Tạo lập quy hoạch Thủ đô xứng tầm, đảm bảo tính khả thi

Hà Nội là vùng địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ nhiều lớp tinh hoa văn hóa, hun đúc nên biểu tượng văn hóa, văn minh, văn hiến. Trong suốt chiều dài lịch sử, thời kỳ nào Hà Nội cũng là đầu não, trung tâm kinh tế, trung tâm văn hóa của cả nước. Vị thế này của Hà Nội tiếp tục được khẳng định trong định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Điểm nghẽn” trong phát triển Thủ đô

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, đại diện cho đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập đồ án Quy hoạch Thủ đô, Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển.

Về địa hình, Hà Nội vừa có đồi, núi, đồng bằng. Về tài nguyên rừng, chiếm 1,18% đất tự nhiên nhưng mang nhiều giá trị lịch sử văn hóa, trong đó có những cảnh quan thiên nhiên hết sức đặc biệt, riêng có của Hà Nội.

Về sông hồ, Hà Nội có tới 13 dòng sông cùng hàng trăm hồ lớn nhỏ mang đậm bề dày văn hóa, lịch sử, đi vào thơ ca… Ngoài ra, Hà Nội còn đứng đầu cả nước với 5922 di tích, 1793 di sản văn hóa phi vật thể, 1700 lễ hội, 4 tiểu vùng văn hóa (xứ Bắc, xứ Đoài, xứ Đông và xứ Sơn Nam).

Về tài nguyên con người, Hà Nội có khoảng 80% số trường đại học, viện nghiên cứu; 82% số phòng thí nghiệm trong điểm quốc gia, 65% tổng số GS, PGS.TS và TSKH. Đây là tiềm năng, nguồn lực vô giá cho sự đổi mới, sáng tạo của Thành phố.

tap-lap-1(1).jpg
Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển.

Tuy nhiên, thực trạng đô thị phản chiếu nhiều bất cập. Mật độ xây dựng dày đặc nhưng mật độ dân số và kinh tế không cao. Tình trạng ùn tắc giao thông và ngập úng diễn ra thường xuyên. Các chung cư cũ chưa được cải tạo tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và mỹ quan. Đó là chưa kể tới tình trạng ô nhiễm và suy giảm chất lượng không khí, chất lượng nước mặt các sông hồ, ô nhiễm nước ngầm.

Hà Nội có Luật Thủ đô nhưng thiếu các quy định về thể chế vượt trội. Nhiều nguồn lực của Thủ đô chưa được khai thác hiệu quả, chưa phát huy được các tiềm năng, lợi thế của để biến thành động lực, đột phá phát triển như nguồn lực di sản văn hóa, nguồn lực cảnh quan thiên nhiên, mặt nước sông hồ, nguồn lực phát triển cải tạo đô thị, nguồn lực đất, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, môi trường đầu tư chưa vượt trội so với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đều không cao trong những năm gần đây. Thể chế, mô hình quản trị của Hà Nội hiện chưa đầy đủ, chưa phù hợp với yêu cầu đặc thù của Thủ đô. Thiếu cơ chế trao quyền, trách nhiệm và bảo vệ cán bộ để xây dựng bộ máy hiệu lực, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Năng lực, ý thức và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ trong bộ máy quản lý còn hạn chế, e dè, né tránh, thiếu sáng tạo, chưa có tinh thần dám nghĩ dám làm trong thực thi công vụ; chưa tạo được bộ máy chính quyền hiệu lực, hiệu quả với tinh thần phục vụ. Theo GS.TS Hoàng Văn Cường đây là những “điểm nghẽn” mà Hà Nội cần giải quyết nhằm đảm bảo cho sự phát triển trong giai đoạn tới.

Triết lý phát triển “Văn hóa – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”

Trên cơ sở thực trạng cùng những điểm nghẽn trong phát triển Thủ đô, dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định 4 yếu tố văn hóa, văn hiến, văn minh Thăng Long – Hà Nội là tư tưởng, triết lý xuyên suốt trong phát triển Thủ đô.

Về quan điểm phát triển Thủ đô Hà Nội, các đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô cũng đã đưa ra 5 quan điểm trọng tâm, bao gồm: Phát triển Thủ đô nhanh, bền vững, sáng tạo, bao trùm; tạo dựng hình ảnh, vị thế quốc gia trên trường quốc tế; Phát huy nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể chủ thể, nguồn lực và là mục tiêu của phát triển, lấy lợi ích của đa số và vì sự phát triển Thủ đô trên cơ sở giải quyết hài hòa lợi ích các bên làm tiêu chuẩn cho sự thay đổi; Tôn trọng, gìn giữ, khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, lịch sử thành nguồn lực phát triển bền vững, phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế; Phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, khai thác hiệu quả những lợi thế đặc thù của phát triển bền vững; Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, an toàn tuyệt đối và chủ động hội nhập quốc tế.

