả giảm ùn tắc vẫn không được triệt để.
Tại tọa đàm “Những nỗ lực giải cứu giao thông Hà Nội”, Thiếu tướng Lê Xuân Đức – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cũng chỉ ra, vấn đề mà các cơ quan quản lý Nhà nước và người dân hết sức quan tâm là ùn tắc giao thông. Đây là một vấn đề hết sức nan giải và là một nhiệm vụ cấp bách phải giải quyết.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho rằng, việc phát triển hạ tầng giao thông hiện nay đang bất cập khi đô thị phát triển nhưng đường sá và giao thông không được phát triển đồng bộ. Cụ thể, theo Luật Giao thông đường bộ, với một tốc độ phát triển như những năm gần đây thì hạ tầng giao thông phải đạt được từ 16 – 25%, nhưng hiện nay thì con số đó đang ở dưới 10%. Đây là một sự bất cập. Ngoài ra, vấn đề phải đối mặt thứ 2 là sự phát triển giữa các khu đô thị, các khu chung cư cao tầng quá mạnh, ngược lại hạ tầng giao thông lại “đuối hơi”, không theo kịp sự phát triển.
Chẳng hạn, một tòa chung cư khi đưa vào sử dụng thì số dân cư tập trung đông, tương ứng với một phường. Điều này cũng tỉ lệ thuận với nhiều tòa chung cư thì tỷ lệ dân cư cũng tương đương nhiều phường trong nội đô. Đi kèm với sự phát triển chung cư là các thiết chế cần thiết như trường học, bệnh viện…
Điều này là một trong những nguyên nhân khiến chủ trương đưa trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô không đạt kết quả như mong muốn. Đại bộ phận người dân vẫn đổ dồn về trung tâm. Thứ nữa là sự gia tăng của các phương tiện giao thông. Với một mức độ gia tăng dân cư đông đúc như hiện nay, trung bình 1 năm số phương tiện cá nhân sẽ tăng từ 15-20%. Bởi vậy, viễn cảnh một lúc nào đó, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trên mặt đường sẽ toàn ô tô và xe máy là hoàn toàn có thể xảy ra.
Từng bước hoàn thiện kết nối
Thực tế, tại Hà Nội thời gian gần đây nhiều công trình giao thông đã được đầu tư xây dựng góp phần nâng cao năng lực giao thông Thủ đô, tăng tính kết nối, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Dự án giao thông trọng điểm hầm chui Lê Văn Lương-Vành đai 3 là ví dụ.
Theo ghi nhận, hầm chui có mặt cắt ngang gồm hai hầm riêng biệt, mỗi hầm rộng 7,75m với hai làn xe cơ giới, mỗi làn rộng 3,5m. Hầm chui Lê Văn Lương được đưa vào sử dụng đã góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông trong khu vực. Với 3 mức lưu thông: Trên cao – đi bằng – đi ngầm, đây được xem là một trong những nút giao hiện đại bậc nhất Thủ đô.
Hạ tầng giao thông Hà Nội được đầu tư đồng bộ, nhiều công trình được khởi công xây dựng góp phần hoàn thiện “bức tranh” giao thông Thủ đô. Ảnh: Đinh Luyện |
Bên cạnh hầm chui Lê Văn Lương-Vành đai 3, Hà Nội cũng khởi công hầm chui nút giao Kim Đồng – Giải Phóng. Công trình này có quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư 780 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, thời gian thực hiện là 30 tháng. Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 – Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình 3.
Tại buổi lễ khởi công, trao đổi với Lao động Thủ đô, ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư, xây dựng các công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, điểm đầu của hầm chui kết nối với dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng – Quốc lộ 1A. Điểm cuối kết nối với đường Kim Đồng hiện hữu, cách vị trí giao cắt với Quốc lộ 1A khoảng 460m. Đoạn qua hầm tổ chức giao thông mỗi chiều 2 làn xe rộng 3,5m/làn, đoạn ngoài hầm tổ chức giao thông mỗi chiều 3 làn xe rộng 3,5m/làn. Cùng với công trình hầm chui nút giao Kim Đồng – Giải Phóng, dự án Vành đai 2,5 có tổng chiều dài theo quy hoạch ban đầu là 19,41km; quy mô mặt cắt ngang từ 40 – 50m sẽ góp phần giải phóng tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực.