Theo gợi ý của các chuyên gia, tầm nhìn và khát vọng của Thủ đô Hà Nội trong bản Quy hoạch dự kiến như sau: Thành phố di sản, có văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang bản sắc Thủ đô ngàn năm văn hiến và được bảo tồn, phát huy, nâng tầm bằng công nghệ số; Thành phố xanh, thông minh, thịnh vượng và thanh bình; Thành phố đặc sắc, là điểm đến của du lịch văn hoá, ẩm thực và trung tâm dịch vụ chất lượng cao; thành phố của các sự kiện quốc tế thường niên, thành phố sáng tạo; Thành phố hội nhập toàn cầu, nơi hội tụ – kết tinh – lan tỏa, đưa hình ảnh của Thủ đô, đất nước hòa bình, thịnh vượng, mến khách đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Thành phố có chất lượng cuộc sống cao – được xây dựng với hệ giá trị bao gồm 8 đặc trưng: Thủ đô Văn hiến, kết nối toàn cầu – Thanh lịch hào hoa – Phát triển hài hoà – Thanh bình thịnh vượng – Chính quyền phục vụ – Doanh nghiệp cống hiến – Xã hội niềm tin – Người dân hạnh phúc.

ha-minh-hai-2.jpg
Hệ giá trị cơ bản để xây dựng và phát triển Thủ đô.

Những đặc trưng nêu trên có thể được coi là hệ giá trị cơ bản để xây dựng và phát triển Thủ đô với nguyên tắc xác định người dân – con người là mục tiêu quan trọng nhất, mục tiêu cuối cùng, là tài sản quan trọng nhất trong quá trình lập Quy hoạch Thủ đô.

5 khâu đột phá, 6 trụ cột phát triển

Để có thể đạt được các mục tiêu tổng quát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô đề xuất 5 khâu đột phá trong đó ngoài 3 khâu then chốt về thể chế, quản trị; hạ tầng kết nối và nguồn lực nhân văn, còn có 2 khâu đột phá về đô thị và dịch vụ bất động sản; môi trường và cảnh quan. Đối với nguồn lực nhân văn, tập trung chú trọng tạo hệ sinh thái cho chuyển giao, ứng dụng KHCN, tạo không gian văn hóa và cơ chế khai thác các tiềm năng, di sản văn hóa.

6 trụ cột phát triển Thủ đô được định hướng gồm: Thành phố toàn cầu, văn hiến, văn minh, hiện đại; thể chế và năng lực quản trị, văn hoá và di sản; đô thị xanh, kinh tế tuần hoàn; hạ tầng giao thông vận tải hiện đại; xã hội số đô thị thông minh và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Dự thảo đưa ra phương án phát triển cụ thể đối với các lĩnh vực kinh tế, định hướng quy hoạch giáo dục, y tế; quy hoạch không gian văn hoá – thể thao và du lịch; phương án phát triển hạ tầng giao thông; quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn; tái thiết đô thị theo mô hình TOD; tái thiết đô thị theo mô hình tái điều chỉnh đất; mô hình mơ rộng ngoài đô thị trung tâm; phương án quy hoạch phát triển nông thôn…

tap-lap-1.jpg
Sơ đồ minh họa phương án phát triển đô thị Hà Nội tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô.

Thủ đô Hà Nội được nghiên cứu tổ chức thành 5 vùng phát triển kinh tế – xã hội, 5 không gian chú trọng phát triển (không gian văn hoá, không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian xanh, không gian số). Các định hướng quy hoạch các ngành, lĩnh vực, địa bàn được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ (hệ thống đường vành đai và đường sắt đô thị; các trục cao tốc).

Ngoài ra, dự thảo cũng định hướng hình thành 2 thành phố trực thuộc Thủ đô, tạo nên hình ảnh Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại – Kết nối toàn cầu với những đặc trưng về kinh tế, xã hội phát triển, văn hoá, đặc sắc, có bản sắc riêng, môi trường xanh, trong lành, người dân được thụ hưởng cuộc sống có chất lượng tốt.

Có thể nói, dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là kết quả bước đầu của quá trình nghiên cứu sơ bộ, quá trình tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Việc nghiên cứu, xin ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để hình thành quan điểm, triết lý phát triển Thủ đô theo định hướng chiến lược tại Nghị quyết số 15- CT/TW của Bộ chính trị và các nghị quyết của Trung ương là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác lập quy hoạch tích hợp, góp phần sơ bộ hình thành quan điểm, nguyên tắc cho việc tổ chức sắp xếp, phân bố không gian phát triển Thủ đô, gắn với liên kết nội vùng, liên vùng và quốc tế, phát huy tối đa lợi thế so sánh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thủ đô Hà Nội.

Theo TS. Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là dấu ấn mới về công tác quy hoạch, nên có nhiều thách thức từ nghiên cứu, từ nội dung quy hoạch và từ cả thể hiện trên các bản đồ, sơ đồ. Hơn nữa, quá trình này lại được triển khai trong giai đoạn vừa thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô nên thách thức là rất lớn. Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm hi vọng với sự quyết tâm của thành phố và việc tổ chức nghiên cứu khoa học, thực tiễn, với sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng, sẽ tạo lập được quy hoạch Thủ đô có chất lượng cao.

Trong thời gian tới, để tiếp tục góp phần hoàn thiện hơn nữa các nội dung cốt lõi, chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô, Thành phố Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học nhằm có được một bản quy hoạch xứng tầm, cập nhật xu thế phát triển của thời đại và bảo đảm tính khả thi./.

Thụy Phương

Tạo lập quy hoạch Thủ đô xứng tầm, đảm bảo tính khả thi (nguoihanoi.vn)