Ông Hồ Đức Phúc, Giám đốc liên danh Tập đoàn Cienco 4 cho biết, Tập đoàn Cienco 4 là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong triển khai các công trình hầm chui. Nhiều hầm chui như Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Trung Hòa… đã được đưa vào sử dụng, góp phần giảm ùn tắc giao thông Thủ đô. Tiếp nhận nhiệm vụ thi công gói thầu 2,5 hầm chui Kim Đồng – Giải Phóng, ngay sau khi khởi công dự án, nhà thầu sẽ tập trung huy động thiết bị, nhân lực triển khai rào toàn bộ phạm vi đã được bàn giao mặt bằng. Trên cơ sở song song với việc triển khai ở công trường thì cũng sẽ thực hiện tính toán các biện pháp thi công, bản vẽ thi công, các phương án phân luồng giao thông.
Giống như hầm chui Kim Đồng – Giải Phóng, Hà Nội cũng khởi công Dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đường sắt số 3 Hà Nội. Dự án với nhiều hạng mục như sửa chữa và mở rộng cầu, đường, tăng khả năng kết nối xe buýt… được triển khai nhằm mục đích nâng cao năng lực vận hành cho tuyến đường sắt đô thị. Đồng thời, Dự án còn có mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, khuyến khích hành khách chuyển từ sử dụng các phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, hướng tới tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại.
Bám sát tiến độ, kiểm soát chặt chẽ chất lượng
Dù còn nhiều thách thức từ hạ tầng song nhìn nhận trên bình diện chung, diện mạo giao thông Hà Nội ngày càng thay đổi theo hướng khang trang, hiện đại. Thành phố đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, dự án hạ tầng giao thông. Các công trình kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Đường bộ chính là một trong những thế mạnh của Hà Nội.
Mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định là một trong ba đột phá chiến lược cần tập trung thực hiện để phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030. Đây cũng là một trong những định hướng lớn, trọng tâm được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội; trong đó, việc phát triển phương thức giao thông vận tải khối lượng lớn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông khung của Thành phố theo quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và hạn chế ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô. |
Theo tìm hiểu, Hà Nội hiện có 11 tuyến đường vành đai, trục hướng tâm đi qua địa bàn. Trong đó có 7 tuyến hướng tâm gồm: Hà Nội – Hải Phòng; Hà Nội – Hạ Long; Láng – Hòa Lạc – Hòa Bình; Hà Nội – Thái Nguyên; Hà Nội – Lạng Sơn; Hà Nội – Lào Cai; Pháp Vân – Cầu Giẽ với tổng chiều dài 113,2km. Cùng với đó, Hà Nội cũng đang nỗ lực triển khai và khép kín 3 tuyến Vành đai: 3, 4, 5. Việc đầu tư, hình thành các tuyến cao tốc và vành đai như đã trên góp phần kết nối giao thông, phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho Hà Nội tới các địa phương lân cận như Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên.
Ban Quản lý dự án Đầu tư, xây dựng các công trình giao thông thành phố Hà Nội thông tin, hiện công tác thi công một số dự án trọng điểm trên địa bàn Thủ đô do đơn vị làm chủ đầu tư sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới. Chẳng hạn, Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), đến nay, đã giải ngân được 55,6% kế hoạch vốn, Dự án đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trụ cầu giữa lòng sông. Theo dự kiến, thời gian hoàn thành toàn Dự án vào tháng 6/2023.
Được biết, Dự án này được khởi công tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng. Công trình có tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,5km, mặt cắt ngang 19,3m; điểm đầu giao với đường Nguyễn Khoái và phố Minh Khai, điểm cuối giao với đường Long Biên – Thạch Bàn, đường Cổ Linh. Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sau khi khớp nối với đường Vành đai 2 trên cao sẽ tạo thành trục giao thông hoàn chỉnh từ trung tâm Thủ đô tới khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố. Đồng thời, Dự án sẽ giảm bớt áp lực cho tuyến giao thông trọng điểm của Hà Nội, nhất là giảm tải lưu lượng xe trên cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3.
Tương tự, Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, Dự án có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đường trên cao và 4km đi ngầm với tổng mức đầu tư 32,9 nghìn tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, tiến độ toàn Dự án đạt khoảng 75,8%, trong đó đoạn trên cao đạt 97%, đoạn ngầm đạt 42%. Thành phố cùng chủ đầu tư đang tập trung đẩy nhanh công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, dự kiến đưa vào sử dụng đoạn trên cao dài 8,5km phục vụ người dân Thủ đô vào cuối năm 2022, đồng thời tiếp tục hoàn thiện đoạn đi ngầm dài 4km theo kế hoạch./.